08:53  | 

Toyota ra điều kiện tỷ đô: Bộ Công thương bác

Đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ không thể chấp nhận lời đề nghị hỗ trợ "tỷ USD" từ Toyota, vì trái với cam kết đối xử bình đẳng trong WTO.

Chính sách hỗ trợ không phù hợp

Cụ thể, ngày 27/4, đại diện Bộ Công Thương đánh giá, hãng Toyota Việt Nam có đưa ra đề xuất hỗ trợ cho sản xuất ô tô sau năm 2018 với giá trị lớn hàng tỷ USD là rất vô lý.

Vị này tính toán, với mức chênh lệch là 20-25% theo cách tính của Toyota, 50% số này là khoảng 10-12,5% chi phí sản xuất xe. Theo giá tuyệt đối, giả sử trung bình mỗi xe là 100 triệu đồng thì với sản lượng 40.000 xe của Toyota năm 2014, con số hỗ trợ sẽ là 40.000 tỷ đồng, gần 2 tỷ USD. Đây là khoản tài chính quá lớn.

Toyota ra điều kiện tỷ đô: Bộ Công thương bác Ra_mat_Toyota_Camry_2015 (6).jpgMẫu xe Toyota Camry 2015 ra mắt gần đây.

Thêm vào đó, chính sách hỗ trợ như vậy không phù hợp với nguyên tắc đối xử bình đẳng trong WTO, các Chính phủ không được phép hỗ trợ trực tiếp về giá đối với sản phẩm của mình mà phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Trong bản đề xuất này, Toyota cũng không nói rõ, nếu được Chính phủ phê duyệt hỗ trợ thì Việt Nam sẽ được lợi ích cụ thể như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói rằng: "Đó là thông tin trong một cuộc họp. Chưa có cơ sở nào để Toyota sẽ dừng sản xuất và chuyển sang nhập khẩu ô tô ở Việt Nam. Cũng chưa có cơ sở nào để Chính phủ Việt Nam sẽ bù lỗ cho hãng hay trợ giá sản xuất xe ô tô."

Hàng loạt đề xuất về gói hỗ trợ sản xuất

Trước đó, Toyota có hẳn một bản đề xuất với 2 kịch bản, theo đó, Toyota đã đệ trình Chính phủ Việt Nam một loạt gói hỗ trợ để hãng này có thể duy trì sản xuất tại Việt Nam sau năm 2018.

Cụ thể, một là, hãng đề nghị thay đổi giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe CKD từ giá bán của nhà sản xuất hiện nay sang tính theo giá xuất xưởng. Toyota cho rằng, Thái Lan và Indonesia đều đã tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo cách này, và đây mới là cách tính thuế công bằng.

Hai là, hãng yêu cầu Chính phủ Việt Nam giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện CKD từ Nhật Bản từ mức 15-25% theo chính sách thuế MFN (theo cam kết WTO) hiện nay xuống 0%, ngang với mức thuế ưu đãi nhập khẩu linh kiện từ ASEAN vào năm 2018.

Ba là, kiên trì theo đuổi từ năm 2014 về việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất trong nước. Hãng kiến nghị Chính phủ có thể chọn hoặc là giảm 20% giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, hoặc giảm mức thuế suất từ 45% xuống chỉ còn 35%.

Bốn là, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất ô tô. Cuối cùng là Toyota Việt Nam xin Chính phủ hỗ trợ cho xe CKD giá trị xe tương đương 50% mức chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu.

Nếu như Chính phủ Việt Nam phê duyệt các đề xuất trên, Toyota Việt Nam sẽ nỗ lực từng bước tăng cường nội địa hoá để cắt giảm chi phí, tiến tới loại bỏ hoàn toàn một nửa chênh lệch chi phí còn lại. Cùng đó, Toyota hứa hẹn sẽ cân nhắc đầu tư thêm nhà máy mới với công suất lên tới 100.000 xe/năm sau năm 2025.

Ngược lại, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam sau năm 2018 như trên, hãng rất khó duy trì sản xuất xe tại Việt Nam do đối thủ nhập khẩu các mẫu xe với giá rẻ hơn xe sản xuất trong nước.

Mặc dù kêu nhiều khó khăn, nhưng hãng vẫn có được những khoản doanh thu khổng lồ, khoản lợi nhuận của Toyota tại Việt Nam cũng phải lên tới 100 triệu USD.

Trong khi đó, ngày 27/4, đại diện Bộ Công Thương đánh giá, hãng Toyota Việt Nam có đưa ra đề xuất hỗ trợ cho sản xuất ô tô sau năm 2018 với giá trị lớn hàng tỷ USD là rất vô lý.

Chính sách hỗ trợ như vậy không phù hợp với nguyên tắc đối xử bình đẳng trong WTO, các Chính phủ không được phép hỗ trợ trực tiếp về giá đối với sản phẩm của mình mà phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Theo Sơn Ca (Báo Đất Việt)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm