10:10  | 

Đánh giá Infiniti QX60 - Bất ngờ ở phân khúc crossover hạng sang

Infiniti QX60 là mẫu xe mang lại nhiều điều bất ngờ với những ưu điểm ở trang bị tiện nghi, thiết kế ngoại thất và động cơ. Dung hòa giữa 2 yếu tố thể thao và sự êm ái tưởng chừng chẳng hề liên quan.

“Hiện tượng” của Infiniti

Infiniti QX60 ra đời năm 2013 với cái tên JX35. Bước sang năm 2014, dòng xe đổi tên thành QX60 để đồng bộ cách gọi tên mới của hãng. Tiền tố “QX” cho biết mẫu xe thuộc dòng SUV của Infiniti. Còn hậu tố “60” chỉ vị trí của nó, số càng cao càng đắt tiền. Lúc đầu có rất nhiều người nghi ngờ về sự thành công của QX60, nhưng Infiniti đã chứng minh điều ngược lại.

Tính từ thời điểm ra mắt cho đến nay, doanh số của QX60 chỉ xếp sau dòng sedan Q50, và hơn cả doanh số của QX70 và QX80 cộng lại. Đơn cử như thông báo bán hàng tại thị trường Mỹ (thị trường lớn nhất của Infiniti trên toàn cầu, chiếm gần 60%), doanh số 9 tháng đầu năm 2016, QX60 bán được 31.067 xe, trong khi cộng cả QX70 và QX80 mới chỉ có 14.482 xe. Và đặc biệt hơn là có đến 90% người mua QX60, họ chưa từng sở hữu xe Infiniti, trong đó có nhiều khách hàng trẻ và phụ nữ. Điều đó thể hiện rằng, QX60 giúp Infiniti có thêm rất nhiều khách hàng mới, và đối tượng khách hàng đã đa dạng hơn.

Đánh giá Infiniti QX60 - Bất ngờ ở phân khúc crossover hạng sang Infiniti QX60 (36).jpgQX60 có doanh số bán chỉ đứng sau Q50 của Infiniti.

SUV hay crossover?

Infiniti QX60 có mối liên hệ chặt chẽ với “người anh em” Nissan Pathfinder. Nissan Pathfinder là chiếc SUV từng dùng kiểu cấu trúc thân trên khung (body-on-frame) giống như xe bán tải hay xe tải nhỏ, tất cả những bộ phận thân xe được làm riêng biệt rồi đặt lên khung xe. Kiểu cấu trúc này giúp xe dễ dàng vượt địa hình hơn nhưng lại làm tăng lượng trọng lượng, ảnh hưởng đến tính linh hoạt và tiêu tốn quá nhiều nhiên liệu. Bởi thế mà Nissan đã chuyển sang dùng loại thân liền khung (unibody) nhằm đổi lại những giá trị dành cho những khách hàng mua xe phần lớn di chuyển trong đô thị. Infiniti QX60 thừa hưởng cấu trúc unibody từ Nissan Pathfinder. Nếu xét trên sự khác nhau căn bản về cấu trúc thì rõ ràng Infiniti QX60 là một chiếc crossover.

Đánh giá Infiniti QX60 - Bất ngờ ở phân khúc crossover hạng sang Infiniti QX60 (1).jpg Infiniti tránh xa từ ‘crossover’ khi nói về QX60 và họ thích dùng từ ‘SUV’ hơn.

Tuy nhiên, nhiều dòng SUV hiện này cũng đã chuyển sang dùng loại thân liền khung. Do vậy, trong buổi ra mắt QX60 tại nước ngoài, Infiniti tránh xa từ ‘crossover’ khi nói về QX60 và họ thích dùng từ ‘SUV’ hơn. Điều này còn thấy rõ qua những quảng cáo, những banner mà họ đăng tải. Nhưng xét cho cùng, đó cũng chỉ là chiến dịch marketing của Infiniti, còn đối với giới chuyên gia, Infiniti QX60 hoàn toàn là chiếc crossover với 7 chỗ ngồi.

