Thứ Sáu, 22/11/2024 | 22:04
10:00 |
Những chiếc xe tải quân sự huyền thoại ở Việt Nam
Zil 157, Zil 131 hay Gaz-66 những "chiến binh" chinh phục mọi địa hình, vượt qua bom đạn, đèo cao, sông suối, cùng bộ đội ta xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
"Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng…"
Những câu thơ trong bài thơ "Tiểu đội xe không kính" của nhà thơ Phạm Tiến Duật đã phần nào khắc họa được hình ảnh của những chiếc xe vận tải quân sự, những chiếc xe từng một thời ngang dọc Trường Sơn, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của Dân tộc.
Nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta hãy cùng nhìn lại những chiếc xe anh hùng ngày nào, những chiếc xe đã vượt qua bom đạn, vượt qua bao đèo cao, sông suối, cùng bộ đội ta xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
"Người anh hùng" trên đường Trường Sơn
Đầu tiên là chiếc xe Zil 157, ra đời năm 1957, đây là chiếc Zil ba cầu đầu tiên. Một đỉnh cao của công nghệ Xô-viết. Chiếc xe tải off-road 6x6 với ba cầu chủ động, vi-sai đồng bộ một cách tuyệt vời giữa các đầu trục. Ngay sau khi ra đời, chiếc Zil 157 đã đạt được “Giải thưởng lớn” (Grand Prix) tại triển lãm ôtô quốc tế Bruxen (Bỉ) năm 1958. Zil 157 thiết kế chủ yếu là để trở thành xe tải chiến lược dùng cho quân đội Xô-viết, nhưng nó còn được dùng để lắp lên đó giàn tên lửa Cachiusa. Khi tới Việt Nam, Zil 157 nhanh chóng trở thành người anh hùng trên đường Trường Sơn.
Zil 157 thiết kế cơ sở là xe tải có trọng tải 3 tấn, nhưng là xe việt dã vượt mọi địa hình. Trên đường tốt, Zil 157 có thể kéo rơ-moóc đưa khả năng chuyên chở lên tới 7,5 tấn, nhưng thực ra những chi tiết của xe không được thiết kế để chuyên chở nặng đến như thế. Quan điểm của các nhà thiết kế quân sự Xô-viết không phải là tải trọng - họ làm xe tải hạng nặng không khó. Quan trọng là phải mang được hàng đến đích bất chấp khó khăn của điều kiện chiến tranh.
Chính quan điểm đó đã làm cho chiếc xe có những ưu điểm tuyệt vời mà sau này nó đã thể hiện trên đường Trường Sơn. Hai bên thành xe có thể lắp ghế băng, chiếc xe có thể chở được một tiểu đội lính đầy đủ trang thiết bị. Một đặc điểm nữa không thể không kể đến, đó là ở đầu xe có trang bị một bộ tời dẫn động thẳng từ động cơ giúp nó có thể tự cứu mình trong những tình huống bị sa lầy.
Chiếc thứ hai mà tôi muốn nói đến là Zil 131, chiếc xe tải đa dụng được thiết kế và sản xuất ở Liên Xô vào năm 1966. Zil 131 ra đời để thay thế người tiền nhiệm Zil 157. Tính đến năm 1994 khi Zil 131 ngừng sản xuất, có gần một triệu chiếc ra đời. Mặc dù “tuổi đời” không còn “trẻ” nhưng Zil 131 vẫn còn sử dụng rộng rãi bởi quân đội Nga và một số nước khác.
Zil 131 trang bị động cơ V8 dung tích 6,9 lít, trọng tải 5 tấn và rơ moóc 5 tấn trên đường bằng hoặc 3,5 tấn và rơ moóc 4 tấn khi off-road, khoảng sáng gầm xe lên tới 330 mm. Zil 131 sử dụng hệ thống dẫn động 6 bánh toàn thời gian, nhưng trục trước của xe có thể nghỉ khi đi trên đường nhựa. Xe còn trang bị hệ thống kiểm soát áp suất lốp và hệ thống tời ở một số phiên bản.
Một chiếc nữa cũng không thể không nhắc tới là Gaz-66, xe vận tải tầm trung với 2 cầu chủ động 4x4, trọng tải toàn bộ 5.800 kg, khoảng sáng gầm 315 mm, do trang bị tời kéo nên nó có thể hoạt động trong mọi điều kiện đường sá, thời tiết. Có thể nói Gaz-66 chính là một trong những chiếc xe địa hình tốt nhất, phù hợp nhất với địa hình ở Việt Nam.
Những chiếc xe quân sự kể trên là những "chiến binh" thực sự trên những chặng đường xấu, khả năng trèo đèo, lội suối của nó khiến hầu hết những chiếc xe địa hình dân sự phải kính nể.
Tôi đã từng được trải nghiệm với Zil 157, Zil 131 và Gaz-66 trên những con đường mà những chiếc Land Cruiser cũng phải chào thua. Chiếc xe “nuốt gọn” những “ổ gà, ổ trâu, ổ bò”…và thậm chí là “ổ khủng long” một cách dễ dàng. Những con suối nước chảy siết với độ sâu trên 1 m nước có thể cuốn trôi SUV cũng chẳng thể làm khó cho những “chiến binh” này.
Có một điều mà tôi cảm thấy vô cùng ấn tượng về những chiếc xe quân sự là tính năng tự động thay đổi áp suất bánh xe theo địa hình và tự bơm khi lốp bị thủng (vừa chạy vừa bơm), điều này vô cùng hữu ích trong điều kiện chiến trường cũng như khi di chuyển trên đoạn đường rừng núi xa sôi, không tiện cho việc sửa chữa.
Còn rất nhiều điều thú vị về những chiếc xe quân sự mà tôi không thể kể hết. Các bạn có muốn trải nghiệm không? Hãy tham gia quân đội ở những đơn vị xe cộ, các bạn sẽ có cơ hội khám phá những chiếc xe mà ở ngoài đời thường các bạn không bao giờ có cơ hội trải nghiệm!
Theo Duy Tuấn (VnExpress)
Ý kiến đánh giá (2)