Thứ Sáu, 22/11/2024 | 21:32
11:26 |
10 sự kiện nổi bật của ngành xe hơi thế giới năm 2018
Làng xe thế giới đã trải qua một năm 2018 với nhiều thăng trầm. Dưới đây là 10 sự kiện quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô toàn cầu trong năm 2018 theo bình chọn của tạp chí danh tiếng Autoblog.
Năm 2018 được đánh giá là một năm khá thành công đối với ngành công nghiệp ô tô thế giới, khi chuẩn bị chứng kiến một kỷ lục doanh số mới. Tuy nhiên, đây cũng là năm mà ngành công nghiệp này phải đối mặt với nhiều biến động bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, các công ty lớn như GM và Ford phải sa thải hàng loạt nhân viên để đối phó với tình trạng suy thoái hay việc ông Carlos Ghosn - cựu chủ tịch liên minh Nissan-Renault-Mitsubishi bị bắt giữ.
Có thể nói, bên cạnh những gam màu sáng, bức tranh của làng xe thế giới trong năm 2018 cũng bị phủ bóng bởi một số gam màu tối. Dưới đây là 10 sự kiện quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô toàn cầu trong năm 2018 theo bình chọn của tạp chí danh tiếng Autoblog.
Carlos Ghosn bị bắt và bỏ tù
Ngày 19/11/2018, Carlos Ghosn - cựu chủ tịch của liên minh Nissan-Renault-Mitsubishi đã bị bắt cùng với một cựu giám đốc khác của Nissan, Greg Kelly, tại Tokyo, Nhật Bản với cáo buộc sai phạm tài chính. Ngay sau vụ việc này, cả Nissan và Mitsubishi đều ra tuyên bố sa thải ông Carlos Ghosn khỏi vị trí chủ tịch, trong khi đó, Renault vẫn giữ lại vị trí chủ tịch cho Carlos Ghosn.
Sự kiện này không chỉ gây chấn động ngành xe hơi toàn cầu, mà còn đặt liên minh xe hơi lớn nhất thế giới Nissan-Renault-Mitsubishi rơi vào một tương lai bất định khi không còn sự dẫn dắt tài ba của Carlos Ghosn – người từng được mệnh danh là “anh hùng” của ngành ô tô thế giới.
Bê bối của Elon Musk
Trong năm 2018, Elon Musk – nhà lãnh đạo Tesla, đã khiến nhiều người phải ngán ngẩm trước những cư xử không đúng mực và phát ngôn gây sốc trên Twitter và trước giới truyền thông.
Cụ thể, Elon Musk từng có những hành vi đả kích các nhà báo, trêu chọc tỷ phú Warren Buffet, chỉ trích nhân viên cũ. Thậm chí, trong bài phỏng vấn với tờ Thời báo New York, Elon Musk còn thú nhận rằng đã sử dụng thuốc an thần Ambien để ngủ và làm việc tới 120 giờ mỗi tuần. Sau đó, Elon Musk còn tuyên bố sẽ tư nhân hoá Tesla với giá 420 USD/cổ phiếu. Điều này khiến Elon Musk bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) điều tra và buộc thôi giữ chức chủ tịch tại Tesla, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của công ty.
General Motors sa thải hàng loại nhân viên
Hoạt động kinh doanh của General Motors (GM) hiện tại rất khả quan. Báo cáo quý gần nhất cho thấy, mức lợi nhuận của công ty lên tới 2,5 tỷ USD, tiền mặt hiện có gần 20 tỷ USD nhờ vào doanh số bán các mẫu xe tải có lợi nhuận cao và xe đa dụng tăng mạnh. Tuy nhiên, tháng 11 vừa qua, GM gây sốc với tuyên bố sẽ sa thải 14.000 nhân viên, đóng cửa 5 nhà máy đang sản xuất và lắp rắp 6 mẫu sedan có doanh số thấp. GM cho biết, động thái này thể hiện sự chủ động của công ty nhằm đối phó với một đợt suy thoái có thể diễn ra trong thời gian tới, đồng thời để bắt kịp với xu hướng phát triển nhanh chóng của lĩnh vực xe điện và xe tự lái.
Tuy nhiên, điều này cũng gợi nhắc đến những chuỗi ngày đen tối cách đây 1 thập kỷ, khi đó GM cũng phải sa thải hàng nghìn việc làm nhằm thoát khỏi nguy cơ phá sản, do ảnh hưởng từ cuộc khủng khoảng tài chính thế giới năm 2008.
Và điều này lại một lần nữa xảy ra vào năm 2018, như một lời nhắc nhở về sự nghiệt ngã của chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc
Trong năm 2018, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu liên tục chao đảo vì những chính sách có phần thất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông chủ Nhà Trắng đã ban hành thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu, chỉ trích Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ để đạt được thỏa thuận mới với Canada và Mexico, đánh thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc – thị trường ôtô lớn nhất thế giới.
Chính điều này đã khiến giá xe nhập khẩu vào Mỹ và xuất khẩu từ Mỹ đi các nước khác tăng lên, đẩy nhiều hãng xe vào cảnh điêu đứng.
Cụ thể, GM cho biết, mức thuế quan mới đã khiến hãng này phải chịu thêm 1 tỷ USD cho chi phí nguyên liệu thô. Ford buộc phải hủy bỏ kế hoạch nhập khẩu mẫu xe Focus Active sản xuất tại Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Volvo, hãng xe thuộc quyền sở hữu của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Geely, phải tạm hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ. Trong khi đó, doanh số của Tesla tại thị trường Trung Quôc cũng sụt giảm nghiêm trọng. Các hãng ôtô Đức có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn tiếp diễn.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bao giờ mới chấm dứt và tầm ảnh hưởng của nó đến đâu, là điều khó dự đoán trước được. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Donald Trump ít nhất cũng đã tạm dừng sự đe dọa của mình nhắm vào xe hơi nhập khẩu.
Sergio Marchionne qua đời một cách bí ẩn
Sergio Marchionne là người có đóng góp to lớn vào việc hồi sinh tập đoàn Fiat Chrysler Automobiles (FCA) bằng việc đẩy mạnh phát triển dòng xe Ram và Jeep, thu về khoản lợi nhuận khổng lồ cho tập đoàn.
Cựu sinh viên triết học này được biết đến là một trong những nhà lãnh đạo nhiều màu sắc nhất trong ngành công nghiệp ôtô. Nhắc đến Sergio Marchionne, người ta sẽ nghĩ ngay đến một người hay mặc áo len, hút thuốc nhiều và không ngừng theo đuổi các vụ sáp nhập với General Motors.
Sau thời gian dài công hiến, Sergio Marchionne lên kế hoạch nghỉ hưu vào năm 2019. Tuy nhiên, tháng 7/2018, ông đột ngột qua đời ở tuổi 66 do biến chứng sau phẫu thuật vai của ông tại Thụy Sĩ. Tuy nhiên, Fiat Chrysler vẫn chưa giải thích rõ ràng về sự ra đi của Sergio Marchionne. Người được chỉ định thay thế ông Sergio Marchionne làm giám đốc điều hành FCA là Mike Manley. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng, sẽ không ai có thể thực sự thay thế được một người như Sergio Marchionne tại tập đoàn này.
Ford khai tử một số mẫu xe cỡ nhỏ
Trong một vài năm gần đây, các mẫu xe tải và xe đa dụng luôn vượt mặt các dòng xe truyền thống về mặt doanh số tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, tháng 4/2018, Ford tuyên bố sẽ khai tử các dòng xe sedan và hatchback tại Mỹ để tập trung phát triển dòng xe Mustang – biểu tượng xe thể thao cơ bắp Mỹ. Bên cạnh đó, hãng xe này cũng lên kế hoạch tập trung vào sản xuất các mẫu crossover và SUV.
Đây được đánh giá là bước đi táo bạo đối với một thương hiệu đang phải vật lộn với tình trạng giá cổ phiếu liên tục biến động trong suốt 1 năm qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà đầu tư, kế hoạch quay vòng của Ford dưới thời CEO Jim Hackett là thiếu minh bạch và đi ngược xu thế về xe điện và xe tự lái.
Động thái này cũng làm lu mờ các chiến dịch quảng cáo của công ty, trong đó bao gồm cả chiến dịch quảng cáo mở rộng sang Corktown và Michigan dành cho chiếc Mustang Bullitt.
