Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:08
05:55 |
Kiếm bộn tiền nhờ nghề “chém gió” về xe
“5 năm kinh nghiệm, tích lũy được không ít kiến thức về nghề bán xe, cộng với việc biết ăn, biết nói. Giờ việc của tôi là nắm thông tin nhanh, săn xe, dùng mánh và kiếm tiền”.
Đó là chia sẻ của Minh – một người buôn bán xe cũ độc lập mà anh ta cứ gọi vui là “nghề chém gió”, “nghề săn xe, ăn tiền”.
“Độc lập tác chiến”
Tôi đã biết Minh từ khá lâu, từ cái ngày anh là nhân viên bán hàng cho một showroom chuyên kinh doanh xe nhập khẩu ở Hà Nội. Xe nhập “chết” khi Thông tư 20 ra đời khiến cả nghìn người thất nghiệp hoặc chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác. Nhưng Minh thì không, đó hóa ra lại là cơ hội tốt cho anh chàng có cái miệng nói liên tục này đổi vận.
Nhiều người kiếm bộn tiền nhờ nghề săn xe, ăn tiền (Ảnh minh họa)
“Hồi ôtô nhập nhận án tử là bọn tôi mỗi người một ngả. Đang bán xe nhập “ngon” thế mà bỗng dưng chết ngắc khiến nhiều người sốc. Một số đổi nghề, còn đa phần vẫn “bám” lấy ôtô, anh chui vào hãng lớn, người mở showroom xe cũ. Còn tôi thì lại có cách riêng, ra ngoài làm độc lập một mình” – Minh kể.
“Tôi cũng đã chán làm việc phụ thuộc. Cũng định về mấy showroom của bạn bè làm nhưng thấy cũng nản. Bán được chiếc xe trừ tiền thuê mặt bằng, tiền nhân viên, tiền điện, tiền nước rồi cuối cùng chia nhau thì cũng mệt. Thế là phóng ra mà làm một mình, độc lập tác chiến, đỡ được nhiều thứ”.
Giờ thì Minh đúng là làm nghề tự do. Không có công ty riêng, không cửa hàng. Chỗ làm chủ yếu là quán cà phê, và công cụ kiếm tiền giờ cũng chỉ có cái máy tính xách tay. Công việc chính của anh là tìm các thông tin mua bán xe, xem ai cần mua, ai cần bán. Rồi cố gắng chen vào giữa mà ăn tiền chênh lệch.
Minh cho hay: “Ông cứ thử nghĩ xem, nếu ông đang rất muốn bán cái xe ông đang đi một cách dễ dàng, ông đang cần tiền và không thể chờ được lâu. Tôi sẽ giúp ông. Vì tôi biết người đang cần bán như ông và có người khác đang cần mua chính chiếc xe của ông, trong khi ông lại không có điều đó.
“Lợi nhuận của tôi nằm ở chỗ, tôi phải làm sao mua được chiếc xe với giá thấp hơn giá trị thực của nó, và bán lại với cái giá cao hơn chính cái giá trị ấy”.
Cái “mánh” trong nghề
“Nếu ông vừa muốn mua xe ôtô của chính chủ bán với giá rẻ vừa muốn không mất công sức tìm kiếm thì đó là điều không tưởng. Bởi vì ông biết rằng, những người như tôi cũng phải tốn rất nhiều công sức và thời gian để đi lùng mua ôtô thì mới có thể tìm được chiếc xe giá rẻ như trên về bán cho ông. Kiếm tiền mà, không gì là dễ dàng cả” – Minh kể.
Những “thợ săn” xe nghiên cứu rất kỹ các website, diễn đàn ôtô, trang rao bán xe
Được biết, hàng ngày những “thợ săn” xe như Minh nghiên cứu rất kỹ các website, các diễn đàn ôtô, các trang rao bán xe và các tờ báo giấy khác… khi có một thông tin nào đó mới đăng lên là họ lên đường tiếp cận chiếc xe ngay lập tức rồi tiến hành thỏa thuận mua bán.
Khi ai đó có nhu cầu bán xe cũng vậy, họ không thể dễ dàng bán xe của họ với giá cao mà không tốn tý công sức, thời gian và tiền bạc nào. Nếu dễ thế thì những người như Minh hay các salon ôtô cũ hết đất làm ăn.
