Thứ Bảy, 18/01/2025 | 19:57
19:59 |
Khách Việt mông lung đợi ôtô giảm giá
Gần nửa năm 2018 đã trôi qua, nhiều người không biết có nên đợi tiếp khi giá xe chưa giảm, thậm chí xe nhập khẩu không có hàng để bán.
Một buổi sáng trung tuần tháng 5/2018, Tiến Đạt bước vào showroom Mitsubishi với hy vọng có xe và sẵn sàng chồng tiền ngay để lấy. Nhân viên bán hàng khiến người kỹ sư xây dựng 43 tuổi làm việc ở TP. HCM thêm một lần thất vọng. "Chỗ em không còn Pajero Sport. Xe nhập Thái Lan chưa chắc về trong tháng 7 mà có thể đến tháng 9", nhân viên đại lý nói.
Đã chạy vài dòng xe của Mitsubishi, Đạt cân nhắc khá nhiều nhưng vẫn lựa chọn sản phẩm của hãng này bên cạnh những cái tên như Toyota Fortuner, Ford Everest. Ý định mua xe có từ 2017 nhưng nghĩ giá xe sẽ giảm vào 2018 nên Đạt chờ đến nay. "Outlander hơi nhỏ, Pajero Sport thì không còn hàng. Đúng là tiến thoái lưỡng nan", chàng kỹ sư xây dựng tặc lưỡi, quay sang nói với cậu con trai đi cùng.
Chưa có nhu cầu ngay như Đạt nhưng Hoài Nam, chủ một tiệm chụp ảnh cưới ở TP. HCM cũng lâm vào thế bị động, không biết mua ngay hay đợi giá xe giảm khi ôtô nhập khẩu có hàng. Xe bán tải hiện không có nhiều lựa chọn, chiếc Nissan Navara bản VL mà anh định mua giá 815 triệu không khuyến mãi, không giảm so với 2017. "Đợi xe giảm giá khi qua Tết đến giờ vô nghĩa. Không biết có nên mua bây giờ hay đợi nữa?", Nam cho biết.
Câu hỏi giá xe liệu có giảm khiến cả khách và nhân viên bán hàng chưa có câu trả lời rõ ràng.
Xe thiếu hàng, giá không giảm
Từ đầu 2018, thị trường ghi nhận doanh số sụt giảm lớn của xe nhập khẩu. Đến hết tháng 4, doanh số toàn ngành giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xe nhập khẩu giảm tới 47%, trong khi xe lắp ráp tận dụng cơ hội để tăng 8%.
Tâm lý phân vân mua hay đợi giá xe giảm của người tiêu dùng Việt không chỉ có ở thời điểm hiện tại mà đã manh nha từ trước đó, khoảng nửa cuối 2017. Lúc ấy, lý thuyết giá xe sẽ giảm khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% khiến nhiều người sẵn sàng chờ. Nhưng thực tế không như kỳ vọng.
Thuế tác động trực tiếp đến giá xe nhưng thời điểm và số lượng hàng nhập lại ảnh hưởng đến nhiều thứ khác. Nghị định 116 yêu cầu Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại VTA khiến các hãng không thể đưa xe về đầu 2018 như tính toán. Xe hiếm, nhiều hãng phải thông quan trong 2017 với thuế nhập khẩu 30%, giá vẫn cao.
Với một số lô mới thông quan trong 2018, thuế 0% nhưng giá cũng không giảm nhiều. Lý do là bởi các hãng cho rằng, trong 2017 đã giảm quá nhiều để kích cầu, hết lãi nên sang 2018 không giảm được nữa. Bên cạnh đó, cầu cao, cung thấp nên đại lý sẵn sàng đẩy giá giao dịch thực tế hoặc yêu cầu khách mua thêm phụ kiện để có thể nhận xe sớm. Sự không liền mạch trong nguồn cung xe nhập khiến thị trường không có dấu hiệu giảm giá.
Honda CR-V là một trường hợp điển hình ảnh hưởng của chính sách. Phiên bản nhập khẩu về lô đầu tiên cuối 2017, giá bản cao nhất gần 1,3 tỷ, sau đó sang 2018 khi lô mới chịu thuế 0% về nước, giá giảm gần 1,1 tỷ. Đến tháng 4, giá xe lại tăng thêm 5 triệu vì cân đối lại chi phí theo ảnh hưởng từ Nghị định 116. Rất nhiều khách hàng đặt cọc rồi rút cọc, những người cố chờ để lấy xe có khi tốn thêm hàng chục triệu mua phụ kiện.
Không chỉ xe nhập, xe lắp ráp cũng tăng giá. Cuối tháng 2/2018, Trường Hải công bố giá CX-5 mới tăng 30-80 triệu đồng, lên mức 899-1.019 triệu đồng tại các đại lý. Xe lắp ráp với nguồn cung sẵn hơn được dịp chi phối thị trường nên cũng không giảm, thậm chí tăng giá, khiến khách hàng thêm hoang mang.
Bao giờ có xe, giá có giảm?
Sau gần một năm chờ đợi, câu trả lời mà thị trường mang tới cho khách Việt là "Giá không giảm". Những ước vọng này, không chỉ người mua mà bản thân các hãng cũng bị cuốn vào vòng xoáy và mông lung không kém. Quản lý một hãng xe Nhật cho biết, tất cả đều phải chờ đợi vào những cái gật đầu từ cơ quan quản lý để được thông quan nhưng sau đó còn gì có thể tác động thì không ai biết.
Trong khi đó, giám đốc bán hàng một hãng xe lắp ráp cho biết, nhiều khả năng Đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần lắp ráp trong nước sắp được thông qua. Khi đó xe lắp ráp lại có lợi thế so với xe nhập khẩu, nhưng mức giá thì chưa hẳn sẽ giảm, vì quy luật độc quyền. Vị này cũng cho biết, không loại trừ khả năng lại có hàng rào kỹ thuật mới cho xe nhập khẩu.
Định hướng của chính phủ để ưu tiên lắp ráp, hạn chế nhập khẩu tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các hãng. Trong cuộc cạnh tranh này, khách hàng trở thành người phụ thuộc khi "có tiền cũng không có xe để mua", như cách nói của Thanh Bình (Hà Nội), một người om tiền nửa năm nay vẫn chưa mua được Fortuner. Sản phẩm yêu thích không có hàng, để phục vụ nhu cầu, có thể nhiều khách phải chuyển sang lựa chọn khác.
Nhân viên đại lý vẫn hàng ngày phải tiếp nhận những câu hỏi của khách như "khi nào có hàng", "giá có giảm không". Câu trả lời trở thành một mô típ, đó là chưa chắc chắn thời điểm, có thể vài tháng nữa, nhưng nếu thủ tục trục trặc thì lại đợi tiếp, giá lại càng khó đoán định. "Anh chị có nhu cầu thì mua ngay, giá xe giảm hay không còn chưa chắc", Văn Tiến, nhân viên bán hàng một đại lý Mitsubishi ở TP HCM chia sẻ.
Bước ra khỏi showroom khi ý định mua Pajero Sport không thành dù mang theo sẵn tiền, Tiến Đạt lăn bánh chiếc Jolie ra đường. Anh phân vân nói với cậu con trai, có lẽ đi mua xe cũ không chừng. Trong khi đó, Hoài Nam với đặc thù công việc hay đi chụp ảnh xa với khách, chọn cách thuê xe tạm thời để đi và chờ đợi chiếc Navara màu xanh anh thích. Tất nhiên giá cũng phải mềm hơn so với 2017.
Theo Thành Nhạn - Đức Huy (VnExpress)
Ý kiến đánh giá