Chủ Nhật, 15/12/2024 | 02:59
11:35 |
Ôtô điện Việt Nam, ra đường khó mà chạy nổi
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang lên kế hoạch đầu tư sản xuất xe điện tại Việt Nam. Song đến nay, hạ tầng để phát triển xe điện vẫn chưa có gì. Hệ thống trạm điện chưa có, xe điện khó chạy nổi ra đường.
Tham vọng ôtô điện
Siêu xe điện Tesla Model X trị giá 12 tỷ vừa được nhập về Việt Nam. Theo công bố của nhà sản xuất, chiếc xe này có thể di chuyển quãng đường 295 dặm, tức hơn 400 km, thì hết bình điện và cần khoảng 8 tiếng để sạc đầy pin.
Ước tính quãng đường, nếu lái xe từ TP.HCM ra Nha Trang, thì vừa hết điện. Để xe điện hoạt động bình thường đòi hỏi phải có hệ thống các điểm sạc pin, được bố trí với mật độ tương đương các trạm xăng hiện nay. Nơi đây phải có không gian rộng, cho phép xe dừng sạc pin, đồng thời cung cấp các dịch vụ cho chủ xe ngồi chờ. Các điểm sạc pin không được phép mất điện.
Bao giờ Việt Nam mới có ôtô điện?
Ở Việt Nam hiện chưa có hệ thống này. Vì vậy, nếu lái xe điện từ TP.HCM ra Nha Trang phải rất tiết kiệm, có thể không sử dụng điều hòa, giữ dải tốc độ ổn định, không vọt ga, phanh gấp,... Nếu chẳng may gặp tắc đường, lại không thể tắt máy, thì có nguy cơ dừng hành trình giữa đường.
Xét tình huống như vậy thì chẳng ai muốn lái ô tô điện, cứ xe xăng mà chạy cho thoải mái, chẳng phải lo nghĩ gì. Những chiếc ô tô điện nhập về Việt Nam hiện nay có chạy cũng chỉ loanh quanh trong thành phố, với khoảng cách khoảng hơn 100 km trở lại, rồi lại nhanh chóng về nhà để nạp điện. Hạ tầng cho xe điện chưa có thì dùng xe điện chỉ để “làm cảnh”, còn xe chạy xăng, dầu vẫn là chính.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài lại đang nung nấu kế hoạch đầu tư vào sản xuất xe điện tại Việt Nam.
Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư Thanh Hóa 2017 đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn DiMora Enterprises, LLC (Mỹ) với UBND tỉnh Thanh Hoá về việc xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện đầu tiên ở Việt Nam.
Theo nội dung bản ghi nhớ, tổng đầu tư dự sẽ án này khoảng 500 triệu USD. Nhà máy dự kiến xây dựng tại Khu kinh tế Nghi Sơn, với công suất ban đầu khoảng 10.000 xe/năm, giai đoạn tiếp theo có thể tăng lên 50.000/năm, chủ yếu là các dòng xe điện 5-7 chỗ ngồi.
Hệ thống hạ tầng, đặc biệt là các trạm sạc pin, là điểm yếu của Việt Nam
Trước đó, ngày 15/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tiếp ông Alfred J. DiMora, Giám đốc điều hành Dimora Enterprises, khi ông sang Việt Nam khảo sát thị trường, chuẩn bị cho việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô điện, bước đầu cung cấp taxi chạy điện cho Tập đoàn Mai Linh.
Mitsubishi Motor (Nhật Bản) cũng muốn đầu tư làm ô tô điện tại Việt Nam. Tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây, ông Osamu Masuko, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn này, bày tỏ ý định phát triển sản phẩm công nghệ tiên tiến về ô tô sử dụng điện tại Việt Nam. Ông Osamu Masuko cho rằng, sản phẩm này phù hợp với thị trường Việt Nam, với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Một số nguồn tin còn cho biết, Công ty IMG Innovations, thành viên của Tập đoàn IMG ( Mỹ), cũng bày tỏ ý định triển khai dự án phát triển ô tô điện Tesla ở Việt Nam.
Điểm yếu hạ tầng
Tập đoàn Mai Linh tháng 4/2016 đã ký kết hợp đồng mua 100 chiếc ôtô chạy điện của hãng Renault (Pháp) về kinh doanh taxi. Những chiếc xe điện này có công suất 95 mã lực, đạt vận tốc tối đa 135 km/h, chạy được 200 km trên một lần sạc. Kế hoạch trong 5 năm sau đó, Mai Linh sẽ thay thế khoảng 10.000 đến 20.000 ô tô chạy điện để làm taxi.
Tuy nhiên, một số nguồn tin tiết lộ rằng các lái xe không đồng tình với kế hoạch này vì tính toán hiệu quả kinh doanh thấp. Xe chỉ chạy trong quãng đường ngắn, thời gian sạc đầy pin lâu và thiếu các trạm sạc trên đường. Nếu xe đang chở khách, hết điện sẽ thế nào? Thời gian sạc pin lâu cũng ảnh hưởng đến việc đi lại của khách, giảm thời gian hoạt động của xe... Vì vậy, đến nay vẫn chưa thấy chiếc ô tô điện nào kinh doanh taxi.
Phát triển ôtô điện là xu hướng tất yếu trong tương lai
Theo các DN, để thu hút đầu tư và phát triển thị trường xe điện, cần có chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng.
Để đầu tư một trạm sạc pin, chi phí còn lớn hơn một trạm bán xăng dầu hiện nay. Trạm sạc pin cần có diện tích đủ rộng, trong khi tại các thành phố lớn, việc tìm kiếm được địa điểm vừa ý, rất khó và chi phí thuê đất thường rất cao. Đấy là chưa kể phải đầu tư công nghệ hiện đại, để giảm thời gian sạc.
Nếu Chính phủ bỏ vốn đầu tư sẽ rất tốn kém. Cách tốt nhất là để các DN đầu tư, giống như kinh doanh xăng dầu hiện nay. Tuy nhiên, phải có chính sách hỗ trợ các DN.
Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, Chính phủ cần có chính sách miễn thuế cho DN, để họ có điều kiện đầu tư hạ tầng và qua đó, giúp phát triển ô tô điện tại Việt Nam. Bởi, đây là xu hướng tất yếu trong tương lai.
- Siêu SUV chạy điện Tesla Model X P100D đầu tiên về Việt Nam
- Chi tiết siêu SUV chạy điện Tesla Model X độc nhất Việt Nam
Theo Trần Thủy (VietNamNet)
Ý kiến đánh giá