Thứ Bảy, 18/01/2025 | 17:44
08:00 |
Cẩn trọng với phụ tùng ô tô giả tại Việt Nam
Cùng với sự tăng trưởng liên tục về số lượng xe bán ra, thị trường ô tô Việt Nam những năm gần đây cũng xuất hiện ngày càng nhiều các vụ việc liên quan đến phụ tùng ô tô giả. Những mẫu xe bị ảnh hưởng không chỉ là những dòng xe phổ thông, mà nay đã lấn sang cả những dòng xe sang như Mercedes-Benz. Đối với người dùng, hậu quả nhẹ là mất tiền oan kèm theo nhiều phiền phức và nặng hơn là hỏng xe và rủi ro về an toàn nghiêm trọng.
Sản xuất và tiêu thụ phụ tùng ô tô giả và nhái là một lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận. Ngành công nghiệp ô tô trên toàn cầu liên tục thiệt hại hơn 20 tỷ USD mỗi năm do hoạt động phi pháp này gây ra. Mục tiêu của các hoạt động sản xuất phụ tùng ô tô giả là các thương hiệu ô tô phổ biến, tiêu thụ với số lượng lớn như Toyota, General Motors, Ford… và cả các phụ tùng thay thế của những thương hiệu xe sang như Mercedes-Benz vì giá trị cao của chúng.
Mâm đúc hợp kim, két tản nhiệt, lưới tản nhiệt, đèn, lo-go, gạt nước và đặc biệt là các loại phụ tùng cần thay thế định kỳ như phuộc nhún, lọc gió, lọc dầu, má phanh là những loại nằm trong danh sách bị làm giả nhiều nhất.
Tương tự như các mặt hàng khác, Trung Quốc vẫn là nơi sản xuất phụ tùng ô tô giả lớn nhất thế giới với tỷ trong ước tính lên tới hơn 80%, tiếp đến là quốc gia Trung Đông UAE. Các loại phụ tùng giả này được tiêu thụ trên toàn cầu thông qua các kênh nhập khẩu số lượng lớn, và cả những trang thương mại điện tử như Amazon, ebay…
Hiện tại, vẫn không khó để có thể tìm thấy một loạt các nhà cung cấp phụ tùng Mercedes-Benz trên các kênh thương mại điện tử như ebay, Aliexpress… từ chìa khóa nhái Mercedes-Benz, đèn hậu, bộ cảm biến áp suất lốp, lưới tản nhiệt và cả những phụ tùng quan trọng như đĩa phanh, má phanh, giảm xóc thủy lực…
Lô-gô nhái Mercedes-Benz được rao bán trên mạng, nhưng người bán từ Trung Quốc và vận chuyển về Việt Nam.
Một số chi tiết được làm nhái lộ liễu, người mua có thể dễ dàng nhận biết được ngay từ hình ảnh mà người bán đăng tải, nhưng cũng không ít chi tiết được làm giả tinh xảo kèm theo cả lô-gô chính hãng, mã số phụ tùng, mà ngay cả những người trong ngành cũng không dễ dàng phân biệt được. Nhiều loại phụ tùng khác lại được đăng bán lợi dụng sự nhập nhằng giữa sản phẩm chính hãng và sản phẩm của OEM (Original Equipment Manufacturer – nhà sản xuất thiết bị gốc), và đôi khi quảng bá như là phụ tùng chính hãng, khiến người dùng bối rối.
Ngoài các sản phẩm giả, nhái, sản phẩm được quảng bá là phụ tùng OEM, trên thị trường còn nhiều loại phụ tùng thay thế mang thương hiệu riêng. Tuy chúng không phải là hàng nhái/giả nhưng tất cả các loại phụ tùng này đều không phải là phụ tùng chính hãng và chất lượng thì không ai có thể đảm bảo.
Đèn hậu cho xe Mercedes-Benz E-Class phiên bản W212 được rao bán trên Aliexpress với giá 180USD/chiếc (340USD/cặp) dưới dạng là phụ tùng OEM (tức là nhà sản xuất phụ tùng gốc).
