Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:31
08:30 |
Số phận liên minh ô tô lớn nhất thế giới thời hậu Carlos Ghosn
Số phận của liên minh ô tô Renault-Nissan-Mitsubishi sẽ đi về đâu sau cú “ngã ngựa” của người hùng ngành ô tô thế giới Carlos Ghosn? Đây là câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra lúc này.
Carlos Ghosn từng được mệnh danh là nhân vật huyền thoại trong ngành ô tô thế giới khi gây dựng liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi trở thành liên minh sản xuất ô tô lớn nhất hành tinh. Từ đỉnh cao danh vọng và quyền lực, mọi thứ ngay lập tức tan biến khi Carlos Ghosn bị bắt ở Nhật Bản với cáo buộc sai phạm tài chính. Số phận của liên minh ô tô lớn nhất toàn cầu sẽ đi về đâu sau cú “ngã ngựa” của người hùng ngành ô tô thế giới? Đây là câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra lúc này.
Chấn động thế giới
Theo nhân định của giới phân tích, liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong lịch sử phát triển của mình, sau khi CEO Carlos Ghosn bị bắt giữ.
Vài giờ sau khi có thông tin ông Ghosn bị bắt, Nissan đã thông báo thay thế ông Ghosn với tư cách là chủ tịch công ty. Mitsubishi cho biết cũng sẽ làm điều tương tự. Trong khi đó, Renault đã chỉ định một người làm quyền Tổng giám đốc điều hành. Theo hãng tin Reuters, ông Thierry Bollore sẽ trở thành người tiếp quản công ty.
Việc ông Ghosn bị bắt giữ đã gây chấn động ngành ô tô thế giới.
Tại cuộc họp báo ở Tokyo, ông Hiroto Saikawa CEO của Nissan, đã chỉ trích gay gắt việc tại nhiệm quá dài và sự tập trung quyền lực của ông Ghosn sau khi ông này nắm giữ thêm vị trí Giám đốc điều hành Renault vào năm 2005. Chính điều này đã góp phần gây ra bê bối sai phạm tài chính của ông Ghosn.
Còn tại Pháp, nơi nhà nước nắm giữ 15% cổ phần Renault, giới chức nước này cũng đang yêu cầu nhanh chóng làm rõ sự việc. Tổng thống Emmanuel Macron cho biết ông sẽ vẫn "cực kỳ cảnh giác" về sự ổn định của liên minh Renault-Nissan.
Chưa dừng lại ở đó, sau vụ việc này, giá cổ phiếu cả các hãng ô tô liên quan tới ông Ghosn cũng đồng loạt giảm điểm. Cụ thể, cổ phiếu Nissan giảm 6,5% tại Tokyo hôm thứ Ba, trong khi, kết thúc giao dịch hôm thứ Hai, cổ phiếu Renault đã giảm 8,4% - mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2015. Thông tin về việc ông Ghosn bị bắt giữ được tiết lộ sau khi sàn giao dịch chứng khoán Nhật Bản kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Hai (19/11). Cổ phiếu của Mitsubishi Motors giảm 7,8%.
“Một bước lùi lớn”
Theo nhận định của giới phân tích, sau gần hai thập niên dưới sự lãnh đạo uy tín của ông Carlos Ghosn, Nissan giờ đây lại một nữa phải đối mặt với một tương lai đầy bắt trắc kể từ năm 1999 khi ông Ghosn được giao nhiệm vụ vực dậy hãng xe đang trên bờ phá sản này.
“Liên minh này bị ràng buộc khá nhiều bởi Ghosn”, Demian Flowers, nhà phân tích tại Commerzbank, London cho biết. "Nếu bạn đang nói về sự hội nhập giữa các công ty này, và thậm chí hy vọng cho một sự sáp nhập đầy đủ trong tương lai, thì tôi nghĩ rằng những hy vọng đó đang bị kéo lùi lại một bước lớn”.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo của Nissan, CEO Saikawa khẳng định, sự ra đi của Ghosn sẽ không ảnh hưởng đến liên minh ô tô này - bởi vì đây là liên minh chứ không phải có một cá nhân ai cả.
Tuy nhiên, Kenneth Courtis cựu chủ tịch Tập đoàn Goldman Sachs cho rằng, “Vì các công ty này đã bỏ ra những khoản đầu tư quá lớn cho việc sản xuất xe điện và công nghệ xe tự lái, và vì ngành công nghệ ô tô đang thay đổi theo những cách mà chúng ta không thể lường trước được, thì rất có thể liên minh này sẽ bị tan rã”.
