09:04  | 

Vì sao hiện tượng thủy kích cực kì nguy hiểm cho động cơ xe?

Vào mùa mưa, nhất là ở một nước nhiệt đới như Việt Nam, hiện tượng ngập úng tại các tuyến phố trọng điểm không còn quá xa lạ. Đây chính là nguy cơ tiềm tàng cho hiện tượng thủy kích động cơ, đặc biệt đối với những chiếc hatchback hay sedan với máy móc và gầm bệ thấp.

Thủy kích là một hiện tượng khá phổ biến, xảy ra khi có chất lỏng tràn vào buồng đốt làm cho xe chết máy. Do chất lỏng rất khó nén (không như hỗn hợp xăng và không khí thông thường) nên piston trong xy lanh không thể đẩy xuống để hoàn thành 1 chu kì khiến động cơ ngừng hoạt động.

Vậy đâu là nguyên nhân gây ra hiện tượng thủy kích? Lí do đầu tiên và dễ xảy ra nhất chính là nước tràn vào hệ thống hút gió động cơ (air intake). Việc lưu thông trên những con phố ngập úng là nguy cơ rất lớn gây ra hiện tượng này, đặc biệt với những mẫu xe với air intake đặt thấp như sedan hay hatchback. Ngoài ra, cũng có thể do nước làm mát động cơ chảy vào buồng đốt, hậu quả của việc đầu gioăng quy-lát (head gasket) bị hư hỏng hoặc nứt vỡ - người ta hay gọi là thổi gioăng quy lát.

Vì sao hiện tượng thủy kích cực kì nguy hiểm cho động cơ xe? 001-rolls-royce-ghost-flooded.jpgTài xế cần chủ động và tỉnh táo khi tham gia giao thông, tốt nhất là tránh mọi cuộc “bơi lội” khi có thể. 

Việc thủy kích ảnh hưởng nhiều hay ít tới động cơ còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như tình trạng hoạt động của động cơ khi có nước tràn vào. Nếu tài xế đang cho xe chạy không tải (khi xe dừng đỗ trong khi vẫn mở máy) thì khi gặp thủy kích, động cơ sẽ ngừng hoạt động và thường sẽ không thể khởi động lại bằng thao tác đề máy thông thường. Đây là trường hợp “nhẹ nhàng” và ít gây tổn hại cho xe nhất.

Không may nếu thủy kích xảy ra khi vòng tua máy cao, hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Tùy thuộc vào độ sâu của nước và vị trí đặt air intake của động cơ, nước có thể tràn vào một hoặc nhiều xy lanh. Có trường hợp chỉ một xy lanh dính nước, xe vẫn có thể chạy được một quãng đường nữa do những xy lanh còn lại vẫn cung cấp đủ công suất cho xe. Nhưng nếu lưu thông ở tốc độ cao, thường máy xe sẽ đột ngột dừng lại.

Hậu quả ở những trường hợp như vậy là cực kì nguy hiểm. Nước khiến piston không thể di chuyển dọc xy lanh nhưng vẫn chịu lực đẩy của trục cam làm cong cần piston, các te và ổ đỡ trục khuỷu bị hư hỏng, thậm chí nặng hơn lốc máy có thể bị nứt vỡ và phải thay mới động cơ hoàn toàn. Chi phí sửa chữa trong những tình huống này là rất lớn, và dù không phải thay động cơ thì nguy hiểm tiềm tàng do hiện tượng gỉ sét xy lanh và các chi tiết máy luôn đe dọa khả năng hoạt động ổn định của chiếc xe, chưa kể ảnh hưởng của nước tới các bộ phận điện.

Chính vì vậy, tài xế cần chủ động và tỉnh táo khi tham gia giao thông, tốt nhất là tránh mọi cuộc “bơi lội” khi có thể. Đối với những chiếc xe gia đình phổ thông hiện nay, độ cao nước 20-25cm là mức an toàn  có thể vượt qua. Trong trường hợp bất khả kháng bắt buộc phải lội nước, duy trì tâm lí bình tĩnh, nhấn đều ga chạy chậm ở số 1, tránh tăng ga đột ngột và dùng côn xe (với xe số sàn).

Hãy cố gắng đề cảnh giác và tắt ngay động cơ khi thấy có dấu hiệu bất thường, giảm thiểu tối đa lượng nước tràn vào động cơ, đặc biệt là không được cố gắng đề máy xe trở lại trừ khi chắc chắn nước đã rút hết khỏi buồng đốt bằng cách tháo bugi và kim phun. Trong những trường hợp “nhẹ nhàng” như vậy thường sẽ quan sát được nước tràn ra khỏi xy lanh và sau đó xe hoạt động bình thường trở lại. Nếu không chắc chắn về tình trạng xe, tốt nhất là tìm mọi cách đẩy xe lên vị trí cao ráo và gọi cứu hộ đến xử lí, tránh việc tràn nước làm hỏng nhiều chi tiết máy khác.

quangnguyen (forum.autodaily.vn)

Tags:

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm