Chủ Nhật, 19/01/2025 | 19:39
15:58 |
Thị trường xe máy: Chỉ Honda mỉm cười
Trong số 5 doanh nghiệp xe máy FDI lớn nhất tại thị trường Việt Nam, chỉ Honda có mức doanh số bán tăng nhẹ, còn lại đều giảm và giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái…
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), trong 10 tháng đầu năm 2014, doanh số bán của 5 doanh nghiệp xe máy FDI lớn nhất là Honda, Yamaha, SYM, Piaggio và Suzuki đạt hơn 2,2 triệu chiếc, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vision 2014 hút khách, giá cao hơn đề xuất 2 triệu đồng.
Đáng chú ý trong số 5 doanh nghiệp này, chỉ Honda có mức tăng nhẹ 2% đạt gần 1,55 triệu chiếc trong 10 tháng qua, chiếm 70% thị phần, tăng nhẹ so với mức 67% của cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng của Honda đến từ mảng xe ga với doanh số đạt hơn 750.000 chiếc, tăng hơn 6% so với cùng kỳ, trong khi mảng xe số giảm gần 2% xuống hơn 790.000 chiếc. Đây là diễn biến có thể nằm ngoài tuyên bố hoặc dự đoán của Honda bởi đầu năm 2014 này, liên doanh xe máy Nhật công bố sẽ tập trung nhiều hơn cho mảng xe số phổ thông sau khi rầm rộ ra mắt những mẫu xe ga ‘bom tấn’ trong năm 2013 như Lead 125, SH mode…
Doanh số bán của 5 doanh nghiệp xe máy lớn nhất Việt Nam
Trong 10 tháng qua, các mẫu xe ga bán chạy nhất của Honda là Air Blade với gần 300.000 chiếc (cũng là xe máy bán chạy nhất trên thị trường), Vision hơn 165.000 chiếc, Lead gần 158.000 chiếc…; các mẫu xe số hút khách là Wave Alpha với hơn 240.000 chiếc, Wave RSX với hơn 210.000 chiếc…Các mẫu xe được kỳ vọng như xe số Blade hay xe côn tay MSX mới ra mắt đầu tháng 9 vừa qua nhưng vẫn chưa gây được ấn tượng với người tiêu dùng.
Ở phần còn lại, ‘đại gia’ thứ hai trên thị trường là Yamaha có doanh số giảm sâu tới 15% xuống hơn 520.000 chiếc, chỉ còn chiếm 23,5% thị phần so với mức 26,2% của cùng kỳ năm ngoái. Sự suy yếu của Yamaha chủ yếu do mảng xe ga của doanh nghiệp này thất thế, mức doanh số chỉ đạt gần 88.000 chiếc trong 10 tháng đầu năm, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nouvo nỗ lực lấy lại doanh số, thị phần với phiên bản mới.
Mẫu xe ga chủ lực Nouvo có mức giảm mạnh chỉ còn 43.000 chiếc, chỉ còn chiếm 13% thị phần trong phân khúc so với mức gần 20% thị phần của năm ngoái; Nozza có mức doanh số gần 30.000 chiếc. Ngay cả mảng xe số có thế mạnh và chiếm đa số, Yamaha cũng bị giảm hơn 8% xuống hơn 430.000 chiếc, trong đó Sirius có doanh số lớn nhất với hơn 277.000 chiếc, Exciter hơn 129.000 chiếc.
Doanh nghiệp đứng thứ 3 nhưng có khoảng cách khá xa là SYM với doanh số hơn 65.000 chiếc trong 10 tháng, giảm 5% so với cùng kỳ, đạt 2,9% thị phần. Mảng xe ga của SYM giảm thê thảm 46% xuống gần 22.000 chiếc, trong khi mảng xe số lại thăng hoa với hơn 43.000 chiếc, tăng gần 52% so với cùng kỳ năm 2013. Các mẫu xe bán chạy của SYM là Elegant với hơn 23.000 chiếc, Attila các loại hơn 21.000 chiếc, Angela hơn 10.000 chiếc, Galaxy hơn 9.000 chiếc. Ở phần còn lại, Joyride, Shark khá ế ẩm với doanh số trung bình dưới 20 chiếc mỗi tháng.
Vespa Sprint có giá bán từ gần 72 triệu đồng.
Tương tự là Piaggio với mức doanh số giảm nhẹ 3% xuống hơn 44.000 chiếc, chiếm 2% thị phần. Do Piaggio không phân phối xe số nên toàn bộ doanh số và mức suy giảm nói trên là của xe ga. Năm 2014 được đánh giá là năm khó khăn với liên doanh xe Italia khi hàng loạt mẫu xe bán bán chậm, ế ẩm: 10 tháng Fly bán được hơn 700 chiếc, Vespa S hơn 900 chiếc, Vespa LT hơn 300 chiếc…
Suzuki là đơn vị có doanh số và thị phần hiện tại thấp nhất trong VAMM. 10 tháng đầu năm 2014 doanh nghiệp này bán được gần 33.000 chiếc các loại, giảm sâu tới hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ còn chiếm 1,5% thị phần. Mức suy giảm này khá ‘đều’ cả ở hai mảng xe ga và xe số: xe ga giảm gần 21% xuống hơn 5.800 chiếc, xe số giảm gần 23% xuống hơn 27.000 chiếc.
Với những diễn biến phục hồi mạnh của Honda trong những tháng gần đây, dự kiến doanh số toàn thị trường xe máy Việt Nam năm 2014 sẽ giảm nhẹ hoặc tương đương với mức gần 2,8 triệu chiếc của năm 2013.
Theo Quỳnh Trang (VnMedia)
Ý kiến đánh giá