Chủ Nhật, 19/01/2025 | 07:23
14:36 |
Những điều cần biết khi dán decal cho xe
Dán decal là phương pháp hiệu quả giúp chiếc xe tránh được những trầy xước trong quá trình sử dụng, hoặc để trang trí, làm đẹp xe mà vẫn giữ được màu sơn gốc. Và dưới đây là một số điều cần biết giúp bạn tìm được phong cách dán decal nào phù hợp với nhu cầu của mình.
Dán decal xe để làm gì?
Dán decal xe không quá xa lạ đối với nhiều người, đặc biệt là giới chơi xe. Có lẽ, đây là một trong những phương pháp đơn giản nhất để trang trí, làm đẹp một chiếc xe mà vẫn không phải tác động vào phần cứng. Hơn nữa, decal còn mang tác dụng như một lớp bảo vệ màu sơn gốc trước thời tiết hay những trầy xước do va quệt.
Decal xe có những loại nào?
Có rất nhiều lựa chọn để dán decal cho xe. Giá bán dao động từ vài trăm ngàn cho đến cả triệu đồng tùy theo độ phức tạp khác nhau. Tuy nhiên, chúng được chia được 3 dạng cơ bản dưới đây:
Decal trong suốt: Đây là phương pháp đơn giản nhất nên vì thế mà được nhiều người lựa chọn nhất. Bởi vật liệu chỉ là những tấm decal trong suốt (giống ni-lông). Tác dụng của loại decal này đơn thuần chỉ là bảo vệ màu sơn gốc của chiếc xe trong quá trình sử dụng. Những thợ trong nghề thường đưa ra lời khuyên nên lột và dán lại 1 năm 1 lần.
Tem trùm: chính là decal được in bằng máy in và thi công bằng cách trùm cả phần tem đó lên bộ phận trên xe muốn dán. Ưu điểm lớn nhất của tem trùm đó là linh hoạt về mặt thiết kế. Vì in bằng máy in nên những phần chuyển từ đậm sang nhạt hay những họa tiết có độ phức tạp cao đều có thể thực hiện được. Hơn nữa, thời gian thi công nhanh hơn so với tem ghép vì ít công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của tem trùm đó là độ chi tiết của phần đồ họa vẫn còn kém và một số màu lên không tươi, nguyên nhân là do công nghệ in kỹ thuật số vẫn còn hạn chế. Ngoài ra thì tem trùm còn có một nhược điểm khác là chữ dễ bị biến dạng ở những góc bo. Bởi vậy là người làm thường tránh in chữ ở những góc khó.
Tem trùm (bên trái) và tem ghép (bên phải).
Tem ghép: là ghép nhiều miếng decal lại với nhau để tạo thành phần đồ họa mong muốn. Những mảng decal được cắt bằng máy cắt chuyên dụng nên có khả năng tạo hình phong phú. Ưu điểm của tem ghép là mang lại độ sắc nét và độ bền màu cao hơn tem trùm. Đó là lý do vì sao tem ghép phổ biến trên xe phân khối lớn và xe hơi. Nhược điểm của tem ghép là một số phần độ họa phức tạp như chuyển màu đậm sang nhạt, hay hoạ tiết quá cầu kỳ thì tem ghép không thể đáp ứng được. Thi công tem ghép đòi hỏi sự tỉ mỉ cao hơn và vì thế cũng mất nhiều thời gian hơn.
Có những màu cơ bản nào?
Màu cơ bản hay còn gọi là màu đơn sắc, thường được sử dụng trong trong quá trình làm tem ghép hoặc muốn phủ một diện tích rộng trên bề mặt xe. Đặc biệt là ô tô. Giá thành giữa các loại màu gần như tương đương nhau.
Màu Matte: hay còn được gọi là màu sơn mờ. Màu Matte có độ phản xạ ánh sáng rất thấp nên khi nhìn vào không bị chói dưới nắng, mang lại vẻ mạnh mẽ và lầm lì.
Màu Satin: được tạo nên bởi màu Matte phủ thêm một lớp nhũ và ánh kim. Nhìn bằng mắt thường giống như vật liệu nhôm. Độ bóng của màu Satin đứng trên màu Matte và dưới màu Glossy.
Màu Glossy: loại màu này chúng ta vẫn thường thấy rất thường xuyên, do nó tương tự màu sơn gốc của xe ô tô. Tuy nhiên, xét về độ bóng thì chưa phải là nhất.
Màu Chrome: đây là loại màu có độ phản xạ ánh sáng tốt nhất bởi bề mặt như phủ một lớp gương. Bởi vậy mà màu Chrome cũng hấp thụ nhiệt ít hơn. Tuy nhiên, màu này thường ít được lựa chọn do chưa phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam.
Nhôm xước: Đúng như tên gọi, màu nhôm xước mô phỏng lại bề mặt vật liệu nhôm với những vết xước nằm ngang.
Giả Carbon: Loại decal này mô phỏng lại những đường vân carbon, nhưng vẫn có thể chọn lựa các sắc độ và màu sắc khác nhau.
Dán ướt hay dán khô?
Thật ra, bất cứ loại decal nào thì chúng ta cũng đều có thể thi công theo cả 2 phương án dán ướt hoặc dán khô. Tùy theo trường hợp sẽ cần đến phương án phù hợp.
Dán khô: đây là phương án thường được sử dụng nhất. Dán khô phù hợp với những chi tiết decal nhỏ. Cũng có lúc là dán trên bề mặt lớn, nhưng trong trường hợp không có hình họa phức tạp. Ví dụ như dán đổi màu cho xe. Lý do là vì khi dán, decal sẽ cố định luôn. Muốn sửa sai chỉ còn cách bóc ra làm lại.
Dán ướt cho khả năng xê dịch và chỉnh lại hình trong thời gian lớp keo chưa khô.
Dán ướt: Ngược lại, dán ướt áp dụng trong trường hợp dán hình họa phức tạp, bởi phương án này cho khả năng xê dịch hay chỉnh lại hình trong thời gian lớp keo chưa khô hẳn. Khi lớp keo khô, decal sẽ cố định như thông thường.
Cắt decal bằng dao hay bằng cước?
Mặc dù các tiệm decal hiện nay đều có máy cắt định hình decal theo mong muốn nhưng một số công đoạn vẫn phải sử dụng đến dao. Việc sử dụng dao tiềm ẩn nguy cơ làm trầy mặt sơn rất lớn. Bởi vậy mà bên nước ngoài, họ đã sử dụng một phương pháp thi công bằng cước cắt decal chuyên dụng nhằm tránh tình trạng trầy sơn do dao gây ra.
Phương pháp thi công này đã bắt đầu có một số tiệm decal ở Việt Nam ứng dụng. Ưu điểm của việc cắt decal bằng cước thì ngoài việc tránh trầy sơn thì còn có thể cắt được nét chuẩn hơn và nhiều hình dạng phong phú hơn so với dao. Song, phương pháp cắt bằng cước vẫn tồn tại những hạn chế, khi chỉ phù hợp với ô tô hơn là xe máy. Vì trên ô tô có nhiều mặt phẳng và ít góc bo hơn. Trong khi xe máy thì ngược lại, ít mặt phẳng, nhiều góc bo và hình họa thường có kích thước nhỏ.
Thế Anh (Trithucthoidai)
Ý kiến đánh giá (4)