Chủ Nhật, 15/09/2024 | 17:32
09:00 |
Điều gì xảy ra nếu giá xe hơi giảm đồng loạt vào năm 2018?
Khi giá xe hơi giảm, người người có thể sở hữu xe hơi. Các thành phố sẽ quá tải và nạn kẹt xe trầm trọng, thiếu bãi đỗ xe. Tuy nhiên xe hơi sẽ giúp phát triển các đô thị vệ tinh.
Năm 2018 bắt đầu cũng là thời điểm nhiều luật, nghị định liên quan tới thị trường ôtô có hiệu lực. Người dùng kỳ vọng với những chuyển biến tích cực, giá xe hơi tại Việt Nam sẽ rẻ, nhiều người có cơ hội mua ôtô. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu giá xe hơi giảm đồng loạt, và số lượng xe hơi tăng đột biến?
Xe hơi không thể 'nhúc nhích' tại các thành phố lớn
Theo Solidiance, tỷ lệ sở hữu xe hơi của người Việt hiện là 16 xe/1.000 dân. Con số này thấp hơn rất nhiều so với Malaysia (341 xe/1.000 dân), Thái Lan (196 xe/1.000 dân) và Indonesia (55 xe/1.000 dân).
Đa phần xe hơi được đăng ký tại các đô thị lớn. Chỉ riêng Hà Nội và TP.HCM đã chiếm 45% lượng xe đăng ký mới hàng năm.
Mặc dù tỷ lệ sở hữu xe hơi thuộc hàng thấp nhất khu vực, tình trạng kẹt xe tại Hà Nội và TP.HCM vẫn rất trầm trọng.
Số lượng xe hơi phát triển quá nhanh khiến nạn kẹt xe thêm trầm trọng.
Theo tờ báo chuyên về kinh tế của Anh, Economist, chỉ 9% đất ở trung tâm Hà Nội được dùng để làm các trục đường chính và phụ, so với tỷ lệ 32% ở vùng Manhattan (New York, Mỹ). Ngân hàng Thế giới hồi năm 2011 từng tính toán rằng, nếu số lượng xe hơi đạt đến mức vừa phải như ở Malaysia, thì toàn bộ thủ đô Hà Nội sẽ bị tê liệt và không thể nhúc nhích.
Tại TP.HCM, tỷ lệ đất giao thông cũng chỉ quanh mức 8%, đạt 30% so với nhu cầu thực tế.
Như vậy, nhu cầu sở hữu xe hơi của người Việt là hoàn toàn chính đáng, nhưng nếu giá xuống thấp tới mức mọi người đều có khả năng sở hữu xe hơi, vấn đề kẹt xe sẽ trở thành bài toán nan giải cho những nhà hoạch định chính sách.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Audience Project, trung bình mỗi ngày một người sở hữu ôtô ở Hà Nội bỏ ra 58 phút và 51 phút ở TP.HCM để vượt qua tắc đường.
Thiếu chỗ đỗ xe
Bên cạnh bài toán khi lưu thông, việc tìm chỗ đỗ xe hơi tại các thành phố lớn cũng là bài toán nan giải. Cũng theo khảo sát của Audience Project, 49% người đang ở hữu xe hơi tại Hà Nội và 53% tại TP.HCM đang cân nhắc có nên sử dụng ôtô nữa không vì những bất cập do phương tiện này mang lại.
Ngoài lý do tắc đường, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là không tìm được chỗ đỗ xe. Tại Hà Nội, 77% người được hỏi cho biết họ thường bị lỡ những việc quan trọng vì loay hoay tìm chỗ đỗ xe, trong khi con số tương ứng tại TP.HCM là 68%.
Tìm chỗ đỗ xe là vấn đề nan giải tại các thành phố lớn.
Ở cả hai thành phố, thời gian trung bình mỗi cá nhân tìm chỗ đỗ là 45 phút. Hơn một nửa số người được hỏi cho biết sẽ không dùng xe hơi nếu không có việc thực sự quan trọng.
Sở hữu xe hơi là nhu cầu chính đáng của người dân nhằm đảm bảo sức khoẻ và an toàn tính mạng, tuy nhiên những bất cập trong quá trình sử dụng là rào cản lớn nhất khiến nhiều người Việt còn ngần ngại khi mua xe.
Phát triển các khu đô thị vệ tinh
Bên cạnh những bất cập mà xe hơi mang lại, việc phát triển thị trường ôtô lớn mạnh, nâng cao tỷ lệ sở hữu xe hơi của người Việt cũng mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Điều đầu tiên là góp phần giãn dân cư khỏi trung tâm đô thị.
Khi người người đều có thể sở hữu xe hơi, người dân có thể sống xa vùng trung tâm, làm việc tại các đô thị vệ tinh, thậm chí cách xa trung tâm hàng trăm km.
Chẳng hạn tại Mỹ, những người thu nhập thấp thường sinh sống ở vùng ngoại thành nhưng di chuyển vào trung tâm làm việc. Việc giãn dân khỏi vùng trung tâm sẽ khiến thị trường bất động sản trung tâm giảm nhiệt, giá đất bình ổn.
Nhiều người sở hữu xe hơi góp phần giãn dân khỏi trung tâm đô thị.
Lấy ví dụ tại TP.HCM, nếu xe hơi trở thành phương tiện phổ biến, người dân có thể sống tại các khu vực Đồng Nai, Bình Dương hay Củ Chi, Long An nhưng vẫn dễ dàng làm việc tại trung tâm.
Chẳng hạn một người sống tại khu vực Long Thành – Dầu Giây chỉ mất khoảng 45 phút để di chuyển về vùng trung tâm, và cuối ngày trở về nhà. Khi áp lực ở khu lõi đô thị giảm xuống, nhà nước sẽ có thêm nhiều đất để phát triển hạ tầng, kích thích phát triển mô hình siêu đô thị.
Lấy ví dụ tại Malaysia, do mật độ giao thông dày đặc ở Kuala Lumpur, chính phủ nước này đã thành lập một thành phố mới tên là Putrajaya, cách trung tâm thủ đô nước này 30 km. Những người dân Putrajaya vẫn có thể hàng ngày đi làm tại Kuala Lumpur và tối về nhà.
Tuy nhiên để làm được điều này, giao thông kết nối giữa trung tâm và các thành phố vệ tinh phải được hoàn thiện, bao gồm hệ thống đường cao tốc và giao thông công cộng.
Sở hữu xe hơi là nhu cầu cần thiết và tất yếu nếu muốn đất nước phát triển theo hướng hiện đại. Những triển vọng giảm giá xe hơi năm 2018 là khả thi. Bên cạnh những hệ luỵ trước mắt, việc phát triển một thị trường ôtô lành mạnh, đưa xe hơi về với giá trị thực được cho là sẽ góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển quốc gia trong dài hạn.
Theo Zing.vn
Ý kiến đánh giá (2)