Thứ Bảy, 23/11/2024 | 00:35
06:15 |
Ôtô phải có bình chữa cháy, chủ xe nói gì?
Đa phần người sử dụng không biết để bình chữa cháy ở vị trí nào trong xe. Nhiều tài xế thì hoang mang lo bình phát nổ khi để xe dưới trời nắng.
Để ở đâu?
Thông tư quy định về trang bị bình chữa cháy trên ôtô đã có hiệu lực, nhưng câu hỏi lớn nhất của người sử dụng là lắp đặt ở đâu thì an toàn và đúng chuẩn. Bởi ngay tại thông tư cũng không chỉ dẫn cụ thể.
Chủ xe băn khoăn không biết nên đặt bình cứu hỏa ở vị trí nào
Anh Trần Duy Khánh (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi không bày tỏ quan điểm chuyện phản đối hay không phản đối luật phải có bình chữa cháy trên xe. Nhưng khi ra luật, để ở đâu, để chỗ nào thì phải hướng dẫn cho người ta. Giờ tôi không biết đặt nó ở vị trí nào thì dễ sử dụng nhất khi xảy ra cháy, cũng không biết vứt hẳn dưới cốp thì có bị phạt hay không?”.
Bản thân người của hãng xe, nhân viên tư vấn bán hàng hay chuyên gia kỹ thuật của các showroom bán xe cũng không biết là nên đặt bình chữa cháy ở chỗ nào cho đúng quy cách và an toàn. Anh Tiến – nhân viên kỹ thuật của một đại lý xe cho hay: “Từ hôm có quy định mới, khách hàng liên tục gọi điện đến hỏi bên sales ở chỗ mình. Mấy anh sales lại xuống trạm dịch vụ hỏi mình nhưng chịu không có câu trả lời. Vì chưa biết rõ nên cũng dám khuyên họ”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – chủ gara ôtô Nguyễn Hoàng (Khu dự án Nam Đàn Plaza, đường Phạm Hùng, Hà Nội) kể: “Cả cái xe, khi có vấn đề gì khách hỏi chỗ nào tôi cũng có thể tự tin tư vấn được. Nhưng riêng cái chuyện lắp bình cứu hỏa ở đâu xem ra lại khó. Vì không có tài liệu chỉ dẫn trong cuốn hướng dẫn sử dụng xe. Mình dựa theo kinh nghiệm mà hướng dẫn khách lắp, nhỡ có chuyện gì xảy ra thì mang tội”.
An toàn hay mối lo?
Quy định cần phải trang bị phương tiện PCCC để đảm bảo an toàn khi ôtô xảy ra sự cố chẳng khiến các tài xế yên tâm. Ngược lại, họ cảm thấy hoang mang, lo lắng nhiều hơn.
Nhiều người e ngại bình chữa cháy phát nổ
Bạn T.Q.T tại Lâm Đồng cho biết: “Cuối tuần này em đi Đắk Lắk có ông anh ở bên đó gọi điện nhắc nhở là phải bỏ bình chữa cháy ở gần vị trí tài xế nếu không sẽ bị phạt. Trong khi đó em thấy trên diễn đàn Otofun có trường hợp bình cứu hỏa bị nổ khi để trong cabin xe đậu ngoài nắng. Để cốp xe, dưới lốp dự phòng thì sợ bị phạt, để gần tầm với thì sợ nóng quá bị nổ. Giờ chẳng biết sao nữa”.
Anh Vũ Ngọc Tuấn (Thanh Trì, Hà Nội) kể: “Tôi chạy xe thường xuyên trên đường, nên khi có quy định mới, tôi đã mua ngày một bình cứu hỏa nhỏ để trên xe. Đọc thấy ghi hướng dẫn là bảo quản bình chữa cháy từ -10 độ đến 55 độ, và có nguy cơ nổ ở nhiệt độ 60 độ C. Mà nghe nói vào mùa hè, nhiệt độ trong ôtô để ngoài trời có thể lên đến 60 độ C. Như vậy, có bình chữa cháy, nguy cơ cháy xảy ra còn lớn hơn là không có bình”.
Chuyện để bình chữa cháy trong cabin sợ bị nổ là một mối lo. Tài xế lại còn lo cả trường hợp mua phải bình chữa cháy “đểu”, không đúng tiêu chuẩn. Mới đây, thông tin về việc có trường hợp mua bình chữa cháy mini trong siêu thị để bảo vệ xe của mình nhưng bình lại phát nổ, tiền mất tật mang nên khiến nhiều người càng hoang mang hơn.
“Tôi giả dụ trường hợp bị nổ do thiết bị không đảm bảo an toàn, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Cơ quan chức năng quy định chưa tới? Kẻ bán bình chữa cháy “đểu”? Hay tất cả lại đổ vào đầu người tiêu dùng chúng tôi là không biết mua loại bình tốt, sử dụng không đúng cách hoặc để sai vị trí?” – anh Nguyễn Anh Sơn – lái xe của một doanh nghiệp tư nhân băn khoăn.
-
Bình cứu hỏa ôtô phát nổ ở nhiệt độ bao nhiêu?
- Bình chữa cháy 100 ngàn đồng cho ôtô: Vô tác dụng!
- Từ 2016, ôtô buộc phải có bình chữa cháy trên xe
Thế Đạt (TTTĐ)
Ý kiến đánh giá (14)