Thứ Hai, 14/10/2024 | 21:09
10:45 |
Xe hơi Trung Quốc trên đường bá chủ toàn cầu!
Trung Quốc đã và đang quyết liệt hành động để trở thành một đế chế hùng mạnh về ô tô toàn cầu, thực tế này diễn ra nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc không nhỏ vào chiến lược và hành động của các hãng xe châu Âu, Mỹ và Nhật.
Những vụ thôn tính đáng kể
Trước hết, hãy cùng điểm lại những vụ thôn tính các hãng xe hơi của quốc gia châu Á này. Vụ việc đình đám đầu tiên diễn ra cách đây đúng 10 năm. Tháng 7/2005 hãng xe MG Rover của Anh đã về tay Nanjing Automobile Group (Tập đoàn ôtô Nam Kinh) với giá chỉ bằng vài cầu thủ của giải Ngoại hạng Anh – 57 triệu bảng. Vụ việc này đã làm chìm lấp một vụ âm mưu thôn tính khác của Tập đoàn ôtô Thượng Hải (SAIC), nhăm nhe hãng Ssangyong của Hàn Quốc trước đó. 10 năm không phải là dài đối với công nghiệp xe hơi, nhưng nó đã được lấp đầy bởi liên tiếp những phi vụ mua lại các hãng xe hơi của Trung Quốc.
Một vụ việc mua lại khác khiến ‘Đế quốc sương mù’, quê hương nền công nghiệp xe hơi tại ‘Lục địa già’ lại ‘mất mặt’ là Manganese Bronze Holding . Đây là công ty chuyên sản xuất các loại taxi truyền thống ở Anh . Tháng 2/2013 Tập đoàn Geely Holding Group đã mua lại Manganese Bronze Holdings chỉ với giá hơn 11 triệu bảng Anh (khoảng 17,5 triệu USD). Nhưng thực ra, trước đó, Geely đã sở hữu 20%của Manganese vào năm 2006.
Sau khi ‘càn quét’ đế chế xe hơi hàng đầu châu Âu, tháng 3/2010 Geely tiếp tục mua lại Volvo một hãng xe hơi gốc gác Thụy Điển, thời điểm đó đang thuộc Ford với giá 1,8 tỷ USD sau 2 năm đàm phán. Trước đó, 2009, Ford đã phải tuyên bố Geely là nhà thầu ưu tiên của Volvo. Đây còn là một cú thua đau của ‘ổng tổ’ xe hơi Ford vì khi mua lại Volvo năm 1999, hãng này phải trả tới 6 tỷ USD.
Tháng 2/2014, Đông Phong của Trung Quốc đã mua 14% cổ phần của Peugeot Citroen – Pháp với tổng chi phí khoảng 1 tỷ USD. Đây là vụ mua cổ phần hãng ô tô nước ngoài lớn nhất của các Tập đoàn ô tô Trung Quốc.
Đó là chưa kể đến rất nhiều vụ việc ‘nhỏ lẻ’, ‘lặt vặt’ khác: Hãng SAAB của Thụy Điển cũng bị một công ty tại Hong Kong mua lại để trở thành hãng xe điện, Hãng Fisker Karma của Phần Lan bị Wanxiang Group mua lại; còn Beijing Automotive Industry đang hợp tác cùng người khổng lồ của ô tô châu Âu Daimler để sản xuất xe hạng sang trong tương lai gần.
Hơn nữa gần đây nhất, thông tin của các hãng tin trên thế giới vài ngày qua loan báo, Tập đoàn Hóa chất của Trung Quốc đã gần như mua xong hãng lốp xe nổi tiếng hàng đầu thế giới Pirelli của Ý với giá 7,7 tỷ USD. Đây là 1 trong 5 hãng lốp đứng đầu thế giới, chuyên sản xuất các loại lốp xe thể thao, xe công thức I, lốp xe chuyên dụng và cung cấp cho các mẫu xe sang của nhiều hãng xe châu Âu cũng như thế giới. Châu Âu chỉ còn 3 hãng lốp xe nổi tiếng là Michelin (Pháp), Continental (Đức), Dunlop (Anh) sau khi Pirelli thuộc về Trung Quốc. Như vậy là bên cạnh việc quan tâm đến các hãng xe, nền công nghiệp phụ trợ cho xe hơi cũng được Trung Quốc thâu tóm, tạo bệ phóng.
Cũng phải nói thêm rằng, trong xu hướng gần dây, nguồn cung của lốp xe trên thị trường thị trường thế giới đang không đủ cầu. Động thái trên của Trung Quốc lại một lần nữa cho thấy, họ rất nhạy bén và có sự chuẩn bị từ rất sớm cho mọi vụ thôn tính, mua lại trong lĩnh vực ô tô.
Sắp hạ bệ các ông lớn từ EU, Mỹ, Nhật?
Nhìn lại các vụ việc, các hãng xe và phụ tùng của Anh, Thụy Điển, Pháp, Đức, Ý đều bị các đối tác Trung Quốc dòm ngó, hợp tác hoặc thôn tính. Thị trường ô tô Trung Quốc, xét về doanh số có những năm vượt qua cả Mỹ và Nhật. Năm 2013, SAIC (Tập đoàn ô tô Thượng Hải) đã lọt vào top 10 nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới do Forbes bầu chọn. Năm 2014, hãng này vẫn tiếp tục bám trụ được ở vị trí chót bảng top 10.
Tuy nhiên, danh sách hãng xe bị Trung Quốc thôn tính hoặc mua lại đều từ châu Âu, nơi chịu các đợt khủng hoảng kinh tế nặng nề sau những năm 2000. Trong danh sách này không hề có các hãng xe gốc Mỹ, Nhật, thậm chí cả Hàn Quốc. Có vẻ như các hãng xe Châu Âu quá èo uột và ‘dễ tính’ sau liên tiếp các cơn khủng hoảng kinh tế.
Điểm lại như vậy để thấy một ý đồ rõ ràng của Trung Quốc về công nghiệp xe hơi, nhưng để thôn tính hoặc cạnh tranh được với công nghiệp xe hơi châu Âu còn cả chặng đường dài nếu như có thể nói là không thể với những người khổng lồ sở hữu nhiều nhãn hiệu xe hơi nổi tiếng như: Fiat - Ý, BMW – Đức, Renaut – Pháp…
Dù sao sự ‘dễ tính’ từ các hãng xe Châu Âu đã sớm để Lục địa già dần dần mất đi ngôi trị vì bởi bên cạnh các hãng xe Mỹ là sự hùng mạnh của ngành ô tô châu Á gồm những tên tuổi rất lớn của Nhật, Hàn Quốc và bây giờ là Trung Quốc. Kết luận Trung Quốc sẽ hạ bệ các 'đế chế' xe hơi khác là quá sớm nhưng những hành động để thể hiện sự 'mon men' này là quá rõ ràng.
Theo Thảo Hoàng (Vnmedia.vn)
Ý kiến đánh giá