Chủ Nhật, 19/01/2025 | 07:13
09:05 |
Lý giải nguyên nhân xe khách “bỗng dưng” bốc cháy
Xe hoạt động trong thời gian dài, lái xe khách không kiểm tra phanh, máy móc trước khi đổ đèo, lên dốc. Đó là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ cháy xe khách sau dịp Tết Nguyên đán.
Vì sao xe khách dễ cháy?
Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an), không chỉ riêng năm nay, cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán lại xảy ra hàng chục vụ cháy xe ôtô con, xe khách khi đang lưu thông trên đường. Hầu hết những chiếc xe này đều chở khách đi du xuân, hoặc đưa công nhân từ quê lên thành phố. Mặc dù năm nào lực lượng cảnh sát PCCC cũng tuyên truyền phòng ngừa, nhưng sự cố cháy xe ôtô vẫn xảy ra.
Có nhiều nguyên nhân làm xe ôtô bốc cháy khi đang chạy. Riêng trường hợp xe khách chủ yếu xảy cháy khi đang đổ đèo hoặc xe hoạt động trong quãng thời gian dài.
Khi máy làm việc quá tải, lượng nước làm mát trong máy bị cạn kiệt mà lái xe không biết sẽ tạo nhiệt và xảy cháy.
Hơn nữa, một số xe khách còn chất nhiều đồ đạc, thậm chí còn cho cả xe máy vào cốp hay “chất” lên nóc xe để chở. Trong khi đó, xăng có trong xe máy không hút cạn kiệt, khi để xe nằm nghiêng xăng rò rỉ chảy vào các thiết bị máy móc, điện… gây chập cháy.
Cùng với nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan của lái xe. Xe đỗ trong gara, bãi xe nghỉ Tết bị ẩm ướt do không hoạt động nhiều ngày, khi qua Tết chở khách đi du xuân, nhiều lái xe chủ quan không kiểm tra trước khi khởi hành. Xe chạy được thời gian dài lại bị hoạt động tức thì khí ẩm ngưng tụ sẽ dẫn đến chập cháy hệ thống điện, điều hòa…
Bên cạnh đó, nhiều xe khách có hệ thống máy vận hành cho điều hòa riêng có nguồn điện khỏe. Trên xe “độ” nhiều thiết bị ngoài thiết kế nguyên bản như thêm hệ thống âm thanh - ánh sáng, ti vi, tủ lạnh, máy phát wifi, ổ điện cho hành khách sạc điện thoại… Việc lắp thêm thiết bị một cách thiếu đồng bộ, không đạt tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật dẫn khiến xe dễ dàng chập cháy khi vận hành trên quãng đường dài.
Phòng chống cháy thế nào?
Để đảm bảo an toàn cho hành khách, việc đầu tiên mỗi xe khách phải trang bị bình cứu hỏa, có đầy đủ các thiết bị phá cửa kính được đặt ở nơi dễ nhìn thấy, dễ lấy và đặc biệt nhà xe phải có trách nhiệm hướng dẫn hành khách sử dụng thiết bị thoát nạn mỗi khi lên xe. Khi xe xảy hỏa hoạn, phải bình tĩnh hướng dẫn, hỗ trợ hành khách thoát nạn. Đối với phương tiện, trước khi vận hành cần kiểm tra kỹ lưỡng các thiết bị, đề phòng xe đỗ nhiều ngày trong bãi xe bị chuột cắn dây điện có thể gây đánh lửa chập cháy.
Đối với xe chạy đường dài, phải cho xe dừng nghỉ một thời gian nhất định, để cho các thiết bị như phanh, dầu phanh và các thiết bị phụ trợ an toàn phương tiện đàn hồi và nguội trở lại. Điều quan trọng nhất để cho hành trình an toàn nhưng không phải lái xe khách nào cũng thực hiện mỗi khi đổ đèo, lên đèo đó là dừng xe kiểm tra phanh, máy móc. Với những cung đèo cao, vực thẳm, lái xe phải tuyệt đối tuân thủ việc lên đèo số nào thì xuống đèo phải giữ nguyên số đó để bảo toàn cho hệ thống phanh, lốp…
Đặc biệt, việc tuân thủ quy định bảo trì, bảo dưỡng, tốc độ, hành trình, tốc độ đối với xe ôtô là biện pháp hiệu quả hạn chế tối đa việc xảy ra tai nạn giao thông và xảy cháy xe khi đang vận hành. Tốc độ cao quá mức cũng có thể gây cháy xe bởi sự ma sát các thiết bị, hoặc xe đổ đèo dài mà rà phanh liên tục cũng có thể gây cháy xe, mất phanh.
Khánh An (Trithucthoidai)
Ảnh: Thanh Niên
Ý kiến đánh giá