Chủ Nhật, 19/01/2025 | 06:08
11:03 |
Xe nhập tắc đường về, ôtô mùa Tết tăng giá
Các DN nhập khẩu ôtô đang hết sức lo lắng trước nguy cơ không làm được thủ tục thông quan khi xe về tới cảng, nhất là với các lô hàng về tháng 12 để khách mua chơi Tết. Nguy cơ tăng giá có thể xảy ra, khi phía nhập khẩu phải đi mượn Giấy chứng nhận bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện.
Thua lỗ vì phải đi mượn, thuê “giấy”
Ông Vũ Huy Chỉnh, Công ty TNHH ô tô Đông Hải, cho biết, tháng 8/2016, công ty ông khốn khổ khi nhập 3 chiếc ô tô 5 chỗ ngồi thương hiệu Samsung từ Hàn Quốc về, bị ách lại tại cảng Hải Phòng do không được thông quan.
Theo quy định tại Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương, khi nhập khẩu ô tô, các doanh nghiệp phải có 2 loại giấy, gồm: Giấy ủy quyền nhập khẩu chính hãng của nhà sản xuất và Giấy chứng nhận bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp.
Nhiều DN nhập khẩu phải "thuê" Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện
Tuy nhiên, từ 1/7/2016, Thông tư 19/2012 quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu đã hết hiệu lực nên Bộ GTVT không có cơ sở pháp lý cấp giấy chứng nhận này.
Trong khi đó, khi làm thủ tục nhập khẩu, cơ quan Hải quan vẫn đòi đầy đủ các giấy tờ như quy định tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương, khiến các doanh nghiệp khốn khổ vì phải lo thủ tục.
“Để được làm thủ tục thông quan, chúng tôi phải "thuê" Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện của một doanh nghiệp khác vẫn còn thời hạn với chi phí rất cao, dẫn đến xe nhập về bán thua lỗ. Chúng tôi vô cùng bức xúc”, ông Chỉnh nói.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Kylin, cho hay, Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện trước đây được Bộ GTVT cấp có thời hạn 3 năm. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô được cấp cùng thời điểm, nên tới tháng 12/2016 này sẽ hết hạn.
Cách đây hơn một tháng, công ty ông Hùng đã lên Bộ GTVT xin cấp lại giấy này, nhưng bị từ chối.
Hiện công ty Kylin đang nhập khẩu một lô xe từ Hàn Quốc, nếu về đến cảng mà Giấy chứng nhận hết hạn thì rủi ro sẽ rất lớn do không thể thông quan được. Nếu phải nhờ giấy của doanh nghiệp khác cũng rất tốn kém và thua lỗ là điều khó tránh.
Ông Hùng than thở: “Cứ nghĩ Thông tư 20 đã hết hiệu lực thì được tự do nhập khẩu, nay Bộ Công Thương cố tình níu giữ và Hải quan thì đòi đầy đủ các thủ tục, gây rủi ro cho doanh nghiệp”.
Như “ngồi trên đống lửa”
Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, khi Thông tư 19/2012 hết hiệu lực thì không có cơ sở pháp lý để cấp giấy chứng nhận bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện cho nhà nhập khẩu ôtô.
Bộ Công Thương thì khẳng định bãi bỏ Thông tư 20, nhưng lại đề nghị Chính phủ cần phải ban hành một quy định tương đương để quản lý xe nhập khẩu rồi mới bãi bỏ.
Nhiều DN đứng ngồi không yên vì Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện sẽ hết hạn vào 31/12 tới
Tổng cục Hải quan đã gửi công văn hỏi Bộ Công Thương về hiệu lực của Thông tư 20 sau ngày 1/7/2016 thì chỉ nhận được câu trả lời hết sức chung chung "đang tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất phương hướng điều hành trong thời gian tới". Vì vậy, vẫn đòi đủ thủ tục với ôtô nhập khẩu theo quy định của Thông tư này khi thông quan.
Rõ ràng, sự thiếu nhất quán của các cơ quan chức năng đã khiến doanh nghiệp nhập khẩu ô tô khốn đốn. Họ như đang "ngồi trên lửa".
Ông Đỗ Minh Thế, Giám đốc Công ty cổ phần ô tô Hoàng Gia, lo ngại, Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện của chúng tôi sẽ hết hạn vào 31/12 tới, nếu không có giấy này mà Hải quan vẫn đòi đủ thủ tục thì chỉ có cách dừng hẳn nhập khẩu ô tô.
Một số doanh nghiệp bày tỏ họ không biết phải "nhờ cậy" vào cơ quan nào để giải quyết vướng mắc đó. Chuyện này không phải là mới, bởi ngay từ giữa tháng 8/2016, đã có công ty nhập khẩu ô tô vướng phải và đã phản ánh tới các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.
Nếu như phải đợi các cơ quan chức năng ban hành một quy định mới về quản lý xe nhập khẩu, tương tự như Thông tư 20, rồi bỏ quy định cũ thực hiện theo quy định mới, có lẽ thời gian còn khá dài.
Mới đây, Quốc hội vừa thông qua bổ sung ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, có hiệu lực từ 1/7/2017. Như vậy, có thể phải chờ đợi hơn nửa năm nữa và tới đầu năm sau, nhiều doanh nghiệp không thể nhập khẩu được ô tô. Thị trường ô tô có nguy cơ rối loạn, người tiêu dùng lại chịu thêm thiệt thòi.
Theo Trần Thủy (VietNamNet)
Ý kiến đánh giá