Thứ Ba, 10/12/2024 | 15:07
10:20 |
Doanh nghiệp lắp ráp ôtô lại muốn giảm thuế
Các nhà sản xuất ô tô trong nước lại mong muốn được hỗ trợ chi phí mua phụ tùng trong nước, chi phí sản xuất nói chung, đồng thời giảm tiến tới bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt; giảm thiểu các loại thuế, phí khác…
Tại cuộc hội thảo về liên kết doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Vũ Tấn Công, Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, hiện nay công nghiệp lắp ráp ô tô của Việt Nam đang phát triển tốt với 55 doanh nghiệp, đầu tư dây chuyền hiện đại, với năng lực sản xuất khoảng 460.000 xe/năm.
Theo ông Công, thị trường ô tô Việt Nam còn nhỏ bé nhưng rất có tiềm năng phát triển. Hiện quy mô thị trường đã lên tới gần 160.000 xe/năm vào năm 2014 vừa qua; 7 tháng đầu năm 2015 đạt gần 124.000 xe, tăng 60% so với cùng kỳ. Thời gian “phổ cập ô tô” của Việt Nam là năm 2021- 2022 khi GDP trên đầu người đạt 3.000 USD.
Tuy nhiên, ông Công cho biết hiện nay, công nghiệp chế tạo chi tiết, tổng thành ô tô chỉ mới có sự tham gia của khoảng trên 200 doanh nghiệp, nhưng chỉ sản xuất các chi tiết đơn giản, công nghệ thấp và phục vụ trong nước là chủ yếu.
Đại diện VAMA kiến nghị nhiều ưu đãi thuế, phí cho sản xuất trong nước.
Để phát triển công nghiệp sản xuất chi tiết – tổng thành ô tô, vị đại diện VAMA đề xuất thành lập 3 cụm công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Hà Nội, Quảng Nam-Đà Nẵng và T.p Hồ Chí Minh-Bình Dương. Đặc biệt, vị này còn đề nghị Nhà nước có chính sách khuyến khích nội địa hóa, nhà sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ được hưởng một khoản hoàn thuế dưới dạng tín dụng bằng khoảng 5-10% giá trị (thông qua hóa đơn VAT) của chi tiết, tổng thành ô tô mua trong nước phục vụ cho công việc sản xuất, lắp ráp ô tô của mình.
Ông Công cũng đề xuất hàng loạt cơ chế và chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư trong vào ngoài nước đầu tư vào công nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô, bao gồm thu xếp tín dụng, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất ; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; cho phép nhập thiết bị sản xuất đã qua sử dung; miễn thuế nhập khẩu thiết bị sản xuất…
Vị đại diện VAMA cũng không quên nhấn mạnh thông điệp xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây là đảm bảo tính công bằng giữa các ô tô sản xuất trong nước dạng CKD và ô tô nhập khẩu nguyên chiếc dạng CBU cùng loại trong việc cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt; đặc biệt là kiến nghị giảm có lộ trình và tiến tới loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô.
Không dừng lại ở đó, đại diện VAMA còn kiến nghị được hỗ trợ một phần chi phí sản xuất cho các nhà sản xuất ô tô trong nước dưới dạng tín dụng bởi dung lượng thị trường thấp nên chi phí sản xuất ô tô trong nước cao hơn chi phí sản xuất của cùng chiếc xe đó tại các nước ASEAN khoảng 20%.
Theo Minh Huy (VnMedia)
Ý kiến đánh giá (4)