Chủ Nhật, 19/01/2025 | 10:34
06:50 |
Trò chuyện với người sáng lập hội Mercedes-Benz Offroad
Ít ai ngờ rằng, người đàn ông ngoài 60 tuổi ấy đã lái xe vượt 18.000km từ Đức tới Việt Nam. Chặng đường dài đến vậy, nhưng đó mới chỉ là bắt đầu.
Như đã hứa, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về cuộc trò chuyện của tôi với ông Martin Breuninger, người sáng lập hội Mercedes-Benz Offoad đồng thời là nhà tổ chức, trưởng đoàn G-Class Caravan trong chặng đầu tiên từ Đức tới Việt Nam của hành trình vòng quanh thế giới qua 5 châu lục, kéo dài đến năm 2018.
Ông Martin Breuninger, người sáng lập hội Mercedes-Benz Offoad.
Để đến được Việt Nam, các thành viên từ nhiều nơi trên thế giới cùng những “bạn” đồng hành G 270, G 350, G 500 và G Professional đã vượt 18.000km, đi qua rất nhiều quốc gia và vũng lãnh thổ, bao gồm Nga, Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Trung Quốc, Tây Tạng và Lào, trong đó một số địa điểm có độ cao lên đến 5.000m. Trong 6 tuần, đoàn G-Class phải vượt qua 300 đến 1.000km mỗi ngày với nhiều loại địa hình và thời tiết khác nhau như đồi núi, rừng rậm, sa mạc, cao nguyên đá…
Suốt hành trình của mình, cả đoàn đối mặt với nhiều thử thách như đường quanh co liên tục, dốc thẳng đứng ở dãy núi Pamir (Tajikistan) hay điều kiện thời tiết khắc nghiệt của dãy Himalaya.
Chiếc G-Class của ông Martin Breuninger.
Tuy nhiên, nỗ lực của cả đoàn đã được đền đáp bằng những phong cảnh ấn tượng, khám phá văn hóa, con người họ gặp trên hành trình.
Hãy cùng theo dõi cuộc trò chuyện giữa Autodaily và ông Martin để hiểu hơn về hành trình tuyệt vời này.
Autodaily: Các ông đã chuẩn bị cho bản thân và người bạn đồng hành G-Class như thế nào trước chuyến đi này?
Ông Martin: Trước khi bắt đầu chặng 1, tôi và đồng nghiệp đã đi tiền trạm, qua toàn bộ các địa điểm trong lộ trình và từng đến Việt Nam vào tháng 6, cùng thời điểm diễn ra triển lãm Mercedes-Benz Fascination.
Bản đồ chặng đầu tiên từ Stuttgart (Đức) đến Hà Nội (Việt Nam).
Tôi chia chuyến đi vòng quanh thế giới làm 5 chặng bởi hầu hết thành viên tham gia đều là chủ doanh nghiệp, họ không có đủ thời gian để đi liên tục, phần lớn trong số họ đã đăng ký tham gia toàn bộ chuyến đi. Hơn thế nữa, kết thúc mỗi chặng, những chiếc G-Class sẽ được vận chuyển về vị trí xuất phát để các chủ sở hữu bảo dưỡng và điều chỉnh những thứ cần thiết cho chặng tiếp theo.
Đối với các thành viên tham gia, cần nắm rõ thông tin về hành trình, cần chuẩn bị những trang thiết bị tối thiểu như can đựng nhiên liệu (phòng trường hợp hết hoặc không có nhiên liệu ở vùng hẻo lánh), thực phẩm (bánh mì, bia, bánh quy…), đồ cắm trại (lều bạt…) thậm chí là nhà vệ sinh di động. Đây là trang bị cực kỳ cần thiết khi bạn thực hiện hành trình dài.
Bên cạnh đó, một lưu ý cần thiết nữa là mang càng nhiều phụ tùng càng tốt, để phòng trường hợp xe hỏng có thể sửa chữa ngay tại chỗ.
Autodaily: Tại sao ông lại chọn Việt Nam là điểm đến cuối cùng cho chặng đầu tiên?
Ông Martin: Nếu bạn nhìn vào bản đồ, bạn sẽ thấy kết thúc ở Hà Nội là rất hợp lý bởi chặng 2 của chúng tôi sẽ bắt đầu ở Australia.
Autodaily: Tổng chi phí cho một thành viên trong chặng từ Đức tới Việt Nam là bao nhiêu, thưa ông?
Mỗi thành viên trong chặng đầu tiên sẽ phải trả tổng chi phí là 32.000 Euro.
Với mỗi thành viên tham gia chặng từ Đức tới Việt Nam sẽ phải trả tổng chi phí là 32.000 Euro (tương đương 40.500 USD), bao gồm chi phí khách sạn, ăn uống và hướng dẫn du lịch, phiên dịch ở mỗi điểm đoàn đi qua và cả phí vận chuyển xe ngược trở về Đức.
Autodaily: Thử thách lớn nhất mà đoàn gặp phải là gì, thưa ông?
Ông Martin: Tôi nghĩ khó khăn nhất cho cả đoàn chính là đoạn qua con đường Pamir Highway. Đây là con đường chạy qua trung tâm của dãy núi này nối giữa Tajikistan và Kyrgyzstan nằm ở trên độ cao đến chóng mặt, trung bình 4.000m so với mực nước biển.
Con đường này một phần được trải nhựa, những phần khác chỉ dải đá - và nó là con đường duy nhất để đến với "mái nhà của thế giới" được xây dựng vào thập niên 1930 và 1940 dưới bàn tay của quân đội Liên Xô.
Tuy nhiên, do tôi cùng đồng nghiệp của mình đã thực hiện chuyến đi tiền trạm nên các tình huống gặp phải tôi đều có đủ kinh nghiệm xử lý và dẫn cả đoàn vượt qua một cách an toàn.
Autodaily: Còn về vấn đề thủ tục hải quan thì sao, thưa ông?
Ông Martin: Hầu hết các nơi chúng tôi đi qua mọi việc đều ổn. Tuy nhiên, khi đi từ Tajikistan đến Trung Quốc chúng tôi gặp vấn đề. Chúng tôi không thể đi qua cửa khẩu biên giới mà tôi đã đưa ra theo lịch trình vì có sự bất ổn về chính trị.
Cả đoàn mất 7 ngày ở đây bởi người hướng dẫn của chúng tôi phải quay trở lại Bắc Kinh để xin giấy phép đi qua cửa khẩu khác.
Autodaily: Các ông có khi nào phải ngủ ngoài trời hay không?
Ông Martin: Với trường hợp gặp trục trặc như trên, chúng tôi phải ngủ ở nhà nghỉ, thay vì khách sạn như dự định ban đầu. Có những lần, chúng tôi phải sử dụng lều ngủ do di chuyển qua khu vực không có khách sạn hay nhà nghỉ như Tây Tạng.
Đôi khi các thành viên trong đoàn phải dựng lều bạt để ngủ.
Tôi thích cảm giác ngủ trong lều bạt hơn là ngủ ở nhà nghỉ bởi khi đó tôi được hòa mình vào thiên nhiên, đất trời.
Autodaily: Các thành viên trong đoàn có gặp vấn đề về sức khỏe nào đáng lưu tâm hay không, thưa ông?
Ông Martin: Không, tôi không nghĩ vậy, mọi thứ đều ổn, trừ tình huống ở Trung Quốc. Trong ngày đầu đến đây, thức ăn thực sự tồi bởi có lẽ do sự khác biệt về văn hóa. Họ sử dụng quá nhiều các gia vị khác nhau như hành, tỏi…để chế biến món ăn.
Ngoài ra, một vấn đề nữa là sự chênh lệch độ cao ở Everest Camp Base. Các thành viên trong đoàn cần 3 ngày để làm quen với sự thay đổi này.
Các thành viên trong đoàn hầu như không gặp vấn đề nghiêm trọng nào về sức khỏe.
Autodaily: Tại sao ông lại chọn G-Class cho hành trình này mà không phải là một dòng xe khác của Mercedes-Benz?
Ông Martin: Chúng tôi từng thực hiện một vài hành trình với M-Class, GL-Class, GLK-Class and G-Class. Đối với chuyến đi dài, tôi chắc chắn rằng bạn có thể trải nghiệm với M-Class kèm gói phụ kiện off-road. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng tôi phải mang theo phụ tùng, nhiên liệu, thậm chí cả xe tải nếu sử dụng M-Class. Cuối cùng, chúng tôi quyết định chọn G-Class bởi G-Class hoàn toàn đáp ứng được hành trình dài cũng như những thử thách khắc nghiệt.
G-Class là "vua offroad" đích thực và đủ khả năng chinh phục mọi thử thách.
Autodaily: Ông di chuyển mỗi năm bao nhiêu km?
Ông Martin: Tôi làm cho Mercedes-Benz, phụ trách các khóa đào tạo, huấn luyện về G-Class. Mỗi năm tôi thực hiện 3 đến 4 chuyến đi đến các vùng khác nhau, nay ở Hong Kong, mai ở Trung Quốc, còn tiếp theo đó bạn có thể thấy tôi ở Nam Phi. Do vậy, khoảng cách di chuyển phụ thuộc vào điểm tôi đến.
Autodaily: Ông đã gắn bó với dòng G-Class được bao nhiêu lâu?
Ông Martin: Tôi đã dành 30 năm gắn bó với dòng G-Class.
Kinh nghiệm gần 30 năm gắn bó với dòng G-Class giúp ông Martin nắm rõ "chân tơ kẽ tóc" và chữa được hầu như "mọi bệnh" của dòng xe này.
Autodaily: Ngoài G-Class, gia đình ông có dùng chiếc xe nào khác của Mercedes-Benz hay không?
Ông Martin: Vợ và con trai tôi dùng M-Class, con gái tôi dùng B-Class, còn tôi trước đây cũng dành nhiều thời gian di chuyển trên chiếc S-Class, nhưng sau đó tôi nhận thấy rằng G-Class là đủ với tôi.
Tôi từng trải nghiệm nhiều dòng xe của các hãng khác trên sa mạc Sahara, tuy nhiên khi trở lại Đức, chiếc xe không còn như ban đầu. Chúng trở nên ồn ào hơn, rung lắc hơn. Nhưng với G-Class thì hoàn khác biệt. Sau quãng đường 12.000km đến 15.000km ở Nam Phi, G-Class vẫn như ban đầu, mọi thứ đều hoàn hảo. Đó chính là sự khác biệt.
Autodaily: Ông có sự so sánh nào giữa hành trình của ông với chuyến thám hiểm 26 năm của Gunther Holtorf và chiếc Mercedes-Benz 300GD 1988?
Ông Martin: Có một sự tương đồng là chúng tôi đều di chuyển trên những chiếc G-Class, nhưng khác biệt là ở chỗ ông Gunther có thời gian, còn khách hàng của tôi chỉ có 6 tuần. Ông Gunther có thể đến một địa điểm và ở luôn đó một vài ngày để khám phá nhưng chúng tôi thì không. Chúng tôi phải di chuyển trung bình 500km mỗi ngày, còn ở đường cao tốc thì quãng đường di chuyển có thể lên đến trên 800km.
Autodaily: Cảm xúc của ông thế nào khi đến Việt Nam?
Ông Martin: Trước hết tôi muốn nói việc thông quan ở cửa khẩu. Nếu so sánh với các nơi khác thì thủ tục ở Việt Nam là một trong những nơi dễ dàng nhất. Phong cảnh đất nước các bạn thật tuyệt, con người thân thiện và cởi mở.
Ông Martin (giữa) cảm nhận được sự thân thiện, cởi mở của con người Việt Nam.
Đường xá ở Việt Nam cũng tương đối tốt, tốt hơn nhiều những địa điểm khác mà chúng tôi đi qua, điển hình như ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, có điều là có quá nhiều xe máy và xe đạp trên đường, họ dường như không tuân theo luật giao thông nên đôi lúc khiến chúng tôi giật mình.
Autodaily: Nếu đưa ra lời khuyên cho những ai có ý định thực hiện chuyến đi tương tự như các ông bằng xe hai cầu, ông sẽ nói gì?
Ông Martin: Nếu sử dụng G-Class, thì có lẽ bạn sẽ không phải lo lắng về các vấn đề xảy đến với xe. Tôi có thể khẳng định như vậy.
Còn những trang bị cần thiết bạn nên lưu tâm là lều bạt, nhiên liệu, định vị, máy tính, ipod, bia hay bánh mì. Ngoài ra, bạn cũng nên điều chỉnh ghế ngồi bởi di chuyển cả chặng đường dài thì cần một loại ghế chuyên dụng hơn là ghế tiêu chuẩn.
Lốp tốt nhất và lốp dự phòng cực kỳ quan trọng.
Một điều cực kì quan trọng là lốp xe. Bạn cần phải sử dụng loại lốp tốt nhất, có thể chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt và nên có cả lốp dự phòng.
Autodaily: Cảm ơn ông về những chia sẻ hết sức thú vị này.
Một số hình ảnh đoàn G-Class trên đất Việt:
- Ngày 1 hành trình cùng các “bạn” Mercedes G-Class trên đất Việt
- Ngày 2 hành trình cùng các “bạn” Mercedes G-Class trên đất Việt
Thực hiện: Hoàng Tuấn (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá