Chủ Nhật, 19/01/2025 | 05:55
14:04 |
Từ tháng 8: GPLX quốc tế sẽ được cấp tại Việt Nam
Liên quan đến việc cấp giấy phép lái xe quốc tế theo Công ước Vienna sử dụng tại 73 quốc gia trên thế giới, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam về vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (BGTVT). Ảnh: VGP/Phan Trang
Ông Nguyễn Văn Quyền: Đề cương Thông tư hướng dẫn về việc cấp đổi GPLX quốc tế đã được Tổng cục Đường bộ trình Bộ GTVT và Bộ đã phê duyệt.
Trên cơ sở đó, Tổng cục đang dự thảo chi tiết Thông tư và theo kế hoạch, Thông tư chi tiết sẽ được trình Bộ GTVT trong tháng 3 này.
Tuy nhiên, theo Công ước Vienna, lộ trình của việc cấp GPLX quốc tế này đến tháng 8 mới có hiệu lực, nên chúng tôi dự kiến, Thông tư hướng dẫn sẽ được Bộ GTVT ban hành vào tháng 6, để đến đầu tháng 8 có hiệu lực.
Xin ông cho biết chi tiết hơn về GPLX quốc tế được cấp tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Trước đây, công dân Việt Nam khi sang nước ngoài, muốn lái xe sẽ phải thi đổi sang GPLX của nước sở tại. Nhưng giờ đây, khi Việt Nam cấp GPLX quốc tế, thì GPLX này sẽ được sử dụng ở 73 nước tham gia Công nước Vienna mà không cần xin cấp GPLX ở nước sở tại nữa.
Về hình thức, GPLX quốc tế tuân theo mẫu mã mà Công ước Vienna quy định: Giấy phép hình dáng như quyển hộ chiếu với khoảng 4-5 trang; thông tin ghi trên đó bằng 5 thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc.
GPLX quốc tế sẽ được cấp cho những người đã có GPLX tại Việt Nam, không tổ chức thi mới. Ai đã được cấp GPLX ở Việt Nam được điều khiển loại xe nào sẽ được cấp GPLX quốc tế để điều khiển loại xe tương ứng.
Như vậy, có thể nói, GPLX quốc tế là loại GPLX cấp thêm cho những người học tập, công tác, làm việc tại nước ngoài có nhu cầu.
Thủ tục cấp GPLX quốc tế có phức tạp không, thưa ông? Thời gian cấp sẽ trong bao lâu?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Quy định về thời gian cấp GPLX quốc tế sẽ được quy định rõ trong Thông tư hướng dẫn ban hành trong thời gian tới, bao gồm: Quy trình cấp, thời gian cấp, hồ sơ…
Trong dự thảo Thông tư, chúng tôi hướng tới mục tiêu là thủ tục sẽ đơn giản nhất, thời gian nhanh nhất; dự kiến sẽ cấp theo dạng dịch vụ công cấp độ 3, cho phép những người có nhu cầu đăng kí khai báo qua mạng, chỉ đến 1 lần để nộp lệ phí và chụp ảnh.
Đặc biệt, chúng tôi đã tính đến phương án người có nhu cầu cấp GPLX quốc tế sẽ không phải lên nơi cấp mà thực hiện nộp lệ phí bằng chuyển khoản. Còn ảnh của người cần cấp đã có trên cơ sở dữ liệu cấp GPLX toàn quốc rồi nên có thể không cần chụp lại nữa.
Mục đích của chúng tôi là giảm đến mức tối đa việc đi lại của người dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận dịch vụ công tốt nhất.
Dự kiến, việc cấp đổi giai đoạn đầu sẽ thực hiện ở Tổng cục Đường bộ, các Sở GTVT: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng.
Các địa phương còn lại sẽ thực hiện khai báo qua mạng tại Sở GTVT địa phương đó và truyền dữ liệu về các sở có thẩm quyền cấp đổi.
Liên quan đến việc đổi GPLX cũ sang GPLX bằng vật liệu PET, thưa ông, việc này đã tiến hành đến đâu? Chủ trương chuyển việc cấp đổi GPLX sang vật liệu PET khi nào sẽ được thực hiện tại các Sở GTVT địa phương?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Hiện nay, 1 ngày có khoảng 50 người khai báo đổi GPLX bằng vật liệu PET trên mạng, chiếm hơn 50% số người có nhu cầu.
Thời gian tới, việc cấp đổi sẽ chuyển giao cho Sở GTVT Hà Nội và Sở GTVT TPHCM, sau đó tiến tới chuyển giao cho các Sở GTVT trên toàn quốc.
Đối với GPLX ô tô, hiện đã có gần 3 triệu GPLX được đổi, chiếm 72%. Trong năm 2015, chúng tôi phấn đấu sẽ đổi xong toàn bộ GPLX ô tô sang vật liệu PET.
Còn với xe máy, hiện nay khoảng 4 triệu/31 triệu GPLX đã được đổi, chiếm khoảng 12%. Lộ trình đến hết tháng 12/2020 sẽ đảm bảo đổi hết số lượng bằng lái xe máy còn lại.
Xin cảm ơn ông.
Theo Phan Trang (Chinhphu.vn)
Ý kiến đánh giá