14:54  | 

Khéo có ngày, xe máy cũng phải gắn bình chữa cháy

“Cái gốc của vấn đề phải là đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn an toàn phương tiện, đăng kiểm, hạ tầng giao thông chứ không phải bình cứu hỏa “mini” như trong chuyện cổ tích...”

“Cũng không thể vì xảy ra một vài vụ cháy cá biệt mà buộc tất cả ôtô phải lắp bình chữa cháy. Theo tư duy như vậy, vào một ngày đẹp trời rất có thể xe máy sẽ phải gắn bình cứu hỏa!”

Đó là ý kiến của TS. Thái Bá Minh, thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình Công nghệ Công nghiệp, TP. Hà Nội; nguyên Phó Vụ trưởng, Vụ KHCN (Bộ Công Thương). Dưới đây là bài viết của ông liên quan đến Thông tư 57 của Bộ Công an về quy định này.

Kể từ 6/01/2016, nếu không trang bị bình chữa cháy khi tham gia giao thông, lái xe sẽ bị phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng.

Mặc dù thời gian Thông tư 57 có hiệu lực được thông báo từ trước, người dân vẫn đón nhận không mấy hồ hởi, dư luận chung ngỡ ngàng với nhiều ý kiến trái chiều. Người dân chỉ biết tự bảo vệ theo bản năng tự nhiên trước sự việc đã rồi.

Khéo có ngày, xe máy cũng phải gắn bình chữa cháy binh chua chay o to.jpgQuy định mới ban hành về bình chữa cháy cho ô tô đang làm khó cho người áp dụng, khiến họ không “tâm phục, khẩu phục”

Cá nhân tôi đã lái xe gần 20 năm, từng làm việc nhiều năm liên quan đến ôtô, được tham quan và nghiên cứu nhiều hãng chế tạo ô tô có tiếng của Đức, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Tôi chưa thấy ở đâu có quy định riêng về bình chữa cháy đối với xe con đến 9 chỗ ngồi như ở Việt Nam.

Nghiên cứu thiết kế của xe cũng không thấy có chỗ cho lắp đặt bình cứu hỏa.

Rõ ràng, một khi xe con được đăng kiểm hợp chuẩn, được xác nhận đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật sẽ không thể tự nhiên cháy nổ khi lưu thông. Nếu có xảy ra sự cố thì chỉ là trường hợp rất cá biệt và đều có thể xác định được nguyên nhân.

Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, ở nước ta có hàng triệu xe con dưới 9 chỗ ngồi đều thuộc đối tượng không bắt buộc phải trang bị bình chữa cháy. Ngược lại, đối với ô tô từ 10 chỗ trở lên, việc yêu cầu phải trang bị bình cứu hỏa nhằm đảm bảo an toàn cho người, hàng hóa và trang thiết bị là hết sức cần thiết.

Theo TCVN về An toàn Kỹ thuật và Bảo vệ Môi trường, chỉ xe chở khách từ 16 chỗ trở lên và xe chở hàng dễ cháy nổ mới phải trang bị bình chữa cháy. Theo đó, việc kiểm định của cơ quan nhà nước cũng chỉ bắt buộc các chủng loại xe trên phải có bình chữa cháy, được dán tem kiểm định và còn thời hạn sử dụng.

Văn bản của Bộ Công an chỉ quy định dung tích, khối lượng tối đa của bình cứu hỏa mà không quy định mức tối thiểu, vô tình tạo khe hở đối phó, có thể dẫn đến trang bị loại bình “siêu mini” không hợp lý mà vẫn không vi phạm luật. Lợi ích chỉ là do suy diễn chủ quan, còn những mặt trái của vấn đề thì đã quá rõ.

Thực tế trước mắt đang hình thành những nhóm lợi ích ăn theo như mua bán ép giá vô tội vạ, bảo hành, kiểm định bắt buộc theo định kỳ. Đây thật sự là động lực thu hút sản xuất thật giả, cũng như các dịch vụ bảo hành, thay thế, sửa chữa.

Khéo có ngày, xe máy cũng phải gắn bình chữa cháy binh chua chay o to2.jpgKhông thể vì xảy ra một vài vụ cháy cá biệt mà buộc tất cả các xe phải lắp bình chữa cháy.

Như vậy, quy định mới ban hành về bình chữa cháy cho ô tô đang làm khó cho người áp dụng, khiến họ không “tâm phục, khẩu phục”. Cái gốc cơ bản của vấn đề phải là đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn an toàn phương tiện, đăng kiểm, hạ tầng giao thông chứ không phải bình cứu hỏa “mini” như trong chuyện cổ tích. Cũng không thể vì xảy ra một vài vụ cháy cá biệt mà buộc tất cả các xe phải lắp bình chữa cháy.

Theo tư duy như vậy, vào một ngày đẹp trời người ta vẫn có thể nghĩ ra quy định buộc phải gắn bình cứu hỏa lên xe máy khi tham gia giao thông!

Quá trình soạn thảo và ban hành văn bản cũng không được thông tin rộng rãi để tham khảo ý kiến người dân và các chuyên gia, cũng nhưcác nhà sản xuất ô tô. Người ta cảm thấy khó hiểu về tính cấp thiết, mục đích thật sự và đối tượng áp dụng. Phải chăng với quy định mới, CSGT đương nhiên có cớ được yêu cầu dừng xe mọi lúc, mọi nơi, chỉ để kiểm tra riêng bình cứu hỏa như đã làm mẫu trong những ngày đầu triển khai?

Thực tế ngành CSGT còn rất nhiều việc cấp bách phải làm như lái xe uống rượu bia, xe quá khổ, chở quá tải, phóng nhanh, vượt ẩu,...v..v...
Kinh nghiệm cho thấy, những quy định không phù hợp đều dẫn đến thất bại như quy định về thu phí xe máy. Việc quy định bình cứu hỏa cho xe ô tô có ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến hàng triệu người và phương tiện tham gia giao thông. Trong một xã hội văn minh, luật pháp phải được tôn trọng và thực thi. Tuy nhiên, luật pháp cũng phải phù hợp với cuộc sống thực tế và đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội. Muốn vậy, người làm luật phải gần dân, biết tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ với dân.

Theo TS. Thái Bá Minh (Vef)

Ý kiến đánh giá (6)


Có thể bạn quan tâm