Thứ Sáu, 22/11/2024 | 14:04
10:06 |
5 nguyên nhân khiến ôtô bị rung, lắc khi vận hành
Hiện tượng rung lắc khi chạy xe tuy không gây ra nguy hiểm nhưng lại tạo cảm giác khó chịu cho những người ngồi bên trong xe. Vậy nguyên nhân do đâu?
Mỗi chiếc xe được cấu thành từ hàng ngàn các chi tiết nên việc biết chính xác nguyên nhân là điều không hề dễ dàng, tuy nhiên hiện tượng rung lắc xe có thể xuất phát từ những lý do chủ yếu sau:
1. Lốp xe
Sau một thời gian làm việc lốp bị mòn không đồng đều, do đó, trên bề mặt lốp sẽ xuất hiện những “điểm nặng” và “điểm nhẹ”. Nếu “điểm nặng” ở giữa mặt lốp sẽ làm cho xe bị nẩy lên khi xe chạy, còn trong trường hợp “điểm nặng” nằm ở mặt bên của lốp thì lốp xe được gọi mất cân bằng “động”. Điều này làm cho lốp xe bị lắc lư qua lại khi xe chạy, giống như khi chúng ta quay một vật tròn bị khuyết hoặc gắn thêm quả nặng vào.
Hiện tượng này có thể khắc phục một cách dễ dàng nhờ vào các thiết bị cân bằng động lốp được sử dụng trong các cửa hàng sửa chữa, theo đó người kiểm tra sẽ gắn thêm các cục chì nhỏ có trọng lượng khác nhau với vào các “điểm nhẹ” cho phù hợp.
Các hệ thống treo hiện đại ngày nay nhẹ hơn, giúp xe bám đường và cho người lái cảm nhận tốt hơn về điều kiện mặt đường. Tuy nhiên điều này cũng làm các rung động được truyền vào trong khoang hành khách dễ dàng hơn. Việc mất cân bằng lốp xe bắt đầu được cảm nhận ở tốc độ khoảng 50 km/giờ và nhận thấy rõ nhất ở tốc độ khoảng 80 km/giờ. Nếu rung động cảm nhận đến từ tay lái thì cần kiểm tra lốp xe phía trước, nếu rung động cảm nhận nhiều hơn ở các ghế xe, thì các lốp xe phía sau nên được cân bằng.
2. Vành xe
Khi chạy xe, vành bị va với lề đường có thể không gây hư hỏng nhưng nếu bạn chú ý có thể sau đó xe chạy bị rung. Điều này là do vành bánh xe hay bán trục bị cong làm cho chuyển động quay của bánh xe không còn đúng quỹ đạo gây ra rung động hoặc đơn giản là bị văng mất các thanh trì sử dùng khi cân bằng động.
Việc vành bánh xe hay trục bị cong có thể kiểm tra bởi một kỹ thuật viên sử dụng thước đo để đo độ lệch. Hầu hết các nhà sản xuất cho phép không quá 1/32 của 1 inch độ lệch. Vành bánh xe bằng thép có thể làm cho thẳng. Vành bánh xe bằng nhôm (vành đúc) thì phải thay mới.
3. Hệ thống phanh
Rung động xảy ra khi đạp phanh cho thấy trống phanh hoặc đĩa phanh có thể bị cong, vênh hoặc mòn không đồng đều trên bề mặt. Ngoài ra thì nếu bề mặt trống phanh hoặc đĩa phanh bị bám bụi bẩn quá nhiều cũng có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Điều này rõ ràng nhất khi xe đang di chuyển ở tốc độ cao, vì khi đó các chi tiết quay này chịu lực tác động không đồng đều từ má phanh gây ra lực va đập lớn gây nên hiện tượng rung, giật. Để khắc phục việc này thì thường kỹ thuật viên phải tháo đĩa phanh hoặc trống phanh ra, làm sạch, nắn lại nếu bị cong vênh.
Nếu nguyên nhân đến từ việc mài mòn không đều thì giải pháp là đưa vào máy tiện cắt bỏ lớp bên ngoài giúp cho bề mặt này phẳng đều và trơn tru, việc này không những giúp tránh được hiện tượng rung mà còn giúp phanh trở nên “ăn” hơn do loại bỏ được lớp kim loại bị chai cứng ở trên bề mặt. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng cách này vì như vậy sẽ làm giảm tuổi thọ của đĩa phanh hoặc trống phanh do càng vào bên trong các lớp kim loại càng nhanh bị mài mòn do công nghệ tôi, ram sau gia công chỉ tốt ở ngoài bề mặt.
4. Hệ thống truyền lực
Hệ thống truyền lực bao gồm một cụm các chi tiết như: hộp số, trục các-đăng, các khớp nối, truyền lực chính, vi-sai…dùng để truyền chuyển động từ động cơ tới các bánh xe. Trong suốt quá trình làm việc, các chi tiết này tham gia các chuyển động quay liên tục vì vậy sự hư hỏng hoặc mài mòn của các chi tiết trong cụm này cũng có thể gây ra rung, lắc xe.
Mòn hoặc lỏng khớp chữ thập các-đăng có thể là nguyên nhân gây rung động, đặc biệt trong quá trình tăng hoặc giảm tốc độ. Điều này là dễ hiểu vì tốc độ quay của trục các-đăng lớn gấp 3-4 lần so với tốc độ quay của bánh xe. Kiểm tra các khớp các-đăng nếu rơ lỏng thì nên được thay thế. Tiếp tục sử dụng với một khớp các-đăng mòn có thể làm nó bị vỡ ngoài việc làm rung lắc xe còn gây ra tiếng ồn khó chịu.
5. Động cơ
Mới nghe nhiều người sẽ cho rằng vô lý, đặc biệt là những động cơ hiện đại ngày nay. Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận thực tế, khi động cơ làm việc thì hàng trăm các chi tiết khác nhau của động cơ cùng tham gia chuyển động quay nên mặc dù mỗi động cơ được thiết kế đã được cân bằng một cách tối ưu nhờ các trục cân bằng thì việc cùng tham gia chuyển động của hàng trăm chi tiết khác nhau với tốc độ quay khác nhau vẫn gây ra những rung động nhất định.
Để khử các rung động này thì các nhà sản xuất thường đặt động cơ lên các ụ cao su còn gọi là cao su chân máy nên chúng ta thường thấy gần như không có rung động khi các xe còn mới. Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng thì các ụ cao su này sẽ giảm dần sự đàn hồi dẫn đến hiện tượng rung có thể xuất hiện một cách từ từ.
Ngoài ra, nếu động cơ xuất hiện hiện tượng bỏ máy (một trong các xilanh không nổ) thì hiện tượng rung, giật sẽ làm cho người ngồi trên xe cảm nhận một cách rõ rệt. Có thể dễ dàng kiểm tra hiện tượng bỏ máy bằng cách lần lượt rút từng đường cao áp ra khỏi bugi ở trên các máy. Nếu khi rút ra mà độ rung của máy không thay đổi thì chứng tỏ máy đó đã không làm việc và ngược lại, lúc đó tùy thuộc vào nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục hiện tượng này.
anhduc_car (forum.autodaily.vn)
Ý kiến đánh giá (2)