Thứ Sáu, 22/11/2024 | 19:32
06:15 |
Ngày 3: Hành trình khám phá Tây Trường Sơn
Hồi hộp khi đu dây trên không, háo hức khi mò mẫm vào Hang Tối hay bình yên chèo thuyền Kayak trên sông Chày… Đó là những thứ cảm giác rất thú vị mà không phải ai cũng có được khi đi qua miền di sản Phong Nha.
Vượt đèo Đá Đẽo
Sau một đêm ngủ ngon giữa những núi và rừng, giữa những căn phòng nhỏ thơm mùi gỗ ở thị trấn vùng biên Cha Lo, chúng tôi lại cùng 4 chiếc xe Ford tiếp tục chương trình photo tour "Hành trình di sản” mang tên "Những chuyến viễn du" khám phá Tây Trường Sơn.
Sau một đêm ngủ ngon giữa núi rừng Cha Lo, chúng tôi lại cùng những chiếc xe Ford tiếp tục hành trình
“Hôm nay chúng ta sẽ có một buổi chiều thật khác ở bên kia dãy Trường Sơn. Cả đoàn sẽ được thử cảm giác mạnh bằng những trò chơi như đu dây trên không (Zipline), khám phá Hang Tối (Dark Cave) và chèo thuyền Kayak trên sông Chày. Nhưng để đến được đó, chúng ta phải vượt qua đèo Đá Đẽo trước đã” – anh Trưởng đoàn phổ biến như vậy cho chúng tôi qua bộ đàm. Nghe thế, các thành viên trong đoàn ai cũng háo hức.
Hôm nay chúng tôi sẽ có một buổi chiều thật khác ở bên kia dãy Trường Sơn
Xe bon nhanh trên đường từ Cha Lo ra ngã ba Khe Ve, rồi nhập vào đường Hồ Chí Minh thẳng tiến đến khu di sản thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng. Ven con đường với 2 làn xe chạy nay đã trở nên nhộn nhịp hơn, hơi thở của nhịp sống hiện đại đã lan toả về những thị trấn chúng tôi đi qua. Dẫu vậy, mật độ xe lưu thông thưa thớt, chỉ có xe địa phương và những du khách ưa khám phá thì mới chọn cung đường này để xuyên Việt.
Tại những đoạn đường vắng có vùng quan sát tốt, không có biển giới hạn tốc độ, chúng tôi điều khiển xe liên tục di chuyển ở tốc độ từ 80km/h. Ở dải tốc độ này, nếu tiếp tục tăng ga, cả Ranger và Everest mới, thậm chí là xe “hậu cần” Transit vẫn tăng tốc ấn tượng. Từ địa phận Tuyên Hoá vào đến Phong Nha, con đường trải dài như không có điểm kết, lúc chập chùng, lúc quanh co qua đèo Đá Đẽo. Hai bên là vẻ xanh mát mắt của cỏ cây hoa lá càng tạo thêm sự thoải mái cho người cầm lái.
Ở dải tốc độ cao, nếu tiếp tục tăng ga, cả Ranger và Everest mới vẫn tăng tốc ấn tượng
Chúng tôi vượt đèo Đá Đẽo khi nắng đã chiếu xuống đỉnh đầu. Khu vực đèo Đá Đẽo địa hình đa dạng gồm đồi núi, thung lũng xen kẽ và bị chia cắt có chiều dài 16km với một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Càng lên phía đỉnh, hai tai càng ù vì chênh lệch áp suất.
Mỗi khi qua đường dốc, duy trì một mức chân ga nhưng hộp số tự động 6 cấp của chiếc Everest mới mà tôi đang cầm lái vẫn chủ động về số thấp để tăng mô-men vượt dốc mà xe không bị giật cục. Xe tạo cảm giác an toàn qua từng khúc cua, có những đoạn có thể ôm cua ở tốc độ 70km/h, tiếng lốp miết ken két tại các khúc cua tay áo nhưng xe vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Cảm giác lái rất thật, sau vô lăng của xe, tôi có thể cảm nhận được rõ từng phản hồi của mặt đường và việc điều chỉnh góc lái cực kỳ chính xác.
