Thứ Bảy, 18/01/2025 | 19:53
07:05 |
Tìm hiểu quy trình sản xuất Chevrolet Trailblazer
Ở mỗi công đoạn trong quy trình sản xuất, từ tạo hình từng chi tiết cho đến khâu lắp ráp cuối, GM đều áp dụng quy trình tích hợp chất lượng trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm tốt nhất, không bị lỗi.
Tuổi thọ trung bình của một chiếc xe mới hiện nay dao động vào khoảng 8 năm hoặc 150.000 dặm (khoảng 241.400 km). Chính vì vậy, chất lượng, sự bền bỉ và độ tin cậy là những yếu tố tối quan trọng để đảm bảo mang đến cho khách hàng sự hài lòng và an tâm tuyệt đối khi sở hữu xe.
Chevrolet Trailblazer.
Để đạt được điều đó, nguyên lý tích hợp chất lượng trong từng khâu sản xuất (Built-In Quality - BIQ) của GM toàn cầu đã được áp dụng ở từng công đoạn trong quy trình sản xuất mẫu SUV lịch lãm Chevrolet Trailblazer mới tại Nhà máy sản xuất xe của General Motors, Rayong, Thái Lan, bán ra tại Việt Nam từ đầu tháng 5 này.
Cách làm này cơ bản khác biệt so với cách mà các hãng xe khác đang thực hiện, đó là chỉ kiểm định chất lượng trước khi xe đã rời dây chuyền hoặc rời nhà máy. Cách thức ngăn ngừa lỗi này được gọi là “Kiểm định chất lượng ở khâu kiểm tra cuối” (Quality Inspected In) tiềm ẩn nhiều nhược điểm. Phụ thuộc nhiều vào năng lực của đội ngũ kiểm định chất lượng trong việc phát hiện lỗi và yêu cầu sửa lỗi bằng cách tháo dỡ, thay thế và lắp ráp lại xe. Việc này tiêu tốn nhiều thời gian và gia tăng chi phí.
Trong hơn 100 năm General Motors sản xuất xe bán tải và xe du lịch, hệ thống và quy trình chất lượng của hãng xe Mỹ liên tục được cải tiến. Nguyên lý tích hợp chất lượng trong sản xuất đã đưa khâu kiểm tra chất lượng vào từng quy trình sản xuất. Điều này đảm bảo rằng bất kỳ lỗi nào liên quan đến chất lượng sản phẩm có thể phát sinh đều được xử lý ngay trong giai đoạn sản xuất, thay vì chỉ phát hiện trên xe thành phẩm.
Các trụ cột chất lượng là một phần của nguyên lý tích hợp chất lượng trong sản xuất (BIQ) trong khi BIQ lại là một phần của hệ thống nền tảng lớn hơn gọi là hệ thống sản xuất toàn cầu GM (GM Global Manufacturing System-GMS). Các trụ cột chất lượng được phân loại tập trung vào các mảng dựa trên ý kiến phản hồi từ người tiêu dùng và nội bộ, gọi là tiếng nói khách hàng (Voice of Customer - VOC).
Quy trình chất lượng bắt đầu từ xưởng dập, nơi chất lượng bề mặt các tấm kim loại được kiểm định trước khi được dập thành các bộ phận và thân vỏ xe. Xưởng dập kiểm soát các thông số quy trình để đảm bảo chất lượng bề mặt, khả năng định hình, tính năng và kích thước đồng đều. Đối với chất lượng bề mặt, xưởng dập phủ dầu các tấm kim loại và được soi dưới ánh sáng cường độ cao. Lớp bóng từ dầu, giống như một lớp phủ láng bóng trong suốt, sẽ để lộ ra những tì vết trên mặt tấm kim loại.
Các tấm kim loại sau khi tạo hình được chuyển đến xưởng hàn nơi chúng được hàn lại với nhau để tạo thành thân xe. Tại khâu này, các thông số quy trình được kiểm soát gồm các lớp trám, bề mặt, kích thước, các chi tiết đi kèm, độ vặn xoắn và mối hàn. Thân xe được hoàn thiện đã sẵn sàng để phủ chất trám, sơn lót, sơn nền và các lớp sơn phủ tại xưởng sơn, nơi các máy quét sóng điện tử để thu thập dữ liệu về chất lượng hình thức và có thể điều chỉnh thông số ngay lập tức dựa trên dữ liệu đó.
Xưởng lắp ráp hoàn thiện thành phẩm sẽ kiểm soát các thông số để điều chỉnh mô-men xoắn, đổ các loại dung dịch trong xe, hoàn thiện khoang lái, thực hiện các loại kết nối, đấu điện, kiểm tra các chi tiết cơ khí và ngoại hình. Dây chuyền sản xuất sẽ dừng lại và xe sẽ không được chuyển qua khâu tiếp theo nếu xe không có mô men xoắn chuẩn. Khâu này giúp đảm bảo các phụ tùng hoạt động đúng chức năng thiết kế và khách hàng sẽ có một trải nghiệm sở hữu xe tuyệt đối an tâm.
Giống như tất cả các xe sản xuất tại nhà máy Rayong của GM Thái Lan, Trailblazer mới tiếp nhận khâu kiểm tra cuối tại khu vực chăm sóc (Care Line) gồm có kiểm tra độ chụm bánh xe và thử nghiệm động. Đây là khâu kiểm tra toàn diện 100%, nghĩa là mọi chiếc xe lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất đều phải trải qua các bài kiểm tra ở khu vực chăm sóc này.
NhonVT (forum.autodaily.vn)
Ý kiến đánh giá