7 ghế ngồi đặt trong một chiếc crossover khiến Infiniti QX60 có ngoại hình đồ sộ để đáp ứng sự thoải mái. Kích thước của xe cụ thể là 5.093mm chiều dài, 1.960mm chiều rộng, 1.742mm chiều cao và 2.900mm chiều dài cơ sở. Nếu so với đối thủ cùng tầm giá Lexus RX thì Infiniti QX60 to lớn hơn hẳn, thậm chí cả chiếc SUV 7 chỗ Lexus GX460 (Infiniti QX60 chỉ thua ở thông số chiều cao). Mặt khác, so với Audi Q7 cũng là một chiếc SUV 7 chỗ, chiếc xe hạng sang Nhật Bản vẫn hơn ở thông số chiều dài. Còn về trọng lượng, Infiniti QX60 nhẹ hơn các đối thủ, chỉ dừng lại ở 2.052kg, trong khi Audi Q7 (động cơ 3.0L) là 2.105 kg và Lexus GX460 là 2.375 kg.

Đồng nhất thiết kế nhận diện thương hiệu

Trong sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp bốn bánh, các thương hiệu hạng sang phải nhất quán được cảm xúc thiết kế trên toàn bộ dải sản phẩm để tạo dấu ấn trong tâm thức khách hàng. BMW là một ví dụ tuyệt vời. Tất cả sản phẩm, dù đắt hay rẻ đều có thể nhận điểm chung giữa những chiếc BMW. Mercedes-Benz, Cadillac, Audi, Porsche đều đang làm việc này rất tốt. Ngay cả Lexus trong thời gian gần đây cũng vậy, ngôn ngữ thiết kế L-finesse đã đưa sản phẩm của họ lên một tầm cao mới. Còn đối với thương hiệu Infiniti, sự chuyển mình thể hiện rõ ràng nhất qua sự ra đời của QX60 đời 2016.

Đánh giá Infiniti QX60 - Bất ngờ ở phân khúc crossover hạng sang Infiniti QX60 (27).jpgQX60 2016 là mẫu xe bắt đầu cho sự đồng nhất thiết kế của Infiniti.

Thiết kế ngoại hình Infiniti QX60 2016 dễ dàng tìm điểm chung với dòng sedan, hay chiếc crossover mới của hãng là QX30. Điểm dễ nhận ra nhất là những chi tiết hình trăng lưỡi liềm nằm ở lưới tản nhiệt, đèn pha, cột D và đèn hậu phía sau. Lưới tản nhiệt phía trước dạng tổ ong, thay thế cho kiểu thanh ngang ở đời cũ. Hốc đèn sương mù là cách tân đáng giá, góp phần lớn vào vẻ thể thao và khí động học ở phần đầu xe. Trong khi đời trước dùng kiểu đèn sương mù tròn, nhìn mặt trước có phần cục mịch và chậm chạp. Đèn pha dùng công nghệ HID Xenon có chức năng tự động bật/tắt.

Nhìn ngang, phiên bản 2016 có độ vuốt tốt hơn, nhờ vào độ ngả của kính sau và cánh gió dài hơn. Tuy nhiên, chính cách thiết kế này tạo cảm giác hơi “nặng nề” ở phần đuôi, dù nhà sản xuất đã trang bị la-zăng kích thước 20 inch ở bản Deluxe mà chúng tôi trải nghiệm. Infiniti QX60 2016 có hệ số cản gió không đổi, vẫn là 0,34 Cd. Để đảm bảo độ bám đường và ổn định khi chạy tốc độ cao, các kỹ sự trang bị thêm cho chiếc xe hướng gió ở cản trước, cánh gió sau và đặc biệt là phần hướng gió trước lốp xe (cả 4 bánh), tránh đẩy gió vào bánh xe làm nhiễu loạn không khí ở vị trí này.

