17:43  | 

Tiếp tục lắp ráp ô tô hay nhập khẩu nguyên chiếc?

Là liên doanh sản xuất lắp ráp ô tô lớn nhất tại Việt Nam, sau 20 năm đầu tư, hiện Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) đang đứng trước một bài toán khó là tiếp tục đầu tư vào SXLR ô tô hay chuyển sang NK nguyên chiếc.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Yoshihisa Maruta - Tổng giám đốc của TMV về vấn đề này.

Thưa ông, sau 20 năm đầu tư vào sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam, đến nay mới chỉ có 18 nhà cung cấp phụ tùng nội địa cho TMV với khoảng 270 loại linh kiện (so với trên 10.000 phụ tùng linh kiện để lắp ráp một chiếc xe). Số lượng này liệu có quá ít?

Tiếp tục lắp ráp ô tô hay nhập khẩu nguyên chiếc? tgd-toyota.jpgÔng Yoshihisa Maruta - Tổng giám đốc của TMV.

Việc sản xuất phụ tùng, linh kiện liên quan đến số lượng xe bán ra. Số lượng quá ít thì các phụ tùng, linh kiện đó sẽ có giá thành cao, đẩy giá bán sản phẩm lên cao. Vì vậy chỉ khi thị trường phát triển vững chắc, thì hệ thống nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện mới theo đó mà phát triển theo.

So với các DN SXLR ô tô khác thì con số 18 nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện cho TMV là khá nhiều. Nhìn sang bên cạnh, đơn cử như Thái Lan, Toyota đã có mặt tại Thái Lan khoảng 50 năm, với số lượng sản phẩm sản xuất ra tại Thái Lan rất lớn song số lượng nhà cung cấp phụ tùng nội địa cũng không lớn lắm.

Ngành sản xuất xe hơi rất quan trọng với Việt Nam nhưng khó nhất là lịch sử ngành xe hơi của Việt Nam quá ngắn và hầu như chưa có sự phát triển gì đáng kể, trong đó đặc biệt là sản xuất linh kiện phụ tùng. Chỉ khi các nhà sản xuất tập hợp được các nhà sản xuất linh kiện nội địa đủ lớn thì mới giảm được giá xe.

Ông có thể cho biết sau 20 năm TVM đã đầu tư vào Việt Nam ra sao?

Tổng số tiền đầu tư của TMV từ ngày đầu thành lập đến nay là 154 triệu USD, riêng năm 2014, số tiền đầu tư lên tới gần 19 triệu USD, tập trung chủ yếu vào 2 lĩnh vực chính là: Các dự án xe mới và dây chuyền sản xuất.

Bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 1996, sản lượng của TMV chỉ đạt 2 xe/ngày, đến nay đã đạt 127 xe/ngày. Năm 2014 TMV  đã sản xuất  34.778 xe, XK đạt giá trị kim ngạch 40 triệu USD tới 13 thị trường trên thế giới.

Chiến lược phát triển của TMV trong thời gian tới liệu có tiếp tục đầu tư sản xuất ô tô tại Việt Nam không khi mà đến 2018 thuế NK xe nguyên chiếc giảm mạnh (xuống 0 %) thưa ông?

TMV cũng như các nhà sản xuất khác trong Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đều phải đưa ra quyết định tiếp tục sản xuất hay chuyển sang NK vào thời điểm năm 2015. Bởi thông thường để sản xuất một mẫu xe sẽ cần thời gian chuẩn bị là 3 năm. Tuy nhiên hiện tôi chưa có câu trả lời cuối cùng về việc có nên tiếp tục sản xuất tại Việt Nam.

Chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp ôtô đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 mặc dù đã được Chính phủ phê duyệt nhưng chưa đưa ra cụ thể là sẽ làm gì. Vì thế, chúng tôi còn phải đợi chính sách cụ thể được ban hành dựa trên chiến lược tổng thể đó. Nếu các cơ quan chức năng không có động thái cụ thể thì tất cả các nhà sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn. Hiện hầu hết linh kiện của TMV gần như đều phải NK từ nước ngoài khiến chi phí tăng cao. Cho nên, đến một lúc nào đó, theo lộ trình cắt giảm thuế quan, NK xe nguyên chiếc từ Thái Lan về Việt Nam sẽ rẻ hơn so với việc nhập từng phụ kiện về lắp ráp.

Chính vì thế chúng tôi vẫn đang cân nhắc việc có nên ngừng sản xuất ôtô tại VN để NK hoàn toàn để hưởng lợi từ lộ trình giảm thuế từ ASEAN.

Xin cảm ơn ông!

 Theo Nguyễn Hà (Báo Hải Quan)

Ý kiến đánh giá (6)


Có thể bạn quan tâm