Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:24
14:54 |
Nissan X-Trail và hành trình dọc “Bắc miền Trung thương nhớ” (P.1)
Cuộc sống vốn dĩ là một hành trình gắn liền với những chuyến đi. Chỉ có đi, tôi mới nhìn thấy và nhận ra nhiều điều.
Chúng tôi vẫn cứ tự gọi mình là những kẻ lữ hành. Một năm bao nhiêu tháng là bằng đấy cuộc hành trình với xe. Vào Nam, ra Bắc; lên rừng, xuống biển… đủ cả, nhưng chẳng có nơi nào lại để nhiều thương, nhiều nhớ, nhiều “mặn mòi” như dải đất miền Trung.
Cứ hễ nhắc tới miền Bắc Trung bộ, mỗi người Việt Nam có thể mường tượng ngay ra trong đầu những vùng đất của thiên tai triền miên. Miền đất, nơi mà từ tấm bé cho tới khi lìa đời dường như đều gắn với con chữ nghèo và sớm sương mưa nắng lận đận mưu sinh.
Đã bao lần những Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên oằn mình trong cơn bão dữ cũng là từng ấy lần lặng chìm dưới dòng nước lũ khốc liệt. Đã bao đời cong mình chống chọi trước cái nắng khét lẹt, hanh rát của gió Lào cũng là bấy nhiêu năm nơi đây héo hon, trụi lùi.
Vì “thương”, vì “nhớ”, nên khi Nissan Việt Nam tạo điều kiện cho mượn 2 chiếc X-Trail để trải nghiệm một cung đường dài, chúng tôi chẳng phải đắn đo nhiều để chọn miền Trung. Mà cũng duyên lắm. Chuyến nào đi dọc dải đất “nắng cháy” này trời cũng như “đổ lửa”. Hành trình nào “đồng hành” cũng những chiếc xe Nissan cũng là hành trình dài và đầy thú vị.
Đến phố núi Hương Khê
Phải nói ngay rằng, tôi rất “kết” những chiếc xe của Nissan. Tôi đã từng có dịp trải nghiệm gần như đầy đủ dải sản phẩm của hãng xe Nhật Bản tại thị trường Việt Nam. Đó đều là những hành trình cảm nhận xe dài ngày, đi qua nhiều cây số. Tôi sẽ còn nhớ lắm một Sunny vượt hơn 700 km cả đi và về từ Sài Gòn ra Phú Quốc, một Navara lăn bánh hơn 1.000 km lên đỉnh Lũng Cú (Hà Giang) rồi trở về, một Teana hoàn thành quãng đường 800km Hà Nội – Trà Cổ - Hà Nội. Càng đi, càng thấy xe Nissan bền bỉ, mạnh mẽ và không kém phần an toàn.
Hành trình cùng 2 phiên bản Nissan X-Trail dọc dải đất Bắc miền Trung từ Hà Nội vào Huế và ngược lại hứa hẹn cũng sẽ đáng nhớ.
Hành trình cùng 2 phiên bản Nissan X-Trail dọc dải đất Bắc miền Trung từ Hà Nội vào Huế và ngược lại hứa hẹn cũng sẽ đáng nhớ như thế. Đoàn 5 người chúng tôi xuất phát ở Hà Nội từ 7h sáng, cùng 3 chiếc xe mang thương hiệu Nissan. Như rất nhiều chuyến đi khác, chúng tôi “dùng” Navara làm "anh nuôi" cần mẫn, giúp chúng tôi chuyên chở những đồ đạc cần thiết cho hành trình, còn X-Trail là “nhân vật chính” dẫn đường. Chỉ có điều, 5 người mà “phụ trách” tới 3 chiếc xe thì lái có vẻ hơi “oải”. Nhưng kệ, cứ đi rồi sẽ tới, mệt đâu thì nghỉ.
Như rất nhiều chuyến đi khác, chúng tôi “dùng” Navara làm "anh nuôi" cần mẫn, giúp chúng tôi chuyên chở những đồ đạc cần thiết cho hành trình.
Vào Quảng Bình, đi theo tuyến Quốc lộ 1A dĩ nhiên là nhanh nhất, nhưng để có được nhiều trải nghiệm cùng những thước phim đẹp, chúng tôi chọn lộ trình đi dọc đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh). Ngày đầu tiên, chúng tôi di chuyển 450km trên quãng đường từ Hà Nội đến thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh).
Đường Trường Sơn tôi đã đi nhiều, nhưng mỗi lần đi với một tâm thế khác nên cảm xúc cũng khác.Đoạn đầu của con đường huyền thoại tuy có hơi đông đúc, đường xuống cấp và phải sửa chữa nhiều nhưng không vì thế mà chúng tôi phải quá vội. Vì với “vua bán tải” Navara và 2 “chiến binh” X-Trail, lộ trình hơn 400km đi trong ngày là cực kỳ đơn giản. Như thế, chúng tôi càng có thời gian để rong ruổi, tác nghiệp. Các thành viên trong đoàn cũng vì thế mà càng có cơ hội để “học hỏi” cách chạy phối hợp theo đoàn, cách đổ đèo, vượt dốc hay đi on-road sao cho tiết kiệm nhiên liệu và an toàn.
Những cây cầu Cúc Phương I, II, III rồi đến tận VI vượt núi như chiếc lược ôm lấy mái tóc xanh, những cánh rừng cao su bạt ngàn, những con đường cứ uốn lượn, những cánh đồng bát ngát cỏ nuôi bò sữa… Mọi địa danh, mọi cảnh vật đều đã quá quen thuộc nhưng “gặp lại” nhiều lần mà mãi chẳng thấy chán.
Cảnh hai bên nhìn đã thích, lái X-Trail trên đường trường còn thích nữa. Đoạn từ Ngọc Lặc (Thanh Hóa) – Tân Kỳ (Nghệ An) có chất lượng mặt đường tốt hơn, lại thưa phương tiện hơn, thế nên cứ vút chân ga theo đúng tốc độ cho phép mà “phóng”. Băng lướt ở tốc độ cao nhưng tôi vẫn vô cùng tự tin bởi khả năng vận hành của X-Trailthực sự ấn tượng.
Càng đi, con đường càng trở nên quanh co, lên xuống chập chùng. Mỗi khi qua đường dốc, duy trì một mức chân ga nhưng hộp số vô cấp CVT vẫn chủ động để tăng mô-men vượt dốc mà xe không bị giật cục. X-Trail tạo cảm giác an toàn qua từng khúc cua, có những đoạn vắng có thể ôm cua ở tốc độ cao, tiếng lốp miết ken két nhưng xe vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Cảm giác lái rất thật, sau vô-lăng của xe, tôi có thể cảm nhận được rõ từng phản hồi của mặt đường và việc điều chỉnh góc lái cực kỳ chính xác.
“Nắm” vô-lăng trên con đường khi thẳng băng, khi uốn lượn, cuối cùng thì “phố núi Hương Khê” cũng hiện ra trước mặt.
“Nắm” vô-lăng trên con đường khi thẳng băng, khi uốn lượn, cuối cùng thì phố núi Hương Khê cũng hiện ra trước mặt. Đến Hương Khê lúc nắng chiều đã ruộm vàng cả một vùng trời. Sau khi tìm khách sạn, ăn tối, chúng tôi đi ngủ sớm để ngày hôm sau vượt đèo Đá Đẽo, qua Phong Nha, ra phố biển Đồng Hới (Quảng Bình).
Vượt đèo Đá Đẽo
Từ thị trấn miền núi Hương Khê, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình bằng cách đi dọc theo nhánh Đông Trường Sơn đến Quảng Bình. Hai bên ven con đường với 2 làn xe chạy nay đã trở nên nhộn nhịp hơn, hơi thở của nhịp sống hiện đại đã lan toả về những thị trấn chúng tôi đi qua. Dẫu vậy, mật độ xe lưu hành thưa thớt, chỉ có xe địa phương và những du khách ưa khám phá thì mới chọn cung đường này để xuyên Việt.
Từ thị trấn miền núi Hương Khê, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình bằng cách đi dọc theo nhánh Đông Trường Sơn đến Quảng Bình.
Từ địa phận Tuyên Hoá vào đến Phong Nha, con đường trải dài như không có điểm kết, lúc chập chùng, lúc quanh co qua đèo Đá Đẽo. Hai bên là vẻ xanh mát mắt của cỏ cây hoa lá càng tạo thêm sự thoải mái cho người cầm lái. Cậu quay phim đi cùng xe với tôi, vì thấy cảnh đẹp mà lúc nhảy lên ngồi ghế phụ, lúc xuống ghế sau để tiện tác nghiệp. Nhờ X-Trail được trang bị điều hòa tự động 2 vùng độc lập lại thêm cửa gió cho hàng ghế sau, nên ở vị trí nào cậu ấy cũng phải thừa nhận là cảm thấy rất mát mẻ dù ngoài trời “nắng như thiêu”.
Chúng tôi vượt đèo Đá Đẽo khi mặt trời treo trên đỉnh đầu. Khu vực đèo Đá Đẽo địa hình đa dạng gồm đồi núi, thung lũng xen kẽ và bị chia cắt có chiều dài 16km với một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Càng lên phía đỉnh, hai tai càng ù vì chênh lệch áp suất.
Ở những khúc cua ngặt, xe “ôm” rất tròn, bánh xe như bám lấy mặt đường dù đi ở tốc độ cao.
Đây cũng là lúc tôi kiểm chứng khả năng đổ đèo, vào cua của X-Trail. Ở những khúc cua ngặt, xe “ôm” rất tròn, bánh xe như bám lấy mặt đường dù đi ở tốc độ cao. Điều này có được là nhờ sự can thiệp của hệ thống kiểm soát khung gầm với ba công nghệ kiểm soát lái chủ động (ARC), phanh động cơ chủ động (AEB) và kiểm soát vào cua chủ động (ATC). Nó giúp tôi dễ dàng làm chủ tốc độ và giữ cho xe luôn đi đúng quỹ đạo, tăng độ bám đường. Tôi điều khiển xe liên tục di chuyển ở tốc độ 80km/h. Ở dải tốc độ này, nếu tiếp tục nhấn ga khi cần vượt những chiếc công-ten-nơ dài ngoằng, X-Trail vẫn tăng tốc tốt dù xe sử dụng hộp số CVT.
Xe chạm đến đỉnh đèo bất chợt gặp làn gió nóng thổi ngang mặt, phía đằng xa, một tấm bia đá to với dòng chữ: “Đèo Đá Đẽo, trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ từ năm 1965 đến 1972”. Đá Đẽo giờ đây yên bình và lặng lẽ giữa rừng, cây xanh đã phủ kín những dấu vết tàn phá của bom thả, bom ném, bom phá năm xưa. Khí hậu nơi đây rất khắc nghiệt, mùa nắng thì gió Lào, mùa mưa lũ lụt, đông về thì mưa dầm, mưa dề. Thi thoảng mới gặp những chuyến xe chở khách du lịch cùng cái thú du ngoạn giữa rừng xanh thăm thẳm. Khuôn mặt kẻ lữ hành bỗng trở nên hồ hởi khi gặp những bạn đồng hành. Ai đó đưa tay vẫy chào thay cho lời ước hẹn gặp nhau tại điểm đến.
Thế Đạt
Ảnh: Lê Hùng
Ý kiến đánh giá