Vẻ đẹp phần đuôi của một chiếc xe cỡ lớn mang nhãn hiệu Infiniti đã dễ cảm thụ hơn. Không quá cá tính và dành cho số ít như 2 “đàn anh” QX70 và QX80. Ở đây không nói đến QX30 bởi nó là chiếc xe cỡ nhỏ, dễ dàng sắp đặt những đường nét khí động học hơn. Đèn hậu QX60 2016 đồng nhất với thiết kế đèn pha phía trước, nối liền bởi thanh crôm ở giữa, dập nổi dòng chữ “INFINITI”. Tuy nhiên, không hiểu vì sao hãng lại để lộ đường cắt có phần vô duyên ở cửa khoang hành lý ngay phía dưới nơi treo biển số.

Hưởng thụ khoang nội thất tiện nghi

Thông thường, để trải nghiệm một chiếc xe, tôi thường lên ngồi vào ghế lái trước tiên. Nhưng với Infiniti QX60 thì khác, hàng ghế sau mới đáng để hưởng thụ những tiện nghi. Có thể nói, hàng ghế sau như một văn phòng di động dành cho những ông chủ. Đầu tiên là giải trí, xe trang bị 2 màn hình riêng ở 2 tựa đầu ghế trước, kết nối qua DVD, USB và AUX. Về AUX thì có thể kết nối từ hàng ghế trước hoặc sau. Tuy nhiên, nếu có thêm giắc cắm USB ở hàng ghế sau thì sẽ chủ động hơn. Còn về điều chỉnh âm lượng, chuyển bài,... xe trang bị điều khiển cầm tay với 3 chế độ, 1 để điều chỉnh hệ thống giải trí bên trái, 1 là để điều chỉnh hệ thống giải trí trung tâm (hàng ghế trước) và 1 để điều chỉnh hệ thống giải trí bên phải. Người ngồi nghe nhạc qua tai nghe không dây hoặc có dây. Tai nghe không dây trang bị sẵn có chức năng khá hay, cứ đưa lên hàng ghế trước là nhạc trong tai nghe tự động tắt, theo suy đoán, có thể ý đồ của Infiniti không muốn người lái xe nghe nhạc bằng tai nghe gây mất tập trung.

Đánh giá Infiniti QX60 - Bất ngờ ở phân khúc crossover hạng sang Infiniti QX60 (14).jpgHàng ghế sau đủ các tiện nghi giải trí.

Nếu hay phải dùng đến điện thoại và laptop trên quãng đường đi, Infiniti QX60 có dành riêng một giắc cắm 120V. Cổng sạc này là ưu điểm lớn, hiếm có ở những mẫu xe khác. Giải quyết được cả tình trạng vào điện chậm chạp của cổng USB 12V như thông thường, vốn chỉ dành cho điện thoại. Bên cạnh đó là các nút bấm điều chỉnh điều hòa và sưởi ấm riêng. Ghế ngồi có thể điều chỉnh đổ ngả và trượt trước sau.

Chẳng nhiều chiếc crossover 7 chỗ có hàng ghế thứ 3 thoải mái. Infiniti QX60 cũng vậy, chật chội và gò bó nếu là người lớn ngồi vào, khi ấy, chân bạn sẽ phải co lên, nếu xảy ra va chạm, tỉ lệ chấn thương vùng đầu gối là rất cao. Trong trường hợp bắt buộc, nên hi sinh chút khoảng để chân của hàng ghế 2 bằng cách đẩy ghế lên để mở rộng cho hàng ghế 3. Khoảng cách đầu tới trần xe cũng khiêm tốn do thiết kế vuốt xuống đặc trưng của dòng crossover, và cũng ảnh hưởng trực tiếp tới tầm nhìn của người lái qua gương hậu trung tâm. Nhìn chung, hàng ghế này chỉ phù hợp với trẻ nhỏ mà thôi.