Xe Ford tiếp tục thể hiện khả năng vận hành bền bỉ và ưu việt
Xe chạm đến đỉnh đèo bất chợt gặp màn sương mù lững lờ thả xuống, chỉ thấy thấp thoáng một tấm bia đá to với dòng chữ: “Đèo Đá Đẽo, trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ từ năm 1965 đến 1972”. Đá Đẽo giờ đây yên bình và lặng lẽ giữa rừng, cây xanh đã phủ kín những dấu vết tàn phá của bom thả, bom ném, bom phá năm xưa. Khí hậu nơi đây rất khắc nghiệt, mùa nắng thì gió Lào, mùa mưa lũ lụt, đông về thì mưa dầm, mưa dề. Thi thoảng mới gặp những chuyến xe chở khách du lịch cùng cái thú du ngoạn giữa rừng xanh thăm thẳm. Khuôn mặt kẻ lữ hành bỗng trở nên hồ hởi khi gặp những bạn đồng hành. Ai đó đưa tay vẫy chào thay cho lời ước hẹn gặp nhau tại điểm đến.
Chiều vui ở Hang Tối
Các loại hình du lịch ở khu di sản Phong Nha – Kẻ Bàng những năm gần đây khá đa dạng. Trong đó, du lịch khám phá kết hợp với các hoạt động outdoor ngày càng phát triển. Nếu đến Phong Nha chỉ để ngồi trên thuyền và ngắm động thì kể cũng hơi tẻ nhạt. Thế nên, đoàn chúng tôi quyết định có một buổi chiều du ngoạn hơi khác – du ngoạn theo kiểu của các bạn “Tây”.
Đoàn chúng tôi quyết định có một buổi chiều du ngoạn hơi khác – du ngoạn theo kiểu của các bạn “Tây”
Hang Tối được phát hiện năm 1990 và sau đó không lâu nó được khai thác như là một điểm du lịch khám phá. Tháng 9/2014, Trung tâm Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng đã xây dựng hệ thống đu dây tự do tại bến thuyền Sông Chày – Hang Tối, giúp khách du lịch có thêm nhiều chọn lựa khi đến đây.
Sau khi ăn trưa tại nhà hàng Dark Cave nằm ngay gần bến thuyền, chúng tôi mua vé tham gia tour du lịch với các trò chơi outdoor. Từ trạm Zipline – được xây tròn như ngọn hải đăng thu nhỏ cao vút lên, các thành viên trong đoàn đi đến cửa Hang Tối bằng cách đu dây trên không. Đây là công trình đu dây tự do với 2 sợi cáp dài nhất Việt Nam. Người tham gia được nhóm hỗ trợ phát áo phao, đeo dây bảo hiểm cùng đôi móc ròng rọc ngoắc lên 2 sợi cáp rồi đu dọc một đoạn dài trên sông Chày.
Chỉ mất khoảng chưa đến 30 giây đi bằng “đường hàng không” là lần lượt từng người đã đến được của Hang Tối. Bên trong hang là dấu tích của những hoá thạch cổ xưa. Người đi tha hồ mà khám phá với đèn pin gắn trên mũ bảo hiểm. Cuối lối vào hẹp là một bãi tắm bùn tự nhiên. Bùn ở đây sánh lại, đặc quánh và mềm mịn như sô cô la nóng.
Khung cảnh bình yên ở Tây Trường Sơn
Sau khi thỏa thích với bùn, với cảm giác có phần hồi hộp khi khám phá Hang Tối làm một thứ cảm giác trái ngược khi chèo Kayak trở về bến thuyền. Nước sông Chày trong xanh, một bên là núi đá dựng đứng, một bên là rừng xanh ngút ngàn. Chèo thuyền trong cái khung cảnh trữ tình ấy bỗng thấy lòng chợt bình yên đến lạ.
Chưa hết, về đến bến thuyền, chúng tôi còn tham gia đủ các trò chơi dưới nước thú vị khác với tràn ngập tiếng cười. Ít ai nghĩ rằng, trong hành trình du khảo và sáng tác ảnh lại có một buổi chiều vui như thế. Đó cũng là khoảng thời gian để cả đoàn thư giãn, lấy sức cho ngày mai vượt hành trình 250km đến địa danh nổi tiếng ở phía Tây dãy Trường Sơn – Khe Sanh.
Một số hình ảnh ngày thứ 3 của cuộc hành trình:
>> Xem tiếp Ngày 4 - Hành trình khám phá Tây Trường Sơn
Thế Đạt (Trithucthoidai.vn)
Ảnh: Trung Hiếu
Ý kiến đánh giá