Chủ Nhật, 19/01/2025 | 02:03
10:50 |
Đề xuất giảm 50% thuế cho khách Việt mua ôtô vì Covid-19
Do sức mua giảm vì tác động của dịch Covid-19, các hãng xe tại Việt Nam đề xuất giảm 50% thuế GTGT và phí trước bạ cho khách mua ôtô.
Trước tác động của dịch Covid-19 đối với ngành xe hơi trong nước, các hãng xe thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) có văn bản báo cáo gửi Chính phủ, các Bộ Công Thương, Tài Chính, GTVT, hôm 20/3.
Các hãng xe đề xuất giảm 50% thuế GTGT (VAT) và phí trước bạ cho khách hàng mua ôtô nhằm kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh sức mua sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Công thức cơ bản tính giá niêm yết một mẫu xe:
Giá niêm yết = Giá vốn + Thuế TTĐB + Chi phí bán hàng + VAT
Để lăn bánh một mẫu ôtô mới, người mua cần thêm nhiều khoản phí khác như: phí trước bạ (10-12% giá xe niêm yết), phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí ra biển số.
Như vậy về mặt lý thuyết, nếu giảm 50% thuế VAT và phí trước bạ, giá ôtô tương ứng giảm và kéo theo giá lăn bánh giảm theo. Tuy nhiên, đây chỉ mới là đề xuất của VAMA và chưa được thông qua bởi cơ quan chức năng.
Cơ sở cho đề xuất giảm một nửa thuế, phí cho khách hàng mua ôtô của VAMA xuất phát từ nhu cầu sắm xe giảm liên tục trong hai tháng qua và được dự đoán tương tự ở tháng 3/2020. Bên cạnh lí do về thời điểm sau Tết thường sức mua yếu, tác động của dịch Covid-19 còn khiến khách hàng hạn chế di chuyển, phát sinh tâm lý trì hoãn chờ hết dịch thay vì mua xe như nhu cầu bình thường.
Theo đánh giá của các hãng xe tại Việt Nam, lượng khách đến đại lý tìm hiểu xe giảm đáng kể thời gian qua, khiến hợp đồng mua-bán xe mới hoàn tất giảm tương ứng. VAMA dự đoán tăng trưởng cả năm 2020 của ngành ôtô trong nước có thể giảm hơn 15% so với dự báo ban đầu.
Đối với dịch vụ sửa chữa, báo cáo của VAMA cho biết, lượng xe đến đại lý giảm khoảng 30-40%. Nếu dịch bệnh kéo dài trong thời gian tới, con số có thể lên đến 60-70%.
Tác động của dịch Covid-19 ngày càng rõ hơn khi không chỉ nhu cầu tiêu dùng, hoạt động sản xuất của nhiều hãng xe phải tạm ngưng. Mới đây, Ford Việt Nam ra thông báo nhà máy của hãng ở Hải Dương tạm ngưng sản xuất từ 26/3 và có thể kéo dài vài tuần. Hãng cho biết đang duy trì một lượng cung ứng đủ cho hoạt động bán hàng trong vài tuần tới.
Đại diện một hãng xe Nhật tại Việt Nam nói rằng, nhà máy lắp ráp của hãng cũng sắp đóng cửa tạm thời. "Vấn đề là sớm hay muộn và khi nào nhà máy hoạt động trở lại, chúng tôi cũng không thể nói trước", vị này cho biết.
Sếp phụ trách chiến lược một hãng xe Nhật có thị phần lớn tại Việt Nam nói rằng: "Sản xuất ôtô là một hoạt động có mối liên kết quốc tế. Nhu cầu giảm thì có thể khơi dòng sức mua bằng cách ưu đãi, giảm thuế, nhưng nguồn cung linh kiện tắc từ đầu thì nhà máy không thể nào hoạt động".
Theo vị này, các hãng lắp ráp tại Việt Nam phần lớn nhập khẩu linh, kiện từ các nước thuộc ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Với tình hình dịch bệnh vẫn đang lan rộng trên quy mô toàn cầu, hoạt động của các nhà máy trong nước ít nhiều bị ảnh hưởng.
Dịch Covid-19 đang làm chệch hướng nhiều kế hoạch kinh doanh của các hãng tại Việt Nam. Suzuki đang lên chương trình ra mắt và trải nghiệm một sản phẩm mới nhưng chưa thể nói chính xác thời điểm vì vẫn đang theo dõi tình hình dịch bệnh. "Bên hãng sẽ thông báo cho khách hàng, truyền thông khoảng 15-20 ngày trước khi diễn ra chương trình", một người phụ trách sự kiện này cho biết.
Tương tự, nhiều hãng như Mitsubishi, Mazda (Thaco) cũng hạn chế tổ chức các sự kiện ra mắt ngoài trời quy mô đông người cho các xe mới như Attrage, Mazda2. Thay vào đó, truyền thông tác nghiệp đơn lẻ hoặc nhận thông tin từ hãng. Đại diện Lexus, Piaggio cho biết phải hoãn tổ chức các sự kiện truyền thông vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Theo Thành Nhạn (Báo điện tử VnExpress.net)
Ý kiến đánh giá