Chủ Nhật, 19/01/2025 | 06:58
13:05 |
Vì sao xe nội địa mất dần lợi thế?
Chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực ASEAN từ 20 đến 30% khiến lĩnh vực này đang mất đi nhiều lợi thế.
Khi làm việc với các cơ quan hữu trách của Việt Nam như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm cụ thể hóa các vấn đề liên quan đến Kế hoạch Hành động thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong lĩnh vực ô tô, các chuyên gia Nhật Bản nhận xét, thị phần của xe ô tô sản xuất tại Việt Nam đang có xu hướng giảm, trong khi lượng xe nhập khẩu lại gia tăng mạnh.
Tỷ lệ nội địa hóa của Công ty Ô tô Trường Hải hiện đạt từ 15 đến 18%. Ảnh : Đức Thanh
Do mức thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc (CBU) từ các nước ASEAN giảm từ 60% năm 2013 xuống còn 50% năm 2014, nên lượng xe CBU đã tăng từ 20% lên 26,2%; trong khi tỷ trọng xe trong nước lại giảm từ 80% xuống còn 73,8%. “Nếu mức thuế với xe CBU nhập khẩu từ các nước ASEAN được loại bỏ vào năm 2018 như dự kiến, ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức lớn”, báo cáo của các chuyên gia Nhật Bản nêu rõ.
Một nhận định khác cũng được các chuyên gia Nhật Bản đưa ra là, do quy mô sản xuất ô tô lẫn dung lượng thị trường tại Việt Nam nhỏ hơn tại Thái Lan, nên chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn so với giá bán của xe nhập khẩu từ Thái Lan khoảng 20-30%.
Tại thời điểm năm 2014, Việt Nam có 13 nhà sản xuất ô tô, cùng khoảng 150 doanh nghiệp cung cấp phụ tùng đã sản xuất 90.000 xe và toàn thị trường tiêu thụ khoảng 110.000 xe. Trong khi đó, Thái Lan có 15 nhà sản xuất ô tô, nhưng có tới 2.400 nhà cung cấp phụ tùng, sản xuất được 2,46 triệu xe và tiêu thụ nội địa là 1,33 triệu xe.
Dựa trên các nghiên cứu này, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, cần có các biện pháp cụ thể để bù đắp chênh lệch về chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam với xe được nhập khẩu từ các nước khác nhằm thúc đẩy sản xuất ô tô tại Việt Nam. Dĩ nhiên, các chuyên gia Nhật Bản cũng cho rằng, các hỗ trợ này chỉ nên giới hạn ở một số chủng loại xe cụ thể.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho rằng, cần phải làm rõ việc chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn so với xe nhập khẩu cùng loại 20% đến 30% là do đâu. Đó là chưa kể việc bù đắp chi phí này (nếu có), thì cũng phải áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp cùng sản xuất dòng xe cụ thể nào đó, chứ không thể chỉ dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Được biết, hiện tại, Bộ Công thương đang hoàn tất chương trình hành động đối với ngành công nghiệp ô tô để trình Chính phủ xem xét ngay trong tháng 3 này.
Hiện tại, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tổng năng lực sản xuất, lắp ráp khoảng 460.000 xe/năm, trong đó xe con là 200.000 xe/năm. Đóng góp từ thuế của ngành ô tô vào ngân sách mỗi năm khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, khi phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản.
Tỷ lệ nội địa hóa đạt thấp, khi mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005; 60% vào năm 2010 đối với xe con, nhưng hiện mới chỉ đạt bình quân 7-10%. Ngoại trừ Công ty Ô tô Trường Hải đạt từ 15 đến 18% và dòng xe Innova của Toyota Việt Nam đạt 37%.
Đặc biệt, mục tiêu có giá bán xe hợp lý, phù hợp với túi tiền của người Việt Nam chưa đạt được. “Giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, cho dù chất lượng đã có cải thiện, nhưng không bằng xe nhập khẩu, vì vậy, chưa hạn chế được tư tưởng chuộng xe ngoại của một bộ phận người tiêu dùng”, báo cáo của Bộ Công thương nhấn mạnh.
Theo Thanh Hương (baodautu.vn)
Ý kiến đánh giá