Thứ Sáu, 22/11/2024 | 08:44
07:05 |
“Kịch bản” nào cho “cuộc chiến” CR-V và CX-5?
“Cuộc chiến” giữa Honda CR-V và Mazda CX-5 tại Việt Nam dường như không có hồi kết. Những động thái, chiến lược về giá tiếp theo của từng hãng luôn khiến người ta tò mò, tạo ra một diễn biến rất đáng xem.
Honda CR-V và Mazda CX-5 là những mẫu xe thuộc dòng crossover được lòng nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi người ta luôn có những cuộc so sánh giữa 2 mẫu xe này trên mọi góc độ từ doanh số bán hàng, các tính năng mới, khả năng vận hành và những cải tiến về động cơ.
Cả Honda, Trường Hải đều không để cho nhau một phút “nghỉ ngơi”. Họ “nghe ngóng” mọi động thái từ “đối thủ”. Hễ một mẫu xe chiếm lợi thế để vươn lên về doanh số thì ngay lập tức, bằng cách này hay cách khác, “kẻ chạy chung đường đua” sẽ bám đuổi, thậm chí vượt lên.
Mới đây nhất, CR-V 5+2 – một thế hệ mới tinh của mẫu xe “ăn khách” nhà Honda ra mắt hôm 13/11. Đó là một lời “đe dọa” dành cho CX-5. Không chịu kém cạnh, 5 ngày sau (ngày 18/11), Mazda ra mắt CX-5 mới.
CR-V có động cơ VTEC TURBO thì CX-5 có động cơ SkyActiv với những công nghệ hiện đại không kém.
Cả 2 đều “ngập tràn” công nghệ. Mazda CX-5 khiến người dùng yên tâm hơn với hệ thống an toàn Activsense bao gồm các trang bị cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, cảnh báo làn đường, hỗ trợ giữ làn đường, màn hình HUD, tính năng khởi động xe không dùng chìa khóa, cảm biến đậu xe phía trước, nhận diện tín hiệu giao thông.
CR-V không được trang bị các công nghệ hỗ trợ lái xe như CX-5, nhưng có ghế da, cốp điện và cửa sổ trời toàn cảnh lớn. Thêm vào đó, xe còn có chế độ khóa cửa tự động khi người lái cầm chìa khóa ra khỏi vùng cảm biến, Hệ thống cảnh báo chống buồn ngủ lần đầu được sử dụng.
Cả hai sản phẩm này đều trang bị hệ thống phanh tay điện tử, hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hệ thống cân bằng điện tử.
Mazda CX-5 khiến người dùng băn khoăn vì không có lựa chọn cho bản 5+2 chỗ ngồi. Bù lại, mẫu xe này lại có phiên bản AWD, trong khi tại Việt Nam, CR-V không có phiên bản này.
Nếu đem từng chi tiết thiết kế, trang bị công nghệ, tính năng, động cơ ra để “so kè” thì thật khó để kết luận mẫu nào vượt trội hơn mẫu nào. Do đó, chiến lược về giá sẽ trở nên vô cùng quan trọng.
Honda ra mắt CR-V trước vài ngày, và hãng xe Nhật đã rất “khôn ngoan” khi chưa công bố giá cụ thể cũng như tùy chọn phiên bản. Họ đưa ra mức giá dự kiến dưới 1,1 tỷ đồng để chờ Trường Hải công bố giá cho CX-5 rồi mới tính “nước đi” tiếp theo trong “ván cờ” về giá.
Đúng như dự đoán, Thaco “tung” CX-5 ra thị trường với giá bán lần lượt 879 triệu đồng cho bản 2.0L 2WD (mức giá này sẽ giảm xuống còn 859 triệu đồng áp dụng từ 1/1/2018), 939 triệu đồng cho bản 2.5L 2WD và 989 triệu đồng cho bản 2.5L AWD. Hiện mức giá bản cao nhất của Mazda CX-5 2018 thấp hơn giá CR-V mà Honda vừa đưa ra chung chung (dưới 1,1 tỷ đồng).
Vậy “bước” tiếp theo trong việc “chốt” giá của Honda sẽ như thế nào?
Nếu Honda “để” giá CR-V thấp hơn hoặc bằng CX-5. Đó có thể sẽ là một sai lầm. Honda sẽ tự làm khó mình nếu “cuốn theo lối chơi” của Thaco. Trường Hải sẽ “chơi” đến cùng theo phong cách “đối thủ giảm, mình giảm hơn”. Nếu cuộc “chạy đua giảm giá” tiếp tục thì chẳng hãng xe nào có lợi cả.
“Nước đi” sáng nhất của Honda là để giá CR-V cao hơn CX-5 khoảng 30 đến 50 triệu đồng, đồng thời đưa thêm phiên bản AWD về Việt Nam (thứ mà họ đang còn thiếu và bất lợi so với đối thủ). Đây là giải pháp an toàn và khôn ngoan và cũng là cách định giá truyền thống của Honda. Với cách này, Thaco cũng chẳng dại gì mà tự mình giảm giá quá sâu để bị bớt đi lợi nhuận.
Như đã nói, “cuộc chiến” giữa CR-V và CX-5 là “cuộc chiến” toàn diện và thật khó đoán định. Thế nên, những diễn biến phía trước dự đoán sẽ chứa đựng nhiều bất ngờ và thú vị.
Thế Đạt (forum.autodaily.vn)
Ý kiến đánh giá (5)