16:45  | 

Sáu thói xấu của văn hóa xe máy ở Việt Nam

Tính vô kỷ luật cá nhân, tiểu nông tùy tiện, gian vặt, vô kỷ luật tập thể hay tính vô cảm, còn những vô số những thói xấu đang tiềm ẩn sẽ có khả năng bùng phát.

Về Sài Gòn bây giờ, các bạn hẳn đã thấy những con đường kẹt cứng hàng ngàn xe cộ nhích từng chút một. Đại đa số là xe gắn máy hai bánh như Honda, Yamaha hay Suzuki. Khi 95% người dân sử dụng xe máy như ở Việt Nam hiện nay ngoài các tác hại về môi trường và sức khỏe, còn vô số những thói xấu đang tiềm ẩn sẽ có khả năng bùng phát. Những tính xấu này ai cũng có, nhưng chỉ phát triển mạnh mẽ khi gặp cơ hội.

Sáu thói xấu của văn hóa xe máy ở Việt Nam xe may.jpg

Đi xe máy kiểu xã hội Việt Nam là một quá trình thích hợp nhất để phát triển những “đức tính” ấy, vì khi ấy ta sẽ tiếp cận với nhiều tình huống thuận tiện để cái phần “con” trong mỗi con người nhảy ra tung hoành áp đảo cái phần “người”; mà những tình huống này xe hơi ít khi gặp phải. Đó là:

a. Tính vô kỷ luật cá nhân: Vì xe máy nhỏ gọn, nên luồn lách rất dễ. Hễ kẹt đường là nhẩy lên hè, cho rằng mình nhẩy lên có một chút thì đã sao, có mòn lề mòn gạch gì đâu. Hoặc sẵn sàng dắt xe trèo qua “con lươn” xi-măng, tức là dải phân cách giữa đường. Hoặc hễ thấy khó băng qua đường để quẹo trái, là lập tức quẹo trái ép sát lề trái mà không băng qua đường, nghĩa là chạy ngược chiều làn xe trước mặt rồi từ từ len vào dòng xe ngược chiều ấy để băng ngang đường. Hoặc chạy ngược dòng xe trong đường ghi bảng một chiều vì “chỉ một quãng ngắn, chạy vòng làm gì cho mất công”. Xe hơi thì không làm thế được vì sẽ gây tai nạn ngay tức khắc.

b. Tính tiểu nông tùy tiện: Vì xe máy dễ ngừng lại nên khi đang chạy chợt trông thấy hàng bánh mì chẳng hạn là quay ngoắt lại để mua, mua xong rú ga phóng đi như bay vì chợt nhớ ra đã gần đến giờ hẹn đi nhậu. Cá tính “coi thường sự an toàn của người khác chỉ nghĩ đến tiện lợi cho mình” này nếu đi xe buýt hoặc xe điện sẽ không có dịp để phát triển. Sự ngừng tùy tiện của xe máy lại làm cho các hàng vặt cứ bày bán ngổn ngang trên lề đường, góp phần vào sự bát nháo của lề đường hè phố mà chính quyền không sao quản lý nổi.

c. Tính gian vặt: Đèn xanh của mình chưa lên; nhưng đoán chừng đường bên kia sắp đèn đỏ nên đón đầu chạy trước. Có người hỏi “Tôi chỉ chạy trước khi đèn xanh có vài giây đồng hồ, gian vặt ở chỗ nào?” Xin thưa, trong giao thông có khái niệm “lượng thời gian an toàn”. Lượng thời gian an toàn là tài sản tự nhiên của người công dân sử dụng phương tiện giao thông. Khi bạn chưa có đèn xanh mà đã chạy, thì bạn đã “ăn gian” của xe cộ của con đường trước mặt một khoảng thời gian an toàn của họ.

d. Tính vô kỷ luật tập thể: Vì luật lệ không chặt chẽ, nên người ta cho rằng hễ cùng nhau phá luật thì không ai phạt mình nổi. Ít khi Cảnh sát giao thông (CSGT) đuổi kịp và phạt nổi cả chục chiếc xe máy vượt đèn đỏ cùng một lúc.

e. Tính chụp giựt: Khi kẹt đường, ai cũng nhích lên từng tí, không ai nhường ai vì nếu nhường một người thì sẽ lại phải nhường thêm người nữa, cứ thế thì bao giờ mới đến nơi. Do đó mạnh ai nấy huých; đức tính lịch sự mã thượng sẽ bị thui chột dần dần sau nhiều năm chạy xe máy. Tại sao lòng mã thượng sẽ mất ? Bởi vì, nếu bạn liên tục giành giật từng mét đường trong cả giờ đồng hồ kẹt xe, khi về đến ngõ nếu gặp một bà cụ chậm chạp đi qua, bạn khó mà nhường bước vì đang có cái “đà”, cái tư duy giành giật từng tấc vẫn còn nằm nguyên trong đầu bạn. Lúc này mà nói đến chuyện thương người nghèo, chuyện làm từ thiện thì khó mà “cảm” được.

f. Tính vô cảm: Khi lòng ta nghĩ về đất nước, ngoài hình ảnh gia đình người thân thì hình ảnh thành phố, chợ búa, công viên, con sông, cây cầu, con đường con phố là hình ảnh nổi bật và đậm đà nhất trong tiềm thức chúng ta.

Nhưng nếu ngày nào ta cũng phải mất hai ba tiếng đồng hồ toát mồ hôi dang nắng hít vào vài chục lít khói xe làm hai buồng phổi đen lại; nhê nhích từng tí trong những con đường con phố, thì hình ảnh những nơi đường sá, và cả cái thị trấn ta sinh ra lớn lên ấy dần dần trở thành hình ảnh đáng ghét vì sự hỗn loạn, nhếch nhác và vô trật tự của nó.

Thực ra thì cái xe máy hai bánh nó không có tội tình gì cả. Nguyên nhân chính là do một xã-hội đông đúc sống tập trung trong những thành phố chật hẹp mà phương tiện giao thông công-cộng như xe buýt lại không thông dụng; không có subway (xe điện ngầm), không có light-rail bus (xe buýt điện trên đường ray), nên hầu như tất cả mọi người đều chạy xe máy. Cái xã hội ấy sẽ dần dần trở nên nhếch nhác, ô nhiễm, vô kỷ luật và sẽ đi xuống một cách thảm hại.

Độc giả Andy Nguyễn (VnExpress)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm