15:55  | 

Ôtô tại Việt Nam: Sau bão giảm giá là đến mưa dầm?

Sức mua ôtô trên thị trường vẫn chưa được đẩy cao dù cơn “bão” giảm giá đã đi qua. Và để tiếp tục kích cầu, những đợt “mưa dầm” giảm giá lại bắt đầu được dự báo.

Giảm giá chưa từng có

Một sự lạ đã xảy ra khi đồng hồ thời gian nhảy sang năm 2017. Toyota, hãng xe phổ thông vốn dĩ bị coi là “lười” giảm giá nhất thị trường Việt Nam, đã nhanh chóng tung ra một đợt giảm giá bán lẻ với mức giảm từ 47 triệu đồng đến 164 triệu đồng.

Điểm đáng chú ý ở động thái này của Toyota Việt Nam là giá chỉ giảm trên những mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Lý do cơ bản khiến Toyota không thể không giảm giá là thuế nhập khẩu của một số loại ôtô CBU bắt đầu giảm xuống kể từ ngày 1/1/2017.

Cụ thể hơn, theo quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất thuế nhập khẩu các loại ôtô CBU có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên từ các nước nội khối giảm xuống còn 30%, mức thuế suất áp dụng năm 2016 là 40%. Trong danh mục sản phẩm của Toyota, chỉ có duy nhất mẫu xe Yaris được hưởng lợi thế này.

Ôtô tại Việt Nam: Sau bão giảm giá là đến mưa dầm? vietnam-motor-show-1.jpgChưa bao giờ thị trường ôtô Việt Nam có một đợt giảm giá mà hầu hết các thương hiệu đều tham gia và mức giảm giá cho mỗi xe, thấp thì vài chục triệu, cao thì lên đến hàng trăm triệu đồng.

Lý do nữa, theo biểu thuế ban hành kèm Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ, mức thuế suất đối với mặt hàng ôtô CBU nhập khẩu loại 4 bánh chủ động và loại khác theo cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm 2017 là 47% và 58%, mức thuế suất áp dụng trong năm 2016 là 55% và 64%. Các mức thuế suất này được giảm dựa trên thỏa thuận đối xử tối huệ quốc (MFN) thuộc WTO. Theo MFN, có 2 mẫu xe của Toyota là Land Cruier và Land Cruiser Prado được hưởng lợi.

Giống như Toyota, các thương hiệu ôtô nhập khẩu khác cũng được hưởng thuế suất giảm kéo theo giá bán giảm đúng theo quy định của các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và thực hiện.

Nhưng trên thực tế, cơ sở dẫn đến cơn bão giá chưa từng có vừa xảy tại thị trường ôtô Việt Nam không phải là các mức thuế theo cam kết quốc tế mà chủ yếu xuất phát từ sức ép của người tiêu dùng.

Cũng theo quy định tại hiệp định ATIGA, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước nội khối ASEAN sẽ giảm về 0% kể từ ngày 1/1/2018. Chỉ cần duy nhất con số 0% này đã dư sức khiến nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chờ đợi thêm một năm nữa để có thể mua xe giá thấp.

Tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng đã khiến sức mua ôtô trên thị trường rơi vào tình cảnh ảm đạm và mất ổn định. Để kích thích sức mua, từ đầu năm đến nay, hàng loạt các hãng xe phổ thông đã đua nhau tung ra những đợt giảm giá mạnh tay.

Đến như Trường Hải (Thaco), hãng xe đang quản lý hai thương hiệu xe phổ thông Mazda và Kia, vốn đã là một “đại gia” về giảm giá từ năm 2016 cũng vẫn tiếp tục áp dụng các mức giảm giá mới. Thậm chí, hồi giữa tháng 5/2017, một đại diện Thaco từng khẳng định giá xe Mazda và Kia đã xuống đến “đáy” và theo đó, khó có thể giảm thêm được nữa. Thế nhưng sau đó, Thaco vẫn tiếp tục giảm giảm giá trên diện rộng cho các mẫu xe Mazda và Kia.

Khi các thương hiệu có thị phần áp đảo như Toyota, Mazda hay Kia phải vung tay giảm giá nhằm kích cầu thì các thương hiệu khác càng không có lý do để tiếp tục đứng ngoài cuộc.

Kết quả là tính trong giai đoạn nửa đầu năm, hầu hết các thương hiệu ôtô phổ thông, từ Honda, Nissan, GM, Ford, Mitsibishi hay Suzuki… đều đã lao vào góp “gió” cho “cơn bão” giảm giá.

Một thực tế cần thừa nhận, đây chính là cơn “bão” giảm giá có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại thị trường ôtô Việt Nam. Chưa bao giờ thị trường ôtô Việt Nam có một đợt giảm giá mà hầu hết các thương hiệu đều tham gia như vậy. Và mức giảm giá cho mỗi xe, thấp thì vài chục triệu, cao thì lên đến hàng trăm triệu đồng.

Chưa kể, bên cạnh các mức giảm giá được công bố, các nhà phân phối còn sẵn sàng cắt bớt hoa hồng đại lý và hoa hồng nhân viên bán hàng để dùng làm “quà tặng” cho người tiêu dùng. Cái đích cuối cùng của những đợt giảm giá là kích thích sản lượng sản xuất và bán hàng, đảm bảo doanh số.

Tuy nhiên, dù giá xe có giảm mạnh mà như nhận định, đã giúp giá bán lẻ ôtô phổ thông ở Việt Nam rất sát với mặt bằng chung của khu vực, sức mua ôtô trên toàn thị trường vẫn chưa thể cải thiện.

Thậm chí, theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường tháng 7/2017 chỉ đạt 20.662 chiếc, giảm đến 15% so với tháng liền trước và giảm đến 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Một con số không vui với các hãng xe.

Tiếp tục giảm giá?

Thị trường ôtô Việt Nam giai đoạn 7 tháng 2017 cho thấy một thực tế là giá xe vẫn luôn là một vấn đề nhạy cảm. Khi mức thuế suất 0% treo phía trước, chưa cần biết khả năng giảm giá từ thuế có diễn ra tương xứng hay không, tâm lý của nhiều người tiêu dùng vẫn rất vững vàng.

Và trong bối cảnh bão giá chưa thể kích thích sức mua, một câu hỏi đặt ra lúc này là liệu các hãng xe có tiếp tục tiến hành giảm giá?

Theo nhận định, khả năng các hãng xe tiếp tục tiến hành giảm giá nhằm kéo bằng được người tiêu dùng trở lại với thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra. Vấn đề là sau bão giá sẽ là một cơn bão nữa, hay chỉ là những đợt “mưa dầm”.

Cho đến lúc này, đại diện nhiều hãng xe đều cho rằng giá bán lẻ của đa số các loại ôtô phổ thông đã xuống rất thấp, một vài loại xe đã đến đáy. Bản thân nhiều hãng xe cũng từng khẳng định đã và đang sẵn sàng cắt hết lợi nhuận để đánh đổi doanh số.

Thực tế thị trường đang đẩy các hãng xe đến một tình thế khó khăn là nếu dừng giảm giá, sức mua ôtô sẽ tiếp tục đi xuống; còn nếu tiếp tục giảm giá thì giảm thế nào sau khi đã dồn lực cho đợt “bão” giá vừa qua?

Khả năng có thể xảy ra nhất cho giai đoạn còn lại của năm 2017 là các hãng xe sẽ tính toán để tiếp tục giảm giá. Tuy nhiên, các mức giảm sẽ không còn cao như trước và thay vào đó là giảm nhỏ giọt và giảm từng đợt. Cùng với giảm giá, các hãng xe cũng sẽ tìm cách kích cầu bằng những chương trình khuyến mại thông qua hình thức quà tặng phụ kiện hay trang bị công nghệ.

Tình huống này dường như đã bắt đầu được khởi động. Mới đây nhất, Nissan Việt Nam đã tiến hành kích cầu cho mẫu xe bán tải Navara bằng hình thức hỗ trợ 2% lệ phí trước bạ cho người tiêu dùng, tương ứng số tiền từ 13,3 đến 16,3 triệu đồng tùy từng loại xe.

Sau Navara có thể sẽ đến các mẫu xe khác như X-Trail hay Sunny, sau Nissan có thể sẽ là những hãng xe khác như Mazda, Kia, Toyota hay Honda và Ford… Dù giá khó có thể giảm ở mức cao như giai đoạn nửa đầu năm song nếu cộng dồn lại, xem như người tiêu dùng đang đứng trước cơ hội mua xe giá thấp.

Theo Đức Thọ (VnEconomy)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm