Chủ Nhật, 19/01/2025 | 07:20
13:40 |
Dự thảo thuế dội “gáo nước lạnh” vào xe bán tải
Trong khoảng hai năm trở lại đây, phân khúc ôtô bán tải tại Việt Nam đã và đang thực sự bùng nổ với sức mua cao và thường có tỷ lệ tăng trưởng tốt nhất thị trường. Tuy nhiên, nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng của phân khúc này sắp bị hãm lại.
Toyota Hilux thế hệ mới vừa chính thức ra mắt thị trường được kỳ vọng sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn tại phân khúc bán tải Việt Nam.
Hết thời ưu ái?
Không chỉ xe bán tải mà hầu hết các loại ôtô khác tại Việt Nam đều luôn chịu sự tác động mạnh mẽ từ chính sách thuế. Cũng chính bởi vậy mà trong khi các loại xe chở người dưới 10 chỗ ngồi luôn phải chịu các loại thuế, phí và lệ phí ở mức cao thì ngược lại, ôtô bán tải đang được hưởng ưu đãi rất lớn.
Chẳng hạn, một chiếc ôtô bán tải Ford Ranger nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan ở thời điểm này chỉ phải chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu 5%, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15%, lệ phí trước bạ 2% và phí cấp biển số 500.000 đồng.
Trong khi đó, các loại xe chở người dưới 10 chỗ ngồi có cùng xuất xứ lại phải chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu 50%, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 45-60%, lệ phí trước bạ 10-12%, phí cấp biển số 20 triệu đồng.
Đáng chú ý, theo dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế vừa được Chính phủ trình Quốc hội để thông qua và áp dụng từ đầu năm 2016, các mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi có dung tích xi-lanh động cơ trên 2.000 cm3 sẽ tăng khá mạnh, một số loại thậm chí tăng lên mức “đặc biệt cao”, cụ thể là 150% trong khi mức cao nhất hiện hành là 60%.
Rõ ràng ôtô bán tải đang được hưởng không ít sự ưu ái nhờ đặc tính vừa chở người vừa chở hàng để phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và vận chuyển thông thường. Tuy nhiên, nhiều khả năng những ưu ái đó không còn được giữ nguyên kể từ đầu năm tới.
Tại dự thảo luật kể trên, nếu được Quốc hội thông qua, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các nhiều loại xe bán tải kể từ ngày 1/7/2016 sẽ tăng đáng kể so với hiện hành.
Cụ thể, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô bán tải có dung tích xi-lanh động cơ từ trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 sẽ tăng lên mức 20%, mức thuế suất đối với xe có dung tích xi-lanh trên 3.000 cm3 sẽ tăng lên mức 25%. Riêng các loại xe có dung tích xi-lanh từ 2.500 cm3 trở xuống giữ nguyên mức thuế suất 15% hiện hành.
Thực tế các mức thuế suất này cũng đã thấp hơn khá nhiều so với đề xuất trước đó của Bộ Tài chính. Chẳng hạn tại điểm 4d Điều 7 của dự thảo luật được Bộ Tài chính trình Chính phủ, cơ quan này đề xuất quy định “xe ôtô vừa chở người, vừa chở hàng, trừ loại quy định tại điểm đ, e và g” sẽ chịu mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt “bằng 60% mức thuế suất áp dụng cho xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống cùng loại dung tích xi-lanh quy định tại điểm 4a, 4đ và 4e điều này”.
Theo đó, mặt hàng ôtô bán tải sẽ phải chịu mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt từ 36% đến 45%.
Việc tăng mức thuế suất với xe bán tải có dung tích xi-lanh động cơ trên 2.500 cm3 trong khi giữ nguyên mức thuế suất với xe có dung tích từ 2.500 cm3 trở xuống, theo thuyết minh của Chính phủ, là để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe tiêu thụ nhiên liệu ít hơn, thân thiện với môi trường hơn.
Như vậy, mặc dù vẫn nhận được sự ưu ái từ chính sách song thị trường xe bán tải thời gian tới chắc chắn sẽ vấp phải những khó khăn.
Thay đổi lựa chọn
Nhờ được hưởng ưu đãi từ chính sách thuế nên mức giá bán lẻ của các loại xe bán tải cũng thấp đáng kể. Cùng với sự đa năng vừa chở người (5 chỗ ngồi với xe ca-bin kép) vừa chở hàng (trên dưới 1 tấn) của loại hình phương tiện này, người tiêu dùng đã coi ôtô bán tải là một lựa chọn tốt cho nhu cầu kết hợp cả đi lại lẫn sản xuất, kinh doanh.
Đó có lẽ chính là lý do lớn nhất giúp phân khúc bán tải vài năm trở lại đây thực sự phát triển bùng nổ, kèm theo đó là liên tiếp các mẫu xe bán tải mới sử hữu những trang bị, tính năng không thua kém gì những chiếc thể thao đa dụng (SUV) được các hãng ôtô lớn đưa về.
Theo thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), nếu bao gồm cả xe VAN (vừa chở người vừa chở hàng) thì tổng lượng xe loại này do các doanh nghiệp thành viên bán ra thị trường 9 tháng năm 2015 đạt trên 11.700 chiếc. Nếu chỉ tính riêng xe pick-up thì lượng xe bán ra cũng đạt trên 10.000 chiếc, đó là chưa kể lượng xe đang khá đắt khách trên thị trường là Nissan NP300 Navara do không có số liệu thống kê.
Tuy nhiên, với “gáo nước lạnh” từ chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt mới và thậm chí không loại trừ khả năng mức lệ phí trước bạ tại một số địa phương cũng sẽ tăng về chung mức với xe chở người dưới 10 chỗ ngồi, người tiêu dùng sẽ buộc phải đưa ra những lựa chọn khác tối ưu hơn.
Theo đánh giá của đa số người tiêu dùng, với khả năng trèo đèo lội suối gần như tương tự giữa hai loại xe SUV và pick-up thì lợi thế lâu nay của xe bán tải là vừa chở người vừa có thể chở hàng cồng kềnh, đặc biệt là khả năng chở các loại vật liệu hay nông sản.
Nhưng với mức giá được đẩy lên cao, tiến gần với xe chở người dưới 10 chỗ ngồi, các loại xe SUV 7 chỗ ngồi sẽ sở hữu nhiều lợi thế hơn. Khi có nhu cầu chở hàng, sự linh động của hàng ghế thứ 3 sẽ giúp chiếc xe có khoang chứa đồ dung tích lớn; ngược lại, khi không có nhu cầu chở hàng, việc sở hữu 7 chỗ ngồi rõ ràng là ưu thế hơn hẳn so với xe bán tải.
Theo Đức Thọ (VnEconomy)
Ý kiến đánh giá (3)