Đánh giá Infiniti QX60 - Bất ngờ ở phân khúc crossover hạng sang Infiniti QX60 (15).jpg

Cuối cùng, Infiniti còn ưu ái cho hàng ghế sau một cửa sổ trời toàn cảnh, kéo dài từ hàng ghế thứ 2 đến hàng ghế thứ 3. Đây là một trang bị khá tuyệt vời, bạn có thể ngả lưng ngắm bầu trời đầy sao khi di chuyển ban đêm hoặc ngắm những cơn mưa rả rích. Nhưng vị trí nút bấm đóng/mở lại nằm ở bảng điều khiển trần xe hàng ghế trước chứ không phải đâu đó ở hàng ghế 2 hoặc 3. Dĩ nhiên, Infiniti có lý của mình, bởi muốn nút bấm đóng/mở dạng 1 chạm, bạn chỉ cần nhờ người điều khiển đưa tay lên bấm nút là xong.

Lấy tính năng bù lại thiết kế

Infiniti luôn vụng về trong việc thiết kế nội thất, dù đã trưởng thành hơn trong vài năm trở lại đây. Thực tế ở QX60 2016 là cách phối màu, sử dụng vật liệu đã sang hơn phiên bản tiền nhiệm, nhưng chưa thực sự đạt đến mức quá ấn tượng. Đặc biệt là phần bảng thiết kế trung tâm. Nhưng bù lại, tính năng trang bị hiện đại là điểm cộng rất lớn. Vừa bước lên ngồi, ghế và vô-lăng tự động vào vị trí đã nhớ từ lần sử dụng trước. Ghế lái chỉnh điện 10 hướng, nhớ 2 vị trí, thiết kế chắc nịch ôm lấy người ngồi.

Đánh giá Infiniti QX60 - Bất ngờ ở phân khúc crossover hạng sang Infiniti QX60 (2).jpgInfiniti QX60 là món hời về tính năng trang bị nếu sẵn sàng qua nét thiết kế nội thất đơn giản về cách bố trí.

Nếu phải tìm ra 2 điểm để khen những chức năng nơi bảng điều khiển trung tâm thì tôi sẽ chọn ra hệ thống điều hòa và âm thanh. Đầu tiên nói về hệ thống điều hòa. Theo nhà sản xuất thì họ trang bị hệ thống lọc không khí Plasmacluster và lọc Grape Polyphenol nhưng bình thường khó nhận ra điều này, chỉ khi nào đi bắt buộc phải đi sau một chiếc xe tải đầy khói bụi mới có thể cảm nhận rõ giá trị. Và đặc biệt là hệ thống sưởi/làm mát ghế ngồi. Vì phải xuống xe liên tục để chụp ảnh khiến ghế ngồi nóng ran mỗi khi mở cửa bước vào, mở hệ thống làm mát ghế thì chỉ sau chừng 10 giây đã cảm nhận được sự dễ chịu. Một tính năng đáng giá so với những mẫu xe nhập từ xứ lạnh thường chỉ trang bị chức năng sưởi. Tiếp theo là hệ thống âm thanh với 15 loa Bose và công nghệ âm thanh vòm 5.1 Dolby Digital, biến chiếc xe chẳng khác nào một rạp hát, âm trầm âm bổng rõ ràng. Nhưng đừng bị cuốn vào âm nhạc và quên mất bạn đang ở vị trí lái xe.

Màn hình giải trí trung tâm có giao diện không thực sự tuyệt vời, cách sử dụng cũng không thể hiện tính tương tác cao. Người mới phải ngồi mày mò một lúc lâu mới tìm được cách phát nhạc qua Bluetooth. Bên cạnh đó, vô-lăng bố trí nút nhận/ngắt cuộc gọi khá xa với phần tay nắm, gây khó khăn nhất định khi có cuộc gọi đến. Ngoài ra, hàng ghế trước còn có một cửa sổ trời (mở được nắp kinh) và cần số lấy cảm hứng từ chiếc coupe thể thao Q60 của bản hãng.