Nhiều chủ xe vừa muốn bán xe lại vừa muốn dùng chiếc xe hàng ngày nên khi người mua muốn gặp phải hẹn hò khá mất thời gian. Nhiều chủ xe khác lại đăng bán theo kiểu "được giá bán chơi" nếu gặp "gà" trả giá cao thì bán không thì vẫn để đi. Đội thợ săn xe dựa vào đó mà tung tin hỏa mù kiểu như “đăng bán cho vui”, “buồn buốn bán xe chơi” khiến thị trường ôtô cũ hỗn loạn, thông tin ảo nhiều, người mua cũng ảo, người bán cũng ảo...
Thế nên khi người mua (bán) thật đăng tin thì người bán (mua) thật cũng không biết là có thật hay không. Cuối cùng là không gặp được nhau, loanh quanh một hồi lại chọn phương án dễ là mua (hoặc bán) cho thợ xe và các showroom ôtô cũ, chấp nhận mất tiền. Đó là lý do số lượng thợ săn xe – những người như Minh ngày càng đông, các showroom ôtô cũ mọc lên như nấm sau mưa trên các tuyến đường.
“Chém gió”, ép giá
Chính vì người mua, người bán thật thật, ảo ảo không biết đằng nào mà lần nên nhiều chủ xe đăng tin bán ôtô thường đề là "miễn trung gian" hoặc "miễn tiếp lái". Song việc làm đó cũng chỉ là vô ích vì chủ xe cũng không phân biệt được đâu là người mua thật, đâu là thợ săn xe. Việc bán xe cũng thế, khi rao tin bán ôtô thợ xe cũng đăng "miễn trung gian", “không tiếp thợ”… làm người mua "bó tay".
Thợ "săn" xe luôn thỏa thuận được những điều có lợi cho họ trong giao dịch
“Bắt được “mồi” ai đó đang cần bán xe, việc của bọn tôi khi xem xe là chỉ ra thật nhiều nhược điểm (trong đó có những điểm đúng và những điểm phóng đại lên). Sau khi chê bôi chán rồi thì trả rẻ hết mức có thể. Mấy ông chủ xe vừa mất công tiếp khách vừa bị nghe chê bôi xe của mình ai mà chẳng phát điên lên. Lúc này tâm lý chủ xe sẽ là "bán quách đi cho rồi" và thế là rơi vào "bẫy" của bọn tôi. Vì nhiều lý do như đang cần tiền, sợ xe không bán được nên chủ xe chấp nhận bán xe dưới giá trị thật của nó. Cái này gọi là nghệ thuật “dìm” hàng" – Minh tiết lộ.
Cũng cần phải nói thêm là khi đăng tin bán ôtô, người bán không muốn tiếp thợ xe mà muốn tìm kiếm những người mua thực sự để dùng vì họ nghĩ rằng đây là những người "dễ tính" không "săm soi" chiếc xe như thợ xe và có nhiều khả năng sẽ trả giá cao hơn thợ xe. Nhưng sau khi gặp toàn những vị khách “giả”, chê bai đủ điều, người bán hết kiên nhẫn và thế là họ có thể bỏ qua cả những người mua để dùng thực sự.
Ở góc độ những người cần mua xe, nhiều người mua ôtô cũ rất ngại việc phải đi nộp thuế trước bạ, đến công an để sang tên đổi chủ, đăng kiểm... trong khi thợ xe hoặc showroom ôtô cũ thường hứa sẽ giúp người mua việc này nên người mua rất thích. Gọi là giúp nhưng thợ xe cùng lắm cũng chỉ đi cùng và chỉ đường, vì mọi việc các cơ quan công quyền đều yêu cầu chính chủ phải trực tiếp làm. Sở dĩ những thợ săn xe như Minh đang sống khỏe cũng là nhờ cả người mua và bán xe cũ “lười” giao dịch hay làm các thủ tục liên quan.
Có kiến thức về xe cộ, nắm bắt thông tin nhanh, không bỏ lỡ cơ hội cộng với tài ăn nói “thành thần”, đúng là Minh đang thành công khi sống bằng cái nghề “săn xe, chém gió” này.
Thế Đạt (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá