Chủ Nhật, 19/01/2025 | 07:04
15:27 |
ARRC 2018: “Bầy sói định hình”
Chặng cuối cùng của mùa giải ARRC 2018 vừa khép lại tại trường đua Chang International, Buriram Thái Lan. Hai tay đua của đội Honda Việt Nam Racing (HVR) là Cao Việt Nam hạng mục AP250 và Lê Khánh Lộc hạng mục UB150 đã có màn thi đấu cống hiến, nỗ lực và bứt tốc. Xuất phát tại vị trí chỉ 25/27, Lê Khánh Lộc lần lượt về đích ở vị trí 17/27 trong ngày đua thứ nhất và bứt tốc hơn nữa lên vị trí 13/27 trong ngày đua thứ 2 – vị trí mang về 2 điểm cho đội. Tại hạng mục AP250, Cao Việt Nam xuất phát ở vị trí 23/26 và đã cải thiện được tới 11 bậc thành tích lên vị trí 12/26 mang về 4 điểm quý giá cho toàn đội. Ngày thi đấu thứ 2 Nam tiếp tục dành thêm được 2 điểm cho đội với thành tích 14/26.
Như vậy, Mùa giải ARRC 2018 vừa chính thức khép lại, nếu như mùa giải ARRC 2017 của Honda Vietnam Racing được xem như “Khiêu vũ với bầy sói” thì qua tới năm 2018 này, có thể khẳng định HVR đã dần trở thành một phần của “bầy sói”. Hãy cùng xem lại một phần không thể thiếu của “bầy sói” đó nhé.
Đội hình Honda Vietnam Racing tại chặng 1 ARRC 2018.
“Sói non” Nguyễn Vũ Thanh
Tay đua Nguyễn Vũ Thanh tại chặng 1 ARRC 2018 diễn ra ở Thái Lan.
Bước vào mùa giải ARRC 2018, Honda Vietnam Racing (HVR) giới thiệu một gương mặt trẻ mới hoàn toàn: tay đua sinh năm 1999, Nguyễn Vũ Thanh. Chàng trai trẻ đến từ Đồng Nai đã chính thức được biên chế vào đội 1 của Honda Việt Nam để thi đấu tại thể thức UB150 của giải ARRC 2018. Nguyễn Vũ Thanh có lẽ là tay đua duy nhất của Việt Nam cho tới hiện tại thuộc diện “con nhà nòi” bởi cha anh là tay đua kỳ cựu Nguyễn Thanh Vũ, một trong những tay đua hiếm hoi thuộc thế hệ F1 của Việt Nam hiện vẫn còn xuất hiện trong một số cuộc đua của Honda Việt Nam.
"Sói non" Nguyễn Vũ Thanh.
Nguyễn Vũ Thanh đã có một màn “debut” đầy ấn tượng trong màu áo của HVR, ngay ở chặng thi đấu đầu tiên của ARRC 2018 Nguyễn Vũ Thanh đã giành tới 8 điểm (5 điểm ở ngày thứ nhất, 3 điểm ở ngày thứ 2), thành tích này ấn tượng không hề kém thành tích của “Gã Điên” Cao Việt Nam khi giành được vị trí thứ 10 ngay ở lần thi đấu đầu tiên tại ARRC 2016. Mặc dù lần đầu thi đấu quốc tế nhưng Vũ Thanh cho thấy một phong cách thi đấu đầy bản lĩnh và khôn ngoan.
Tuy vậy, vận đen cùng sự nôn nóng đã chặn lại đà tiến của Nguyễn Vũ Thanh một cách đầy đáng tiếc. Sau chặng thứ 1 tại Thái Lan, anh được HVR cử sang tập huấn tại Indonesia, trong chuyến tập huấn này Vũ Thanh đã bị trượt ngã dẫn đến gãy tay. Khi còn chưa hoàn toàn hồi phục thì chặng 2 của mùa giải ARRC 2018 đã diễn ra trên đất Australia, Nguyễn Vũ Thanh bày tỏ khao khát được thi đấu, HVR đã tiến hành kiểm tra y tế kỹ lưỡng và quyết định sẽ để Vũ Thanh tham dự chặng 2 dù vẫn còn chút ít mạo hiểm trong quyết định này. Tuy nhiên, ở màn chạy Warm Up trước chặng, Vũ Thanh đã bị một tay đua khác va chạm khiến vết gãy của anh bị ảnh hưởng, và anh không được tham dự thi đấu dù rất mong muốn.
Đến ngày luyện tập tại trường đua Đại Nam chuẩn bị cho ARRC chặng 3, vận đen tiếp tục đeo bám Nguyễn Vũ Thanh, tay đua tiếp tục bị ngã vẫn là vết gãy cũ hành hạ anh. Mùa giải 2018 của Nguyễn Vũ Thanh coi như kết thúc tại đây.
Còn quá sớm để nói về sự định hình phong cách thi đấu của “sói non” Nguyễn Vũ Thanh, nhưng với những kỹ năng đã thể hiện cùng chất “xăng” trong máu, chắc chắn Vũ Thanh sẽ trở thành “mỏ điểm” của HVR trong năm sau.
“Sói mới” Lê Khánh Lộc
Lê Khánh Lộc là cái tên đại diện cho Honda Việt Nam Racing tham dự mùa giải ARRC 2018 từ chặng 3 tại hạng mục UB150. Tay đua Lê Khánh Lộc “khét tiếng” trong giới đua xe phía nam với đặc điểm “đua đâu giật giải ở đó”. Lẫy lừng ở trong nước là thế nhưng kinh nghiệm thi đấu quốc tế trước đó của Lê Khánh Lộc chỉ là con số 0, chặng 3 mùa giải ARRC 2018 mới là lần đầu chào sân đấu quốc tế của tay đua này.
"Sói mới" Lê Khánh Lộc.
Việc Lê Khánh Lộc bắt đầu thi đấu từ chặng 3 sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình hòa nhập của anh bởi khi đó các tay đua khác đã “nóng máy” còn Lê Khánh Lộc mới loay hoay “vào đời”. Tiếp đó, thi đấu từ chặng 3 cũng đồng nghĩa với việc Lê Khánh Lộc không có quãng thời gian chuẩn bị trước mùa giải, và đây là một bất lợi rất lớn cho anh.
Nếu như Nguyễn Vũ Thanh là một tay đua trẻ nên phải đối mặt với sự thiếu hụt về kinh nghiệm thi đấu, thì ngược lại, vấn đề của Lê Khánh Lộc lại là… quá nhiều kinh nghiệm thi đấu. Sinh năm 1995, tức đã 23 tuổi khi thi đấu lần đầu tại ARRC, với một tay đua thì ở độ tuổi này, các tay đua đã định hình về phong cách chiến thuật và tư duy thi đấu. Lê Khánh Lộc cũng thế, tuy vậy sự định hình này được hình thành từ những cuộc đua trong nước vốn có rất ít tương đồng với đua quốc tế, đúng hơn là về trình độ cũng như sự chuyên nghiệp và để có thể thích nghi với ARRC, Lê Khánh Lộc phải cố gắng loại bỏ rất nhiều tính “bản năng” trong phong cách thi đấu của anh. Xét ở một khía cạnh khác, hành trình của anh tại ARRC sẽ bắt đầu từ việc HVR giúp anh tìm về bản ngã của mình, sau đó đưa anh “đi lại từ đầu”.
Phần bản ngã này của Lê Khánh Lộc là tinh thần thi đấu hiếu chiến, băm bổ cùng một tâm trạng luôn vui vẻ, thả lỏng, tuy vậy kỹ thuật của anh vẫn chưa phù hợp với thể thức UB150 và tư duy chiến thuật của anh còn thiếu sắc bén. Nhận thức được điều này, Lê Khánh Lộc đã tuân thủ tuyệt đối giáo án của ban huấn luyện cũng như chiến thuật mà đội đề ra.
Nội dung UB150 là nội dung được xem như khốc liệt và nhiều chiêu trò nhất do đặc tính kỹ thuật của những chiếc xe như Winner 150 được sử dụng trong thể thức này, do đó Lê Khánh Lộc sẽ phải “học” nhanh hơn rất nhiều nếu muốn cạnh tranh.
Sau 4 chặng thi đấu, anh đã có cho mình 8 điểm cùng vị trí cao nhất là thứ 11 tại chặng 4 diễn ra tại Ấn Độ
Bất chấp khó khăn, những sự chuyển biến tích cực đã đến với tay đua này, sau 4 chặng thi đấu, anh đã có cho mình 8 điểm cùng vị trí cao nhất là thứ 11 tại chặng 4 diễn ra tại Ấn Độ
Số điểm này chưa thể khiến anh và đội HVR hài lòng, nhưng điểm tích cực ở đây là sức cạnh tranh của Lê Khánh Lộc đã được tăng lên rõ rệt. Với một tay đua như Lê Khánh Lộc, việc có thể thay đổi để thích nghi sẽ rất khó khăn, nhưng khi đã làm được thì khả năng gây bất ngờ sẽ lớn hơn rất nhiều. Và anh xứng đáng được tán dương với những gì đã thể hiện tại ARRC 2018.
“Sói già” Cao Việt Nam
“Gã Điên” Cao Việt Nam đã quá quen mặt với những người hâm mộ đua xe thể thao trong nước bởi anh hiện là tay đua số 1 của Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Sinh năm 1996 và đã có 3 năm thi đấu tại ARRC, kể từ năm 2018 vừa rồi, anh được đôn lên thi đấu tại thể thức AP250 cùng mục tiêu “có điểm”.
Kết thúc mùa giải ARRC 2018, “Gã Điên” đã có cho mình tới 12 điểm cùng một màn trình diễn đầy thuyết phục trong suốt mùa giải. Kết quả này giúp anh xếp thứ 24/47 trên BXH cá nhân và giúp đội Honda Vietnam Racing xếp thứ 11/23 đội đua tham dự nội dung AP250.
"Sói già" Cao Việt Nam.
Như vậy, cá nhân Cao Việt Nam và đội đua HVR đã có một năm thi đấu khá thành công tại thể thức AP250. Cần lưu ý rằng đây mới là năm đầu tiên mà Cao Việt Nam thi đấu tại AP250, cũng là năm đầu tiên HVR hoàn toàn tự chủ kĩ thuật tại thể thức này, vì thế kết quả đã đạt được là một thành quả rất lớn.
Năm 2018 ghi dấu một sự tiến bộ vượt bậc của “Gã Điên” Cao Việt Nam về cả kỹ thuật và chiến thuật thi đấu, khi mới bắt đầu mùa giải 2018, có thể thấy rõ ràng kỹ thuật của Cao Việt Nam chưa đáp ứng được “chất điên” của anh trong khi đó tư duy chiến thuật thì chưa bắt kịp với những tình huống phát sinh trên đường đua. Nhưng kể từ sau chặng 2 tại Australia, “Gã Điên” như lột xác hoàn toàn, anh thi đấu vẫn đầy độ “điên” nhưng cùng với đó là sự chắc chắn và toan tính chiến thuật đầy khôn ngoan. Màn trình diễn chói sáng nhất của “Gã Điên” là tại chặng 4 ARRC 2018, sau khi phải đi “một vòng Trái Đất” để tới được Ấn Độ, anh đã giành tới 6 điểm ở chặng này và cán đích ở vị trí số 11, đây là những điểm số đầu tiên của anh và của HVR tại nội dung AP250.
“Đặc sản” của Cao Việt Nam là khả năng thoát cua và lách phải vượt thẳng
Bên cạnh đó thành tích của Cao Việt Nam tại một giải đấu quốc tế khác là Thailand Talent Cup cũng cực kỳ đáng khích lệ, qua 4 vòng thi đấu, Cao Việt Nam đã có mặt trong top 9 ở Race 1 chặng đua cuối cùng.
“Đặc sản” của Cao Việt Nam là khả năng thoát cua và lách phải vượt thẳng, tuy vậy anh lại chưa có được độ ổn định cần thiết và thường để mất ưu thế tại những phút cuối. Một điểm mà Cao Việt Nam cũng cần phải cải thiện đó là khả năng chạy phân hạng, trong trận anh có thể vượt từ 10 đến 12 tay đua, nhưng do vị trí xuất phát thấp nên anh chưa thể một lần chen chân vào được top 10. Nếu có thể cải thiện khả năng đua phân hạng, Cao Việt Nam hoàn toàn có quyền mơ tới podium trong mùa giải ARRC 2019.
“Sói mẹ” Honda Vietnam Racing
Bên cạnh các tay đua, đội ngũ của Honda Vietnam Racing cũng đã có một năm 2018 đầy sôi động. Đầu tiên là việc đội hoàn toàn làm chủ mảng kĩ thuật tại thể thức AP250, tiếp theo là đã có thêm nhiều thành viên mới chính thức tham gia đội.
Với những biến động tại nội dung UB150, chắc chắn HVR không thể hài lòng với thành tích đã đạt được, trong khi đó nội dung AP250 có thể coi là thành công lớn cho HVR tại ARRC 2018.
"Sói mẹ" Honda Vietnam Racing.
Hiện tại ARRC 2018 đã kết thúc, tuy vậy đối với HVR thì một cuộc đua mới đã bắt đầu, kể từ năm sau, đội sẽ chính thức độc lập hoàn toàn tại ARRC 2019 cũng như các giải đua quốc tế khác, đây là lần đầu tiên có một đội đua độc lập đên từ Việt Nam tham dự đấu trường quốc tế, một dấu mốc cho lịch sử đua xe thể thao ở nước ta. Với kinh nghiệm tích lũy được từ 3 năm qua, HVR có đủ cơ sở để tin vào sức cạnh mà đội có thể tạo ra, tuy vậy vẫn còn quá nhiều vấn đề cần phải được giải quyết để trở thành một “thế lực” thực thụ tại ARRC.
Hãy cùng dõi theo và chờ đợi màn thể hiện của “Bầy Sói” HVR tại ARRC 2019.
Anh Quân (forum.autodaily.vn)
Ý kiến đánh giá