>> Xem Ảnh chi tiết nội thất Infiniti QX60 2016

To xác nhưng không nặng nề

Như nói ở phần trước, Infiniti QX60 vốn là một chiếc xe to xác và đồ sộ. Nhưng trải nghiệm lái mới thấy nó không nặng nề như ngoại hình bên ngoài. Với sức nặng hơn 2 tấn, Infiniti trang bị động cơ V6 3.5L để đảm bảo chiếc xe đủ mạnh, mang đúng “chất” thể thao mà hãng đang xây dựng. Động cơ cho công suất 263 mã lực tại 6.400 vòng/phút và mô-men xoắn 334Nm tại 4.400 vòng/phút. Kết hợp với hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian AWD và hộp số vô cấp CVT điều khiển điện tử. Thời gian gần đây, có thể nhận ra rất nhiều mẫu xe đang chuyển sang dùng hộp số vô cấp CVT. Loại hộp số này không có tình trạng hẫng khi vào số (Shift-shock) làm chiếc xe di chuyển êm ái hơn, luôn có gia tốc tối ưu, giảm thất thoát lực, tăng tốc nhanh hơn, giảm lượng nhiên liệu tiệu thụ và khí thải. Dĩ nhiên, hộp số CVT không cho cảm giác thể thao giống hộp số bánh răng thông thường. Nhưng rõ ràng, hộp số CVT đang là giải pháp của nhiều hãng xe. Tạp chí Forbes còn nói vui về CVT rằng: “Hãy tưởng tượng 115 năm về trước, tất cả mọi người không thích một chiếc xe bởi vì nó không giống một con ngựa thì sẽ ra sao?”

Đánh giá Infiniti QX60 - Bất ngờ ở phân khúc crossover hạng sang Infiniti QX60 (34).jpgNhờ sử dụng hộp số vô cấp CVT mà Infiniti QX60 di chuyển mượt mà hơn, không có tình trạng hẫng khi vào số (Shift-shock).

Thế giới đang ngày càng nhiều mẫu xe chuyển sang tay lái trợ lực điện, trong khi Infiniti QX60 vẫn trung thành với trợ lực thủy lực. Đây là điểm trừ nếu người lái là phụ nữ vốn “chân yếu tay mềm” nhưng với những người yêu cầm lái như bản thân tôi lại cảm thấy thích thú. Bởi trợ lực thủy lực giúp người lái cảm nhận rõ là mình đang cầm lái một chiếc xe dài hơn 5 mét và nặng hơn 2 tấn như Infiniti QX60, làm quá trình điều khiển cũng vì thế mà từ tốn và hiểu xe hơn.

Nhà sản xuất cho biết, QX60 2016 được hiệu chỉnh hệ thống treo cứng hơn, giảm độ rung lắc và cung cấp phản ứng mặt đường nhiều hơn đến người lái. Nhưng thú vị ở chỗ, tiếng ồn lại giảm đáng kể nhờ nâng cấp các tấm cách âm cabin, ngay cả tiếng ồn lốp cho đến tiếng ồn gió ở tốc độ cao. Tôi chưa có cơ hội trải nghiệm phiên bản cũ của dòng QX60 để so sánh, nhưng độ cách âm thực sự tốt. Có điều, khi đạp chân ga mạnh, tiếng ồn động cơ vẫn còn nhiều. Trong khi Lexus chỉ để chút ít âm thanh lọt vào. Dĩ nhiên, thương hiệu Infiniti nổi danh với sự dung hòa 2 yếu tổ thể thao và êm ái, còn Lexus thiên nhiều về êm ái hơn.

Đánh giá Infiniti QX60 - Bất ngờ ở phân khúc crossover hạng sang Infiniti QX60 (35).jpg

Infiniti QX60 mang đến 4 chế độ lái gồm Eco (Tiết kiệm), Standard (Tiêu chuẩn), Snow (Tuyết) và Sport (Thể thao). Vẫn như thông thường, 3 chế độ Eco, Standard và Sport tác động vào độ trễ của chân ga, còn Snow thì tôi chưa có cơ hội thử vì không có đoạn đường nào phù hợp. Để chế độ Sport và cài cần số sang vị trí +/- (số tay), rồi đạp hết ga để tìm cảm giác thể thao là hơi mờ nhạt. Chiếc xe chỉ phản ứng nhanh hơn và gắt gỏng hơn so với thông thường. Công bằng mà nói, tìm cảm giác “dính lưng ghế” trên một chiếc xe cỡ lớn là điều không thể. Bởi vậy mà suốt quãng đường, tôi chỉ thường xuyên chọn lựa chế độ Eco và Normal. Ở hai chế độ này, xe vẫn cho phản ứng chân ga và chân phanh tốt, ít trễ nải.