Thị trường Việt Nam có đầy đủ các dạng phụ tùng nói trên và đã có không ít các trường hợp người dùng xe Mercedes-Benz mua phải phụ tùng giả được quảng bá là hàng chính hãng. Trường hợp điển hình cách đây không lâu làm dậy sóng các diễn đàn, anh T.T.C người đang sử dụng chiếc Mercedes-Benz E-class đã đặt mua bộ cảm biến áp suất lốp (TMPS) qua mạng xã hội, từ một cửa hàng phụ kiện xe sang tại TPHCM trị giá 11 triệu đồng, với đầy đủ lô-gô Mercedes-Benz, đúng mã phụ tùng và được cam kết là “bảo hành trọn đời, đền tiền gấp 10 lần” nếu là hàng không chính hãng.
Tuy nhiên, ngay sau khi lắp lên xe, bộ cảm biến áp suất lốp này liên tục báo sai áp suất lốp và hoạt động không ổn định. Khách hàng sau đó đưa xe đến đại lý chính hãng của Mercedes-Benz Việt Nam để kiểm tra thì phát hiện bộ cảm biến áp suất lốp này không phải là hàng chính hãng. Chủ cửa hàng sau đó cũng phải thừa nhận bộ cảm biến áp suất lốp này được mua từ eBay.
Bộ kiểm soát áp suất lốp giả (dưới, bên trái) có đủ mã phụ tùng của Mercedes-Benz, trong khi van cảm biến áp suất lốp (dưới, bên phải) lại không có mã phụ tùng.
Chia sẻ của khách hàng T.T.C về vụ việc mua phải bộ cảm biến áp suất lốp giả. Người bán trước đó khẳng định đây là hàng chính hãng 100% và cam kết “bảo hành trọn đời”, đồng thời “đền 10 lần tiền” nếu là hàng giả.
Ví dụ về hệ thống cảm biến áp suất lốp ở trên chỉ là một trong số rất nhiều các trường hợp khách hàng tại Việt Nam mua phải phụ tùng Mercedes-Benz giả được quảng bá là hàng chính hãng. Chất lượng kém của các loại phù tùng như vậy gây nhiều phiền phức cho khách hàng, nhưng may mắn là chưa ảnh hưởng đến sự an toàn của người dùng. Hãy thử tưởng tượng chiếc xe Mercedes-Benz của bạn lắp phải bộ má phanh giả, khi phanh gấp từ tốc độ 80km/h thì thay vì dừng lại sau chưa đến 40m, chiếc xe lại di chuyển tới hơn 55m mà vẫn chưa dừng hẳn.
Hay như hình ảnh dưới đây về bộ mâm giả được anh Vĩnh Nam – Quản trị viên nhóm Facebook GLC Club chia sẻ. Bộ mâm có giá 70 triệu đồng được người bán khẳng định là “hàng tháo xe” chính hãng, đã bị gãy rời khi gặp đá.
Hãy thử tưởng tượng bạn bạn sẽ đối mặt với mối nguy hiểm như thế nào khi đang chạy tốc độ cao, va trúng ổ gà và chiếc mâm gãy rời như trong hình.
Một đại diện của Mercedes-Benz Việt Nam cho biết phụ tùng thay thế chính hãng cho mọi chiếc xe Mercedes-Benz chỉ được cung cấp thông qua hệ thống đại lý ủy quyền chính hãng. Các loại phụ tùng thay thế này được Mercedes-Benz đặt hàng từ Daimler thông qua hệ thống quản lý chuyên dụng với đầy đủ thông tin chi tiết từ lô-gô, mã số phụ tùng, tem Mercedes-Benz chống hàng giả, chứng nhận nhập khẩu… Và đây là nguồn phụ tùng thay thế chính hãng duy nhất mà người dùng có thể yên tâm đặt niềm tin.
Việc sử dụng phụ tùng thay thế không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng không chỉ làm ảnh hưởng đến tính năng vận hành của xe, mà người dùng còn phải thường xuyên đối mặt với các rủi ro an toàn nghiêm trọng. Ngoài ra, sử dụng các loại phụ tùng giả, kém chất lượng còn có thể gây hư hỏng cho các bộ phận khác trên xe, làm tăng mạnh chi phí sửa chửa bảo trì sau đó và đối mặt với nguy cơ an toàn cho chính người sử dụng.
Chăm sóc xe sang như chăm sóc sức khoẻ vàng
Trang Nguyễn (Forum.autodaily.vn)
Ý kiến đánh giá