14:57  | 

Ôtô nhập khẩu sắp đến thời loạn giá?

Bộ Tài chính mới đây khẳng định, việc sửa đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô mà cơ quan này dự thảo, dù bị nhiều DN phản đối, vẫn có thể được giữ nguyên và áp dụng trong thời gian tới.

Kiểu gì giá xe cũng tăng

Hiện nay, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, chỉ là giá CIF cộng với thuế nhập khẩu, chưa có chi phí vận tải nội địa, quản lý, marketing và lợi nhuận nhà nhập khẩu. Trong khi đó, giá tính thuế ô tô trong nước là giá bán ra của nhà sản xuất, lắp ráp đã bao gồm các chi phí nêu trên, như vậy là không công bằng giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu.

Điều này, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã kiến nghị từ lâu. Bộ Tài chính cũng nhận thấy cần phải sửa đổi. Dự thảo Nghị định thực hiện Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt bổ sung, dự kiến áp dụng từ 1/1/2016, có đưa ra cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ôtô nhập khẩu dưới 24 chỗ, sẽ thay đổi ở thời điểm tính.

Cụ thể, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ 24 chỗ trở xuống sẽ là giá bán ra của nhà nhập khẩu, chưa có VAT.

Với phương pháp mới này, thì xe nhập khẩu sẽ phải cộng thêm các chi phí như: cước vận chuyển nội địa, chi phí bán hàng, quảng cáo và cả lợi nhuận của nhà nhập khẩu vào, rồi mới tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên, ngoài việc bổ sung thêm phần thu thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu nội địa cho ô tô nhập khẩu, chính các nhà sản xuất lắp ráp ô tô trong nước cũng sẽ bị thiệt hại bởi những điều chỉnh khác của Bộ Tài chính trong Dự thảo.

Chẳng hạn như, giá tính thuế cho ô tô sản xuất trong nước sẽ phải là giá bán ở các cơ sở hạch toán phụ thuộc trực tiếp bán ra sản phẩm. Nếu ô tô bán qua hệ thống đại lý, giá do nhà máy giao (trong đó đã bao gồm chi phí hoa hồng cho đại lý) thì giá tính thuế sẽ là mức giá này, chưa trừ hoa hồng. Nếu ô tô sản xuất trong nước bán qua các cơ sở thương mại thông thường, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ là giá của nhà máy sản xuất, nhưng không được thấp hơn 5% mức giá bán cao nhất của các cơ sở thương mại (chưa có VAT).

Ôtô nhập khẩu sắp đến thời loạn giá? 20150701164318-xe3 copy.jpgCả DN lắp ráp xe trong nước lẫn DN nhập khẩu đều kêu về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới, dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2016 của Bộ Tài chính

Với những sửa đổi này, theo tính toán, giá xe nhập khẩu sẽ tăng thêm khoảng 10% so với hiện nay, còn với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, giá cũng tăng từ 2-5% tùy loại.

Giá sẽ loạn?

Tuy nhiên, theo các DN ô tô, cách tính thuế sửa đổi như vậy, sẽ làm cho giá xe phân hóa: có những DN chi phí tăng thấp, ngược lại có DN phải chịu chi phí tăng cao hơn nhiều.

Một số DN ô tô phân tích, hiện có 3 mô hình kinh doanh mà cả DN sản xuất, lắp ráp xe trong nước lẫn nhập khẩu đang áp dụng, đó là nhà sản xuất (hoặc nhập khẩu) tách riêng với nhà phân phối và đại lý bán lẻ; tiếp đến là nhà sản xuất (hoặc nhập khẩu) với phân phối là một, chỉ tách riêng đại lý bán lẻ và thứ 3 là cả sản xuất (hoặc nhập khẩu) với phân phối, đại lý bán lẻ cùng thuộc về một DN, không tách riêng.

Ôtô nhập khẩu sắp đến thời loạn giá? giá xe.jpg

Với việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt như trên, những DN đang kinh doanh theo mô hình sản xuất (hoặc nhập khẩu) tách riêng với nhà phân phối và đại lý bán lẻ sẽ chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thấp nhất. Bởi, thuế được tính dựa trên giá bán ra từ nhà sản xuất (hoặc nhập khẩu) có hóa đơn xuất hàng cho nhà phân phối.

Còn với mô hình thứ hai, sẽ chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn, do nhà sản xuất (hoặc nhập khẩu) với nhà phân phối là một, nên giá tính thuế sẽ căn cứ trên trên hóa đơn xuất hàng cho đại lý bán lẻ.

Và với mô hình kinh doanh thứ 3, nhà sản xuất (hoặc nhập khẩu) với phân phối và đại lý bán lẻ cùng trong một DN, sẽ có mức thuế chịu cao nhất, do bị tính trên hóa đơn xuất từ đại lý bán lẻ cho khách hàng.

Ví dụ, một chiếc xe sản xuất, lắp ráp trong nước (hoăc nhập khẩu nguyên chiếc), có giá thành 10.000 USD. Sau đó, nhà sản xuất (hoặc nhập khẩu) cộng thêm các chi phí và lợi nhuận, bán cho nhà phân phối với giá 11.000 USD thì sẽ được tính thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 11.000 USD.

Còn nhà sản xuất (hoặc nhập khẩu) và phân phối là một, thì nhà sản xuất (hoặc nhập khẩu) bán ra mức 11.000 USD, nhưng không có xuất hóa đơn, nhà phân phối cũng sẽ tính thêm chi phí và lợi nhuận, bán cho đại lý bán lẻ với mức 12.000 USD, thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ là con số này. 

Cao nhất, thuộc về mô hình thứ 3, khi cả nhà sản xuất (hoặc nhập khẩu) với nhà phân phối và đại lý bán lẻ là một. Đại lý bán lẻ sau khi mua xe với giá 12.000 USD, cộng các chi phí và lợi nhuận, bán đến tay người tiêu dùng với giá 13.000 USD. Tuy nhiên, do cùng trong một DN, chỉ xuất hóa đơn cho khách hàng nên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ở mức 13.000 USD. Đương nhiên, chi phí về thuế sẽ được tính vào giá bán, chi phí thấp giá thấp, chi phí cao giá sẽ cao.

Theo các DN, cách tính này cũng không mang lại công bằng. Hiện có một số DN kinh doanh xe với mô hình nhập khẩu, phân phối, đại lý bán lẻ là một, chẳng hạn như Porsche Việt Nam, thì khách hàng mua xe sẽ phải chịu chi phí cao. Ngược lại, DN sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu xe đã tách riêng khâu sản xuất, nhập khẩu với khâu phân phối và đại lý bán lẻ như Trường Hải, tức là sản xuất và nhập khẩu tách riêng với phân phối, đại lý bán lẻ có hóa đơn xuất hàng từ khâu sản xuất, nhập khẩu cho khâu phân phối thì sẽ chịu mức thuế tăng thấp nhất.

Như vậy, khách hàng mua xe cũng sẽ phải chịu các mức giá khác nhau, khi lựa chọn thương hiệu theo sở thích của mình.

Theo Trần Thủy (Vietnamnet)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm