Thứ Sáu, 22/11/2024 | 18:38
13:35 |
Xe không người lái - từ phim ảnh đến đời thực
Hai thập kỉ về trước, xe không người lái (driverless car) là thứ người ta chỉ có thể thấy trên những bộ phim khoa học viễn tưởng. Nhưng với sự tiến bộ của công nghệ, giờ đây tính năng này đã trở nên khá phổ biến trên những mẫu xe hiện đại.
Thể loại phim khoa học viễn tưởng lấy bối cảnh ở tương lai luôn là “cái nôi” sản sinh ra rất nhiều ý tưởng mới mẻ và có đôi chút viển vông ở đủ mọi khía cạnh công nghệ.Tuy nhiên, người ta cũng đã chứng kiến rất nhiều trong số đó trở thành hiện thực. Xe không người lái (hay xe có tính năng lái tự động) là một trong số đó. Từ những năm 70 của thế kỉ trước cho đến nay, một vài bom tấn trong làng điện ảnh thế giới xuất hiện hình ảnh của một chiếc xe mang dáng dấp đương đại, được điều khiển bởi một bộ não vi tính. Và giờ đây tính năng này đang dần trở nên phổ biến, đặc biệt là trên những mẫu xe hạng sang.
Diễn viên Will Smith bên cạnh chiếc concept Audi RSQ với khả năng lái tự động
Xe không người lái là gì và hoạt động ra sao
Như cái tên của nó, xe không người lái là một chiếc xe có khả năng “cảm nhận” môi trường xung quanh và tự điều hướng mà không cần sự can thiệp của con người. Sử dụng kết hợp nhiều loại cảm biến và công cụ khác nhau bao gồm radar, lidar (một dạng radar dùng tia laser), GPS, đồng hồ công tơ mét trên xe… Xe có thể tự động thực hiện những chức năng thông thường phục vụ di chuyển đi lại hàng ngày. Công nghệ càng hiện đại, xe càng phân tích và xử lí được nhiều yếu tố xung quanh, từ vật cản (cả tĩnh và động), các phương tiện khác cho đến hệ thống đèn giao thông và biển báo.
Tính năng hoạt động không người lái được chia ra nhiều mức độ, chủ yếu dựa vào khả năng hoạt động độc lập với sự điều khiển của con người ở mức nhiều hay ít. Những hệ thống chúng ta thường thấy trên xe hơi ngày nay như Active Cruise Control (kiểm soát hành trình chủ động), Lane Keeping Assist (hỗ trợ giữ làn) hay tự động lùi chuồng… nằm ở mức trung gian.Nghĩa là người lái vẫn cần sẵn sàng kiểm soát xe cho những tình huống bất ngờ mà máy tính không thể xử lí một cách chính xác.
Một vài hệ thống tân tiến hơn như Autopilot của Tesla, bên cạnh khả năng hoạt động độc lập (tự ga, phanh, đánh lái, giữ làn và chuyển làn nếu cần thiết) còn đem lại tính năng “triệu hồi” – Người dùng có thể thao tác trên smartphone để điều khiển chiếc xe đến vị trí của mình, cực kì thuận tiện trong các tình huống thời tiết xấu hay ra vào gara chật hẹp.
Hình ảnh chiếc xe không người lái được Google ra mắt đầu năm nay
Một dự án xe không người lái khác cũng được biết đến rộng rãi và đã đạt được những thành quả nhất định, đó là dự án Google Self-driving Car. Trải qua gần 8 năm kể từ khi đi vào hoạt động, những chiếc xe không người lái của Google đã đi được quãng đường tổng cộng hơn 3 trệu km với hầu như không có vụ tai nạn nào xảy ra do lỗi hệ thống. Mới đây dự án này đã được đổi tên thành Waymo, với nhiều tín hiệu lạc quan cho thấy việc xe không người lái hoàn toàn tự động (trong xe không hề có hệ thống điều khiển nào như vô lăng, bàn đạp, …) sẽ xuất hiện trong một tương lai rất gần.
Lợi ích của hệ thống hoạt động không người lái
Lợi ích đầu tiên của công nghệ này chính là giảm thiểu tai nạn giao thông. Trên xe không người lái, máy tính sẽ đảm nhiệm chức năng vận hành vì thế độ chính xác sẽ cao hơn, gần như không có độ trễ, không còn hiện tượng mất tập trung hay lái nhanh vượt ẩu … Công ty McKinsey & Company đã đưa ra tính toán rằng nếu xe không người lái được sử dụng rộng rãi sẽ giảm thiểu được đến 90% tổng số vụ tai nạn trên nước Mỹ, giảm đi 190 triệu USD thiệt hại vật chất, hóa đơn y tế cũng như hàng ngàn sinh mạng.
Ngoài ra, hệ thống lái tự động còn cho phép di chuyển với tốc độ cao hơn, tăng lưu lượng giao thông mà không hề gây ra tắc nghẽn. Chi phí vận hành, bảo dưỡng giảm đi do xe hoạt động ổn định hơn, giảm thiểu lượng nhiên liệu tiêu thụ. Đối với con người, xe không người lái sẽ giúp những người không có khả năng lái xe (người khuyết tật, người già, trẻ nhỏ…) chủ động hơn trong việc di chuyển. Người ta cũng có thể sử dụng khoảng thời gian lẽ ra phải dùng để lái xe làm những việc khác hoặc thư giãn, giải trí. Đây cũng sẽ là một chân trời mới cho các công ty vận tải khi cắt giảm được một chi phí lớn cho tài xế.
Và những mặt trái
Tất nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt. Rất nhiều người sẽ có nguy cơ mất việc, từ cánh lái xe cho đến các doanh nghiệp giao thông công cộng, xưởng sửa chữa, công ty bảo hiểm… Nguy cơ trộm cắp, hack vào hệ thống máy tính trong xe hay thậm chí là khủng bố bằng bom hay các chất hóa học đặt trong xe không người lái là hoàn toàn có thể xảy ra.
Việc chủ động và thuận tiện trong đi lại cũng sẽ khiến cho xu hướng sống ở ngoại ô (nơi đất đai và chi phí rẻ hơn) tăng cao, khiến quãng đường lưu thông sẽ lớn hơn và gây nhiều ảnh hưởng xấu tới môi trường. Ngoài ra việc quá phụ thuộc vào hệ thống điện tử trong xe sẽ giảm đi sự đề phòng của người điều khiển trong những trường hợp khẩn cấp.
Người ta cũng đã đưa ra nhiều vấn đề gây tranh cãi liên quan đến trách nhiệm trong các vụ tai nạn không may xảy ra: liệu nhà sản xuất, người sử dụng hay những bên thứ ba nào sẽ phải chịu trách nhiệm cho vụ va chạm? Và đứng trước nguy cơ gây hại cho người đi đường hoặc hành khách trên xe, hệ thống máy tính sẽ cần được lập trình như thế nào? Đây là những câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng và sẽ là rào cản lớn với việc phổ cập xe không người lái.
Nguyễn Quang (Trithucthoidai)
Ý kiến đánh giá