Một huyền thoại mang tên Carlos Ghosn
Thật khó để đánh giá thấp sự thành công của Ghosn khi ông đã xây dựng Renault-Nissan-Mitsubishi trở thành liên minh ô tô lớn nhất thế giới.
Carlos Ghosn trở nên nổi tiếng khi vực dậy hãng Nissan – vốn đang trên bờ vực phá sản. Tại một đất nước mà sự sụp đổ của Nissan được coi như thảm kịch quốc gia, thì việc Ghosn hồi sinh thành công hãng xe này đã đủ để người dân Nhật Bản sùng bái ông như một vị thần, một người hùng của ngành ô tô Xứ sở mặt trời mọc.
Có một giai đoạn khi liên minh Renault-Nissan rơi vào khủng hoảng vì chính phủ Pháp đẩy mạnh cổ phần của nhà nước để trở thành cổ đông lớn lớn nhất của Renault vào năm 2015, Ghosn đã xoa dịu tình hình bằng cách đóng vai trò như một nhà ngoại giao chính giữa hai bên Pháp và Nhật Bản.
Sau khi giúp liên minh Renault-Nissan đứng vững về mặt tài chính, gần đây nhất, ông đã tập trung vực dậy hãng Mitsubishi. Năm 2016, Nissan đã mua lại 34% cổ phần của hãng này.
Sinh ra ở Brazil, mang quốc tịch Pháp, Carlos Ghosn từng theo học ở Liban và Paris, trước khi dành 18 năm làm việc tại công ty sản xuất lốp xe Michelin. Kể từ đó, ông liên tục thăng tiến và trở thành người điều hành chi nhánh Bắc Mỹ của công ty. Sau đó, ông chuyển tới hãng Renault và đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch điều hành từ năm 1996 đến 1999. Sau khi Renault mua 43% cổ phần của Nissan vào năm 1999, Ghosn đã được cử tới Nissan. Tại đây, ông tiến hành cắt giảm chi phí mua sắm của công ty, đóng cửa các nhà máy, sa thải 21.000 vị trí việc làm, sau đó đầu tư khoản tiền tiết kiệm được vào việc phát triển 22 mẫu xe tải và ô tô trong vòng 3 năm. Từng bước một, ông đã đưa hãng xe của Nhật Bản ra khỏi bờ vực phá sản.
Khi liên minh Renault-Nissan ngày càng lớn mạnh và có thể cạnh tranh với các đối thủ như Toyota và Volkswagen về quy mô, danh tiếng của Carlos Ghosn cũng tăng lên đáng kể. Ông thường xuyên xuất hiện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos và nhiều hội nghị quốc tế khác, thảo luận về tương lai ngành vận tải và nhu cầu cần phải suy tính lại về một ngành vốn đang đối mặt với sự đình trệ lớn.
Vị lãnh đạo không thể thay thế?
Carlos Ghosn là một trong số những ông chủ hãng ô tô truyền thống đầu tiên trên thế giới quan tâm tới xe điện, khi cho ra mắt mẫu xe Nissan Leaf năm 2010, trong bối cảnh những chiếc xe bằng pin vẫn còn là một cảnh tượng kỳ lạ trên đường phố.
Carlos Ghosn dự đoán rằng, các công ty nhỏ sẽ phải đối mặt với một khoảng thời gian khó khăn, đòi hỏi phải tìm ra một công thức chung để sống sót. Vực dậy ngành công nghiệp xe hơi không chỉ là nằm ở việc phát triển xe hơi, Ghosn cho biết.
"Bạn sẽ thấy các nhà sản xuất ô tô, các công ty công nghệ, công ty phần mềm hợp tác lại với nhau để mang những ưu đãi này ra thị trường", vị giám đốc điều hành 64 tuổi cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước.
Theo nhận định của giới phân tích, vào thời điểm hiện tại, vẫn không có ứng cử viên sáng giá nào có thể thay thế Ghosn.
"Ghosn luôn đặt mình vào vị trí dường như không thể thiếu", Jean-Louis Sempe của công tư đầu tư Invest Securities, cho biết. Sự ra đi của Carlos Ghosn sẽ "ảnh hưởng đến sự tồn vong và phát triển của liên minh này".
Đinh Giang (Forum.autodaily.vn)
Ý kiến đánh giá