Tai nạn chết người của xe tự lái Uber
Vào tháng 3, một chiếc xe Volvo được trang bị công nghệ tự lái của Uber đã đâm chết một phụ nữ đi xe đạp qua đường ở Tempe, Ariz. Đây là trường hợp chết người đầu tiên do xe tự lái ở Mỹ. Truyền thông đưa tin, nhiều người dân đã tỏ ra vô cùng sợ hãi và lo lắng về công nghệ xe tự lái. Các nhà điều tra liên bang xác định, Uber đã vô hiệu hóa hệ thống phanh khẩn cấp trên chiếc XC90 và phần mềm tự lái không thể nhận ra người đi bộ.
Uber sau đó cho biết, hãng này mới chỉ tiếp tục thử nghiệm xe tự lái của Volvo tại Pittsburgh, với cam kết sẽ có hai tài xế dự phòng, đồng thời chỉ hoạt động vào ban ngày và bám sát lề đường với giới hạn tốc độ 25 dặm/giờ.
Hành động chống biến đổi khí hậu
Trong năm 2018, nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng kêu gọi thế giới phải chung tay hành động để giảm thiểu tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu. Việc sử dụng quá mức các nguồn nhiên liệu và khí thải thoát ra môi trường đã gây ra những thảm họa thiên nhiên, trong đó phải kể đến vụ cháy rừng kinh hoàng ở thị trấn Paradise, Mỹ.
Và như chúng ta đã biết, lái xe cũng là một hành động phát thải khí CO2, gây ô nhiễm môi trường và đe dọa hành tinh của chúng ta. Vì vậy, để hạn chế điều này, các nhà sản xuất xe hơi đang cố gắng giúp mức tiêu thụ nhiên liệu xuống thấp nhất, từ đó giảm thiểu lượng khí thải CO2.
Jeep trở lại phân khúc xe bán tải
Thương hiệu Jeep đang “bùng cháy”. Minh chứng cho điều đó là sự đón nhận nồng nhiệt từ phía người tiêu dùng với mẫu xe bán tải 4 cửa hoàn toàn mới Gladiator. Về cơ bản, Gladiator là một chiếc Wrangler dài hơn với khung mới và chiều dài cơ sở được tăng thêm, tải trọng và khả năng kéo nâng cao, cánh cửa và nóc xe có thể tháo rời. Ngoài ra, xe còn được trang bị hàng loạt các tính năng off-road và vận chuyển hàng hóa thú vị.
Trước khi ra mắt, Gladiator thường được mọi người gọi là Scrambler. Điều này chỉ dừng lại khi Jeep công bố tên chính thức của mẫu xe mới là Gladiator. Đây là tên của một mẫu xe bán tải Jeep từ năm 2005. Jeep đã không có một chiếc bán tải nào trên thị trường kể từ mẫu xe Comanche năm 1992.
Sự trỗi dậy của các đối thủ với Tesla
Năm 2018 là năm các nhà sản xuất ô tô châu Âu đánh giá nghiêm túc về sự phát triển của Tesla trong lĩnh vực xe điện cao cấp. Thậm chí, nhiều ông lớn trong ngành ô tô thế giới còn xem Tesla như một đối thủ thực sự để cạnh tranh trong thời gian tới. Minh chứng cho điều đó là việc Porsche trình làng chiếc xe thể thao chạy điện đầu tiên của hãng mang tên Taycan, Audi công bố chiếc SUV hạng trung E-Tron 2020, trong khi Jaguar giới thiệu mẫu xe điện I-Pace.
Đối với các hãng xe Đức, họ cũng đang lên kế hoạch cho dòng xe EV vào năm 2020. Cụ thể, Mercedes-Benz với chiếc crossover EQC 400 và BMW với chiếc crossover iX3 và coupe bốn cửa i4. Dù có hơi muộn màng, nhưng các hãng xe hơi truyền thống đang tìm cách để cạnh tranh với Tesla Model X. Vì vậy, chúng ta hãy cùng chờ xem phân khúc xe điện sẽ phát triển nóng như thế nào trong năm 2019.
Đinh Giang (Forum.autodaily.vn)
Ý kiến đánh giá