Đánh giá Infiniti QX60 - Bất ngờ ở phân khúc crossover hạng sang Infiniti QX60 (5).jpg

Suy nghĩ lái xe trong phố là cực hình hoàn toàn bay biến khi cầm lái Infiniti QX60 2016. Hệ thống camera 360 độ kết hợp cảm biến xung quanh xe sẽ cảnh báo khi xe đến quá gần, và màn hình trung tâm chuyển sang giao diện camera nếu đang ở chế độ khác. Hệ thống này đặc biệt có ích với giao thông nhiều xe máy như Việt Nam với những pha tạt đầu không hề báo trước khiến người lái dễ giật mình. Bản thân tôi khi lái chiếc Infiniti QX60 trên phố Sài Gòn giờ tan tầm cũng cảm thấy yên tâm hơn khi có thể quan sát xung quanh xe.

Lý do gì khiến Infiniti chưa phổ biến tại Việt Nam?

Với những gì đem lại, cộng với mức giá 3,399 tỷ cho bản thường và 3,699 tỷ đồng cho bản Deluxe khiến Infiniti QX60 thực sự là bất ngờ ở phân khúc crossover hạng sang, hay nói rộng ra là dòng xe hạng sang 7 chỗ tại thị trường Việt Nam. Điều đó thể hiện rõ qua những ưu điểm ở trang bị tiện nghi, thiết kế ngoại thất và động cơ, dù còn tồn tại thiết kế nội thất không nhiều ấn tượng nếu nhìn qua các đối thủ. Nhưng nếu xét theo triết lý “Empower the drive” (Hứng khởi khi cầm lái) mà Infiniti theo đuổi thì QX60 hoàn toàn đáp ứng, mặc dù đã phải trả giá một phần vì phải đảm bảo sự êm ái của một chiếc xe hạng sang.

Đánh giá Infiniti QX60 - Bất ngờ ở phân khúc crossover hạng sang Infiniti QX60 (23).jpgNếu Infiniti có hệ thống dịch vụ rộng khắp, chắc chắn sẽ có nhiều khách hàng lựa chọn QX60 bởi những ưu điểm của nó.

Vậy tại sao Infiniti chưa phổ biến tại Việt Nam? Lý do không nằm ở chất lượng sản phẩm mà nằm ở thời gian cần có thể chinh phục khách hàng, khẳng định thương hiệu. Và yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là hệ thống dịch vụ. Hiện tại, hãng mới chỉ có một đại lý, xưởng dịch vụ tại thành phố Hồ Chí Minh, bởi vậy mà không khó hiểu khi Hồ Chí Minh là nơi chiếm doanh số chính của Infiniti tại Việt Nam.

Thông số kỹ thuật Infiniti QX60 3.5 Deluxe Touring:

  • Giá bán: 3.699.000.000 VNĐ
  • Kích thước tổng thể (d x r x c): 5.093 x 1.960 x 1.742 mm
  • Chiều dài cơ sở: 2.900 mm
  • Động cơ: 3.5 lít V6
  • Công suất cực đại: 263 mã lực tại 6.400 vòng/phút
  • Mô-men xoắn cực đại: 334 Nm tại 4.400 vòng/phút
  • Hộp số: vô cấp CVT điều khiển điện tử
  • Dẫn động: 4 bánh toàn thời gian AWD
  • Tốc độ tối đa: 190 km/h
  • Thời gian tăng tốc từ 0-100 km/h: 8,4 giây
  • Loại nhiên liệu: Xăng

>> Thông tin liên quan:

Thế Anh (Trithucthoidai)

Ảnh: Lê Hùng

Ý kiến đánh giá (1)


Có thể bạn quan tâm