Chủ Nhật, 19/01/2025 | 06:10
09:05 |
4 điểm nhấn thị trường ôtô Việt nửa đầu 2019
Xe nhập về ồ ạt, đua giảm giá với ôtô lắp ráp hay xe mới liên tiếp ra mắt là những điểm nổi bật 6 tháng đầu năm.
Hết tháng 6, sức mua ôtô của người Việt chỉ tăng nhẹ 0,1% tuy nhiên cũng đóng góp vào doanh số cộng dồn nửa đầu 2019 tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng mảng xe con tăng 35%, đạt 113.115 xe bán ra.
Hyundai Elantra bản nâng cấp tại Việt Nam.
Cuộc đua tranh thị phần giữa xe lắp ráp và nhập khẩu trong nửa năm qua tạo nên những biến động mạnh trên thị trường. Người Việt đón nhận nhiều đợt giảm giá từ các hãng lẫn đại lý, song song là hàng loạt xe mới ra mắt.
Dưới đây những điểm nhấn nổi bật của thị trường ôtô Việt sau nửa đầu 2019:
Xe nhập khẩu về nước, đua doanh số với xe lắp ráp
Khi thị trường xe nhập khẩu được khơi thông kể từ nửa sau 2018, ôtô chủ yếu từ hai nước láng giềng Thái Lan, Indonesia tiếp tục đổ về Việt Nam trong 2019. Hai quốc gia này đóng góp hơn 95% lượng ôtô con nguyên chiếc được các hãng đưa về để bán cho người Việt.
Honda Brio, một trong những mẫu xe mới nhập khẩu về Việt Nam nửa đầu 2019.
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, tính từ đầu 2019 đến thời điểm 15/6, Việt Nam chi khoảng 1,56 tỷ USD nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc các loại. Riêng xe con, số lượng là 52.348 chiếc, gấp khoảng 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị ước đạt gần 1 tỷ USD.
Xe nhập khẩu ồ ạt về nước khiến cán cân cạnh tranh với xe lắp ráp trở nên cân bằng hơn. Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy, chênh lệch về sản lượng tiêu thụ của xe lắp so với xe nhập giảm từ hơn 85.800 xe giai đoạn 6 tháng 2018 xuống còn gần 29.200 xe trong nửa đầu 2019.
Ôtô nhập, lắp đua giảm giá
Với nguồn hàng ổn định và việc đua tranh thị phần từ các hãng, thị trường ôtô Việt trong nửa năm qua không còn nhiều đợt tăng giá mạnh. Trái lại, xe hơi liên tục giảm giá. Thậm chí khi không có chính sách từ hãng, các đại lý cũng tự mình thực hiện các chương trình giảm giá để kích cầu.
Cả xe lắp ráp lẫn nhập khẩu đều giảm giá để lôi kéo khách hàng. Mazda3, Mazda6, Nissan X-Trail, Toyota Vios lắp ráp trong nước có những đợt giảm giá hàng chục triệu hoặc tặng phụ kiện. Toyota Camry mới nhập khẩu đặt giá thấp hơn bản cũ lắp ráp để tạo sức hút. Honda cũng không ngoài cuộc chơi. Hãng ưu đãi quà tặng cho khách hàng mua Jazz nhập khẩu, đồng thời hạ giá bán cho City lắp ráp.
Honda City tại một đại lý ở Hà Nội.
Từ tháng 3 trở đi, ôtô tại các đại lý luôn ở thế khách tìm xe. Mức giảm không nhiều và không đều đối với các thương hiệu giúp người tiêu dùng có thêm những cân nhắc khi lựa chọn xuống tiền. Cách làm này là một trong những nguyên nhân thúc đẩy doanh số tiêu thụ toàn thị trường tiếp tục tăng trưởng.
Một vài mẫu xe hot như Toyota Fortuner, Mitsubishi Xpander, Honda CR-V nhập khẩu càng về thời điểm giữa 2019, được các đại lý giảm giá hàng chục triệu để tạo đà doanh số trước khi bước vào tháng 7 âm lịch, thời điểm sức mua thường giảm. Tuy vậy, giá xe hạ xuống trên diện rộng nhưng không có hãng nào quá nổi trội về mức giảm.
