Chủ Nhật, 19/01/2025 | 06:00
10:59 |
Thị trường ôtô rầm rập khuyến mãi
Nhiều chương trình khuyến mãi liên tiếp được tung ra, trong khi bán hàng có sự chậm lại, cho thấy thị trường ô tô đang có dấu hiệu chờ đợi mốc năm 2018.
Tháng nào cũng khuyến mãi
Nissan Việt Nam là doanh nghiệp tham gia thị trường ô tô muộn nhất trong số các tên tuổi đang hiện diện tại Việt Nam, nhưng từ tháng 4/2017 trở lại đây, doanh nghiệp này đều đặn tung ra chương trình khuyến mãi vào đầu tháng.
Hồi tháng 4/2017, chương trình khuyến mãi của Nissan Việt Nam có tổng giá trị lên tới 70 triệu đồng/xe, sang tháng 5 là những chương trình khuyến mãi có trị giá cao nhất là 30 triệu đồng/xe. Tới tháng 6, tháng 7, các dòng xe Nissan được áp dụng ưu đãi giảm giá tiền mặt trực tiếp và quà tặng phụ kiện giá trị cho khách hàng mua xe với ưu đãi từ 10 - 45 triệu đồng/xe và tháng 8 mới nhất là khuyến mãi cho 2 mẫu xe bán tải Navara.
Để bán hàng, các hãng xe tung nhiều chiêu khuyến mãi ấn tượng. Trong ảnh: Gian hàng của Toyota tại VMS 2017
Trao đổi với phóng viên, đại diện doanh nghiệp này kỳ vọng, năm bán hàng 2017 sẽ không có khó khăn với Nissan Việt Nam như các năm trước và tiến tới điểm hoà vốn.
Theo thống kê doanh số bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), từ đầu năm tới nay, Nissan đã bán được 1.875 xe, trong khi cùng kỳ năm ngoái bán được chưa tới 800 xe.
Cũng tung ra chương trình khuyến mãi ấn tượng còn có Honda Việt Nam. Hãng xe Nhật này vừa thực hiện chương trình giảm giá tới 192 triệu đồng với mẫu xe Accord. Còn các mẫu Civic có mức giảm giá 52 triệu đồng; CR-V giảm tới 170 triệu đồng.
Đây là mức giảm giá được công bố chính thức từ Công ty Honda Việt Nam, còn nhiều đại lý bán ô tô Honda cũng áp dụng mức chiết khấu tương tự cho khách hàng.
Trong 7 tháng của năm, Honda Việt Nam đã bán được 6.570 xe ô tô, nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái là 1.002 chiếc.
Ấn tượng nhất phải nhắc tới mẫu xe Mazda CX-5 do Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) lắp ráp. Từ ngày 9/8, giá bán xe CX-5 đã giảm về dưới 800 triệu đồng cho bản thấp nhất và chỉ hơn 900 triệu đồng cho phiên bản cao nhất. Đáng chú ý, những chiếc Mazda CX-5 được ưu đãi kể trên đều là những phiên bản được sản xuất năm 2017, chứ không giống những chiếc xe tồn từ năm 2016 về trước.
Ngân sách lo thất thu
Điều dễ nhận thấy là biến động trên thị trường ô tô đã tác động trực tiếp tới nguồn thu ngân sách tại một số địa phương có hoạt động sản xuất ô tô.
Theo ông Trần Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2017, dự toán thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam là 18.166 tỷ đồng, nhưng dự báo, nguồn thu sẽ sụt giảm do chính sách thuế ô tô thay đổi. Chỉ với riêng Thaco - doanh nghiệp đóng góp lớn nhất trong nguồn thu của tỉnh Quảng Nam, số thu dự kiến giảm khoảng 2.084 tỷ đồng trong năm 2017, do tác động từ việc bán hàng và chính sách thay đổi.
Không chỉ Quảng Nam, với Vĩnh Phúc - địa phương có thu ngân sách chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp ô tô, xe máy cũng nhìn thấy rõ khó khăn. 6 tháng đầu năm 2017, thu ngân sách của Vĩnh Phúc đạt 13.460 tỷ đồng, bằng 40% dự toán và giảm 4% so với cùng kỳ năm 2016; ước cả năm 2017 đạt khoảng 28.170 tỷ đồng, hụt thu khoảng 5.700 tỷ đồng so với dự toán.
Lý giải nguyên nhân khiến thu ngân sách năm 2017 dự báo giảm mạnh, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Trì cho rằng, do 2 doanh nghiệp chủ lực đóng góp vào ngân sách tỉnh là Công ty Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh, không sản xuất xe trong nước mà chuyển sang nhập khẩu 2 dòng xe Fortuner, Civic để ứng phó với sự thay đổi về chính sách thuế, khi thuế nhập khẩu xe từ các nước ASEAN xuống 0% vào năm 2018.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, riêng dòng Honda Civic chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu 1.200 chiếc; mẫu xe Toyota Fortuner (một trong các dòng xe phổ biến nhất ở Việt Nam) cũng nhập về 7.700 chiếc. Trong khi đó, nếu sản xuất và lắp ráp trong nước, với mỗi xe, tỉnh thu được 300 triệu đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận thực tế, đang có sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất tại các doanh nghiệp liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô, để đón thời cơ và ứng phó khi thuế suất nhập khẩu từ các nước ASEAN về 0% từ đầu năm 2018.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu kiến nghị, Chính phủ nên sớm tính lại thuế nhập khẩu linh kiện cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và áp dụng mức thuế này sớm hơn thời điểm 1/1/2018, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lĩnh vực này tận dụng thời cơ sản xuất, kinh doanh, hay tính lại những bất cập đang được áp dụng cho xe bán tải khi xem dòng xe này như xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi.
Trước thực tế này, câu hỏi nóng là bao giờ Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô được ban hành vẫn chưa có câu trả lời chính thức, dù thời điểm áp dụng được đề ra là từ ngày 1/7/2017. Bên cạnh đó, dù Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng đã có tổng hợp, tính toán về những bất cập liên quan đến các chính sách thuế với ô tô, nhưng những thay đổi còn phải chờ Quốc hội quyết định.
Theo Hoàng Nam (Baodautu)
Ý kiến đánh giá