Chủ Nhật, 19/01/2025 | 06:52
15:41 |
Đi ô tô chịu thêm phí mới: Đánh mạnh vào túi tiền dân, ai dám mơ xế hộp
Để hạn chế ô nhiễm khi sử dụng ô tô, xe máy, Bộ Tài chính đã thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. Ngay cả ô tô cũng đã bị thu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức rất cao. Cho nên nếu ô tô, xe máy “gánh” thêm phí bảo vệ môi trường đối với khí thải thì sẽ không hợp lý.
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi 6 Bộ là Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Trong đó, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trên khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, gồm đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí,...
Văn bản của Bộ Tài chính có thể hiểu là, 6 bộ trên sẽ đề xuất đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí... sau đó, gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền.
Đi ô tô, xe máy, người dân đã phải chịu nhiều loại thuế phí.
Hạn chót được Bộ Tài chính đề nghị các Bộ kể trên đưa ra phương án thu phí là cuối tháng 12/2018.
Thông tin trên ngay lập tức thu hút sự chú ý của người dân, nhất là những người sử dụng phương tiện ô tô, xe máy.
Đến thời điểm này vẫn chưa xác định cụ thể đối tượng thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Nhưng kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, việc thu phí khí thải được chia theo các nguồn thải lưu động (như ô tô xe máy, phương tiện cơ giới khác) và các nguồn thải cố định (như các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,... ).
Với sự xuất hiện của Bộ Giao thông Vận tải trong công văn “thúc giục” của Bộ Tài chính, thì chắc chắn không thể thiếu đối tượng thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là ô tô, xe máy. Nhất là khi, một số địa phương lớn như TP. Hồ Chí Minh đã rục rịch đề nghị thu phí ô nhiễm môi trường các phương tiện giao thông, còn Hà Nội đề nghị phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải.
Cách thức thu phí khí thải từ các phương tiện giao thông có thể sẽ do các cơ quan đăng kiểm thu khi thực hiện hoạt động đăng kiểm định kỳ.
Nhưng, điều khiến nhiều người băn khoăn là, để hạn chế ô nhiễm khi sử dụng ô tô, xe máy, Bộ Tài chính đã thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. Ngay cả ô tô cũng đã bị thu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức rất cao.
“Có khả năng sẽ xảy ra tình trạng phí chồng phí, thuế chồng thuế”, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nói với PV.VietNamNet.
Trong các lập luận thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Bộ Tài chính thường đưa ra nhiều lý do, trong đó có lý do hạn chế ô nhiễm môi trường. “Nếu đã đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vì lý do gây ô nhiễm rồi thì tại sao phải đặt ra loại phí bảo vệ môi trường đối với khí thải nữa”, ông Đức băn khoăn.
Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long cho rằng: "Từ 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch trần, khi thu nhập của người dân chưa cao mà có quá nhiều loại thuế, phí sẽ vắt kiệt sức dân".
Cũng theo ông Long, khi sử dụng xăng dầu, người dân đã đóng thuế bảo vệ môi trường để xử lý khí thải đó. Do vậy, cần phải cân nhắc kỹ việc cùng lúc vừa áp thuế bảo vệ môi trường vừa áp phí khí thải mỗi phương tiện giao thông.
Theo các chuyên gia, không phủ nhận rằng, nếu thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải thì sẽ khuyến khích người dân lựa chọn các phương tiện có công nghệ đáp ứng việc phát thải thấp. Bởi phương tiện nào phát thải khí gây ô nhiễm nhiều hơn sẽ phải chịu phí cao hơn trên nguyên tắc “ai gây ô nhiễm thì phải trả tiền”. Tuy nhiên, điều đó chỉ thực sự có ý nghĩa khi không để xảy ra tình trạng thuế chồng thuế, phí chồng phí như đã nói ở trên. Đồng thời, số tiền thu được phải phục vụ cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Hiện nay, theo quy định tại Luật phí và lệ phí, có các khoản phí bảo vệ môi trường đang thu là: Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, chất thải rắn. Năm 2015, số tiền thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là hơn 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2017 con số này đã tăng lên được 2.100 tỷ đồng, chủ yếu là từ nước thải sinh hoạt. Với phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, năm 2015 thu được hơn 1.900 tỷ, đến năm 2017 thu được gần 2.500 tỷ đồng. |
Theo Hà Duy (VietnamNet.vn)
Ý kiến đánh giá