Trường hợp của Trường Hải trong những năm 2017, 2018 với các sản phẩm của hãng, đặc biệt Mazda CX-5 giảm giá liên tục, không còn xuất hiện trong 2019. Các hãng có chiến lược riêng ở hai nửa đối nghịch: tăng sức mua cho những mẫu xe bán chạy, ngược lại giảm giá để cải thiện doanh số, đẩy hàng tồn cho sản phẩm bán chậm.
Xe phổ thông, xe sang liên tiếp ra mắt
Sau giai đoạn Tết Nguyên đán 2019, hàng loạt sản phẩm mới được các hãng tung ra thị trường. Những cái tên mới lần đầu xuất hiện như Honda Brio nhập khẩu, Mazda CX-8, VinFast Fadil lắp ráp. Toyota, hãng xe có thị phần lớn nhất thị trường lần đầu phân phối Camry nhập khẩu Thái Lan và đưa Fortuner quay lại lắp ráp trong nước.
Toyota Camry nhập khẩu Thái Lan trong sự kiện ra mắt hôm 23/4 tại Vĩnh Phúc.
Hyundai, sau Santa Fe thế hệ mới ra mắt hồi cuối 2018, kịp hâm nóng bằng bộ đôi sản phẩm nâng cấp Tucson, Elantra trong 2019. Suzuki đưa về nước Ertiga sau thời gian dài gián đoạn. Kia có Optima, Cerato mới, lắp ráp trong nước.
Tương tự thị trường xe phổ thông, phân khúc xe sang tuy không có nhịp sôi động bằng nhưng cũng không ít sản phẩm mới ra mắt khách Việt. Điểm nhấn lớn nhất là việc thương hiệu hạng sang nước Anh, Aston Martin lần đầu phân phối chính hãng tại Việt Nam, giá từ 15 tỷ đồng. Lexus đưa về nước ES, RC300, Volvo phân phối XC40 cạnh tranh Mercedes GLA, BMW X1.
Định hướng ưu tiên xe lắp ráp
Nghị định 116 trong 2018 đặt ra các quy chuẩn nghiêm ngặt trong khoản nhập xe và nhiều dự thảo về chính sách ôtô đang có xu hướng ủng hộ sản xuất xe hơi trong nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, 2020 là thời điểm các hãng xác định được định hướng ưu tiên lắp hay nhập khẩu xe.
Một vài động thái có thể thấy rõ trên thị trường như việc Toyota đưa Fortuner quay lại lắp ráp trong nước để giải quyết vấn đề nguồn cung thiếu ổn định. Hãng này mua thêm đất để mở rộng nhà máy cũng như xây dựng đường thử, mục tiêu tăng công suất lên 90.000 xe/năm vào 2023 từ mức 50.000 xe/năm như hiện nay.
Mazda CX-8, sản phẩm mới được Trường Hải lắp ráp từ 2019.
Không chỉ Toyota, Mitsubishi đang đẩy mạnh bán hàng cho Xpander, mẫu MPV về nước từ nửa sau 2018 và đang có doanh số tiêu thụ tốt trong 6 tháng 2019 (7.544 xe). Con số 10.000 xe/năm là đích ngắm của liên doanh Nhật tại Việt Nam để thuyết phục hãng mẹ đồng ý lắp ráp Xpander tại Việt Nam. Hiện cũng có thông tin cho rằng, Honda cân nhắc quay lại lắp ráp CR-V để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Bước chuyển định hướng được gán chủ yếu cho các liên doanh Nhật. Trong khi đó bộ ba Hyundai Thành Công (HTC), Trường Hải và mới nhất VinFast, là những hãng tiếp tục đẩy mạnh lắp ráp trong nước. Với HTC, hãng đang trong quá trình xây dựng nhà máy mới, kỳ vọng đến 2021 có thể vượt Toyota về thị phần tại Việt Nam.
Nhà máy tại Chu Lai, Quảng Nam vẫn là đại bản doanh chính của Trường Hải. Nơi đây là nhà máy thứ tư trên thế giới lắp ráp mẫu xe 7 chỗ mới Mazda CX-8. Triển vọng dài hơn là lắp ráp cả thương hiệu hạng sang BMW. Trong khi đó, VinFast, sau sản phẩm đầu tiên Fadil là loạt sản phẩm mới như Lux A2.0, SA2.0 lắp ráp tại nhà máy ở Hải Phòng.
Theo Thành Nhạn (Báo điện tử VnExpress.net)
Ý kiến đánh giá