Chủ Nhật, 19/01/2025 | 06:04
17:15 |
Mỹ kỳ vọng vào thị trường ô tô Việt Nam
Giới sản xuất ô tô Mỹ xem Việt Nam và Malaysia là những thị trường đầy tiềm năng để xuất khẩu.
Quá trình đàm phán hiệp định thương mại TPP đã bước vào những giai đoạn cuối. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ôtô Mỹ vẫn chưa tỏ ra hào hứng về những gì mà hiệp định hứa hẹn mang lại.
Các hãng ô tô và công đoàn tại Mỹ cho rằng TPP không công bằng vì đã dành ưu ái cho một số nước, bằng cách chấp nhận cho các nước này bảo hộ ngành công nghiệp ô tô hoặc phá giá đồng tiền. Điển hình là việc mất cân bằng cán cân xuất nhập khẩu giữa Mỹ và Nhật: trung bình cứ mỗi chiếc xe xuất khẩu từ Mỹ sang Nhật thì có tới 130 chiếc xuất khẩu theo chiều ngược lại.
Ông Matt Blunt, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Ôtô Mỹ (bộ phận chuyên vận động hành lang cho ngành công nghiệp ô tô Mỹ) cho biết: “Ôtô chiếm vai trò quan trọng trong quan hệ giao thương giữa Mỹ và Nhật. Đàm phán TPP sẽ không thành công nếu các bên không thống nhất quan điểm về thị trường ô tô.
Tranh cãi về TPP
Trong hơn 5 năm qua, Mỹ đã xuất khẩu được một lượng ô tô và linh kiện với tổng trị giá hơn 637 tỷ USD. Vì vậy, giới sản xuất ô tô Mỹ thường xuyên ủng hộ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tuy vậy, việc TPP vẫn cho phép các nước tham gia phá giá đồng tiền để tăng xuất khẩu đang làm cho các công ty này lo ngại. Blunt cũng cho biết Công đoàn Ngành Ô tô Mỹ (UAW) sẽ chỉ hỗ trợ TPP khi vấn đề này được giải quyết rốt ráo.
Tháng 6 vừa qua, Quốc Hội Hoa Kỳ đã trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Obama, hứa hẹn các thỏa thuận sẽ nhanh chóng đưa ra kết luận. Dù thường xuyên ủng hộ ông Obama, nhưng phía UAW đã không hài lòng với thay đổi này. Chủ tịch UAW là Dennis Williams phát biểu: “Quốc hội đã quay lưng lại với người Mỹ và không làm tốt vai trò của họ.”
Ngày 17/7, ông Blunt và các quan chức của UAW đã có cuộc gặp tại Nhà Trắng với Tổng thống Obama và Bộ trưởng Bộ Lao động Tom Perez để thảo luận về các vấn đề kinh tế.
Ông Dennis Williams khẳng định mong muốn Mỹ tái đàm phán lại Nafta, một thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ, Mexico và Canada đã được Tổng thống Bill Clinton ký năm 1992.
“Chúng tôi thất vọng với hành động của Quốc Hội về dự luật TPA. Trong khi chúng ta vẫn chưa giải quyết được các vấn đề tồn đọng từ Nafta thì đã lại tham gia đàm phán một hiệp định mới”.
Chiến lược ô tô của Nhật Bản
Một khi TPP được ký kết, mức thuế 2,5% đối với xe hơi và 25% đối với xe tải nhẹ của Nhật xuất sang Mỹ sẽ được bãi bỏ. Dù vậy, ngành ô tô Nhật Bản sẽ không thay đổi nhiều về mặt chiến lược tại Mỹ, ông Ron Bookbinder, Giám đốc chi nhánh tại Mỹ của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản cho biết.
Theo ông Bookbinder, việc bãi bỏ thuế suất sẽ giúp Nhật tiết kiệm 1 tỷ USD mỗi năm.
Năm 2014, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản bán 3,82 triệu chiếc tại Mỹ, và khoảng 74% trong số đó được lắp ráp ngay tại Bắc Mỹ.
Các công ty Nhật đã sản xuất xe tải nhẹ ở Mỹ nhiều đến mức có dư để xuất khẩu sang nhiều nước khác. Bookbinder cho rằng: "Các nhà sản xuất Nhật Bản đã gắn bó với thị trường Mỹ tới mức tôi không thấy có nhiều thay đổi khi TPP được ký kết".
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản từ lâu đã phản đối quan điểm cho rằng thị trường ô tô của Nhật là đang đóng cửa. Bằng chứng mà họ đưa ra là ô tô Châu Âu vẫn thành công ở Nhật, trong khi các công ty Mỹ thì thất bại vì không đưa ra được các mẫu xe thích hợp với người Nhật.
Ông Bookbinder nói, “Thị trường Nhật Bản đang mở cửa, nhưng tam đại tập đoàn của Detroit (Ford, General Motors, Fiat Chrysler) lại không quan tâm tới việc bán xe.”
Chuyên gia kinh tế Douglas Lippoldt cho biết, TPP sẽ tạo cơ hội cho các công ty Mỹ và Nhật Bản tìm kiếm nhà cung cấp linh kiện và thị trường để bán thành phẩm. Ông Lippoldt nhận định: “Ô tô và xe tải là các sản phẩm công nghệ có chuỗi giá trị khá phức tạp và không ngừng thay đổi”.
Dỡ bỏ thuế nhập khẩu: Thách thức lẫn cơ hội
Lippoldt cho rằng, việc bãi bỏ thuế suất đối với linh kiện ô tô nhập vào Mỹ (trung bình khoảng 2,5%) có thể sẽ làm UAW nổi giận. Nhưng đồng thời, TPP sẽ tạo cơ hội cho các công ty sản xuất ô tô tại Mỹ.
“Đây là cơ hội cho nhà các sản xuất ô tô Mỹ được tiếp cận với những linh kiện có chất lượng và giá cả tốt nhất.” Lippoldt nói.
Trong khi đó, thuế nhập khẩu ô tô vào Việt Nam sẽ được bãi bỏ, tạo nhiều cơ hội cho các công ty Mỹ và Nhật Bản tăng trưởng doanh thu. Các ngành dịch vụ liên quan như tư vấn quản lý, công ty tài chính và marketing cũng có cơ hội hoạt động ở việt Nam.
Trong số các nước tham gia TPP, Malaysia và Việt Nam, những nơi lần lượt có doanh số xe hơi là 666 nghìn chiếc và 77 nghìn chiếc trong năm 2014, được xem là hai thị trường đầy tiềm năng.
Theo số liệu từ hiệp hội ô tô Mỹ, ba hãng sản xuất ô tô lớn nhất nước là Fiat Chrysler, Ford và General Motors đã xuất khẩu hơn 1 triệu chiếc xe tới hơn 100 nước vào năm ngoái.
“Chúng tôi hy vọng có thể mở rộng thị trường ở các quốc gia khó tiếp cận như Malaysia, Nhật Bản và Việt Nam”, Blunt nói.
Theo Nhipcaudautu.vn
Ý kiến đánh giá