Thứ Bảy, 23/11/2024 | 00:52
08:20 |
Ô tô made in Việt Nam giá rẻ: Các nước làm được, ta chưa dám quyết
Nếu không tính thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước, giá thành sản xuất ô tô trong nước sẽ giảm đáng kể. Nhưng vấn đề này đang ở trạng thái “tiếp tục nghiên cứu” do có khả năng vi phạm cam kết WTO.
Nguy cơ vi phạm cam kết WTO nhưng các nước vẫn làm
Nguồn tin của PV. VietNamNet cho hay, Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, có nội dung đề cập “giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị "linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước".
Nếu điều này được áp dụng, giá thành xe ô tô sản xuất trong nước sẽ giảm đáng kể.
Bộ Tài chính cho hay, nội dung quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa sản xuất trong nước đang được quy định tại Luật 106/2016/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.
Các doanh nghiệp ô tô sản xuất trong nước vẫn đang "ngóng" ưu đãi thêm.
Căn cứ các quy định tại Luật này, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa sản xuất trong nước thuộc diện chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt (trong đó có ô tô) là giá do cơ sở sản xuất bán ra. Do vậy, trường hợp sửa đổi quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô theo hướng không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng tạo ra trong nước thì phải sửa quy định tại khoản 1 điều 6 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và đề xuất phương án giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Dẫn quy tắc đối xử quốc gia nêu tại Điều III Hiệp định GATT của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bộ Tài chính nêu ra lo ngại nếu hướng dẫn giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được trừ đi giá trị linh kiện sản xuất trong nước “có thể sẽ vi phạm cam kết về phân biệt giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước”.
Tuy nhiên, Bộ này cho rằng một số nước cũng áp dụng quy định cho trừ giá trị linh kiện nhập khẩu hoặc ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước trong một thời gian ngắn 3-5 năm. Mục đích là để trong trường hợp bị kiện thì “quy định ưu đãi cũng hết hiệu lực”.
Những nước được dẫn chứng trong văn bản có quy định kể trên là Thái Lan và Indonesia - hai quốc gia có ngành công nghiệp ô tô, sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô phát triển.
Do vậy, Bộ Tài chính cho hay đang tiếp tục nghiên cứu để trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định khi sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Người dân vẫn phải dùng ô tô với giá đắt đỏ. Ảnh: L.Bằng
Hơn 1 năm đề xuất, vẫn phải nghiên cứu kỹ
Ưu đãi cho ô tô sản xuất trong nước có tỷ lệ nội địa hóa cao là điều cũng đã được Bộ Công Thương đề xuất từ lâu. Cơ quan này lý giải là nhằm khuyến khích DN nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu.
Do “chênh vênh” về khả năng vi phạm cam kết WTO, nên cách đây 1 năm, Bộ Tài chính đã có lần “bác” kế hoạch kể trên vì chưa phù hợp với các Quy tắc đối xử quốc gia (NT) nêu tại Điều III, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT. Điều đó khiến các DN sản xuất ô tô trong nước “lo sốt vó”.
Chia sẻ với PV. VietNamNet khi ấy, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty ô tô Huyndai Thành Công, cho hay: "Đây là một tin không vui”.
Nói đến điều xấu nhất có thể xảy ra, ông Lê Ngọc Đức cho rằng: "Nếu không được trừ phần thuế tiêu thụ đặc biệt cho linh kiện sản xuất trong nước, chúng tôi sẽ phải rà soát lại việc đầu tư, chỉ có thể đầu tư sản xuất các chi tiết có giá trị thấp và đầu tư nhỏ. Như vậy khó thành hiện thực tỷ lệ nội địa hóa".
“Có ý kiến lo ngại vi phạm cam kết WTO, nhưng chính sách của chúng ta không dẫm vào các cam kết mà theo hướng tiệm cận các vạch đỏ. Các nước tôi vừa nêu đều là thành viên WTO, họ đã khôn khéo vận dụng được và ta cần tham khảo. Đề xuất của Bộ Công Thương hoàn toàn có thể được ban hành có lộ trình 3-5 năm, để các nhà sản xuất ô tô có điều kiện phát triển”, ông Lê Ngọc Đức chia sẻ.
Tại hội nghị về phát triển công nghiệp hỗ trợ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 19/12/2018, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải, cho rằng: Cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP với thuế suất nhập khẩu một số linh kiện được lắp ráp trong nước (CKD) bằng 0%.Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ để sản phẩm ô tô sản xuất trong nước có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Vì vậy, lãnh đạo ô tô Trường Hải tiếp tục đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ phần trăm linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước để khuyến khích công nghiệp hỗ trợ phát triển và giảm giá xe cho người tiêu dùng.
Việc đề xuất ưu đãi ô tô sản xuất trong nước như trên từng nhận được rất nhiều tranh luận trái chiều trong quá trình lấy ý kiến.
UBND TP. Hải Phòng cho rằng: Ô tô là mặt hàng chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt rất cao, việc giảm thuế dựa trên tiêu chí “trừ đi phần giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước” cần cân nhắc kỹ lưỡng.
“Hiện tại, phần giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước đối với các doanh nghiệp là bao nhiêu? Khả năng tăng thêm phần giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước khi áp dụng chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt? Số thuế tiêu thụ đặc biệt giảm khi áp dụng chính sách mới? Từ đó, có kết luận cụ thể về lợi ích mang lại khi áp dụng chính sách mới về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành sản xuất xe ô tô trong nước”, UBND TP. Hải Phòng từng góp ý.
Theo Lương Bằng (VietnamNet.vn)
Ý kiến đánh giá