Thứ Sáu, 11/10/2024 | 03:46
08:56 |
Lo ô tô cắt khuyến mại, tăng giá
Nhiều người hy vọng sẽ mua được xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước vừa có giá thấp, lại vừa được giảm thêm 50% lệ phí trước bạ coi như là hưởng lợi kép. Liệu điều này có thành hiện thực?
Dân buôn đảo chiều giá bán
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 để kích cầu tiêu dùng. Theo tính toán, khi giảm 50% lệ phí trước bạ, với những mẫu xe bình dân sản xuất lắp ráp trong nước từ 9 chỗ trở xuống, khách hàng sẽ tiết kiệm được từ 15-80 triệu đồng; còn với xe sang tiết kiệm được từ 70-270 triệu đồng tùy mẫu.
Như vậy, liệu người tiêu dùng có mua được xe sản xuất lắp ráp trong nước vừa có giá thấp như hiện nay, lại vừa được giảm thêm 50% lệ phí trước bạ nữa, coi như là hưởng lợi kép?
Trong phân tích mới đây, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng nghi ngờ về điều này.
Ô tô trong nước vẫn đang tồn kho lớn
Theo ông Đồng, việc giảm 50% lệ phí trước bạ không ảnh hưởng đến giá bán xe của các DN ô tô trong nước bởi đây là khoản thu sau khi khách hàng đã mua xe. Nhưng rất có thể, đây sẽ là cơ sở để các DN cắt giảm bớt những chương trình khuyến mãi, kích cầu đang thực hiện với ô tô trong nước hiện nay.
Trên thực tế, dịch Covid-19 khiến doanh số bán ô tô tại Việt Nam giảm mạnh. Từ đầu năm 2020 đến nay, các DN đã chủ động tung ra những chương trình khuyến mãi, giảm giá “khủng” để kích cầu. Nhiều mẫu ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đã được các DN hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, giảm giá, tặng quà,... giá trị từ hàng chục cho đến cả trăm triệu đồng.
Nay Chính phủ tung ra gói hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ, thì DN có thể sẽ xem xét lại, cắt giảm bớt những chương trình khuyến mãi, giảm giá “khủng” mà mình đang thực hiện. Như vậy khách hàng sẽ không thể mua được những chiếc ô tô sản xuất lắp ráp trong nước với giá thấp nữa.
Khi lệ phí trước bạ giảm 50%, khách mua xe bình dân từ 9 chỗ ngồi trở xuống lắp ráp trong nước, có thể tiết kiệm được từ 15-80 triệu đồng. Nhưng nếu như các DN và đại lý lại điều chỉnh, cắt khuyến mãi tương ứng với số tiền từ 15-80 triệu đồng so với hiện nay thì sẽ như thế nào? Như vậy, khoản “hỗ trợ” sẽ được chuyển từ DN sang Chính phủ và khách hàng đâu có được hưởng lợi kép, ông Đồng nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Thiên Phúc An, cho rằng, điều này có xảy ra hay không, còn tùy thuộc vào thị trường. Nếu nhu cầu về xe lắp ráp trong nước tăng đột biến, chắc chắn các DN sẽ điều chỉnh lại giá bán, cắt giảm các chương trình khuyến mãi. Còn nhu cầu vẫn thấp như hiện tại, xe ế ẩm thì đương nhiên DN không thể mạnh tay cắt giảm khuyến mãi hay điều chỉnh tăng giá.
Giá xe có tăng?
Do ảnh hưởng của dịch Covid 19, nhiều lao động bị mất việc, giảm thu nhập, nhiều DN gặp khó khăn, vì vậy nhu cầu về ô tô không cao. Lượng tồn kho ô tô hiện vẫn rất lớn, trong khi Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo năm 2020 nhu cầu xe giảm 15% so với 2019. Cung vượt cầu, xe vẫn phải giữ giá thấp, tăng khuyến mãi. Hơn nữa, nếu chỉ có lệ phí trước bạ giảm 50% chưa hẳn đã hấp dẫn khách hàng. Vì vậy, xe trong nước cần phải giữ giá thấp để tạo lợi thế nếu muốn tăng doanh số.
Người mua ô tô sẽ được hưởng lợi kép: vừa được giảm lệ phí trước bạ, vừa có giá thấp.
Ngoài ra, còn có một yếu tố khác là xe nhập khẩu. Nguồn ô tô nhập khẩu nguyên chiếc của Việt Nam chủ yếu từ Thái Lan và Indonesia. Hai quốc gia này đã có gói hỗ trợ các DN sản xuất ô tô. Chính vì vậy, thời gian tới ô tô nhập khẩu về Việt Nam dự báo tiếp tục có điều kiện giảm giá cạnh tranh với xe trong nước.
Không những thế, mọi rào cản với xe nhập khẩu từ ASEAN đã được bãi bỏ. Việc nhập xe nguyên chiếc vô cùng thông thoáng, trong khi Indonesia và Thái Lan đều có sản lượng ô tô lớn và lợi thế cạnh tranh về giá. Trong tình hình khó khăn chung do đại dịch Covid-19, tồn kho lớn, chỉ cần các quốc gia này “bật đèn xanh” thì ô tô đại hạ giá sẽ được đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.
Hơn nữa, các DN cũng có thể tính tới việc hỗ trợ khách mua xe nhập khẩu 50% lệ phí trước bạ, như Chính phủ làm với xe trong nước. Khi giá xe nhập khẩu nguyên chiếc giữ ở mức thấp sẽ gây áp lực với xe trong nước. Giá xe trong nước khó có thể điều chỉnh tăng.
Chỉ có lý do khiến giá xe tăng là nhu cầu của người dân tăng mạnh, dẫn đến thiếu nguồn cung.
Dự báo của các DN cho thấy, thị trường ô tô năm 2020 không sáng sủa. Nhu cầu mua xe giảm chưa rõ kéo dài bao lâu. Công ty Honda Việt Nam nhận định, do tác động của dịch bệnh, thị trường ô tô không chỉ bị ảnh hưởng trong năm 2020 có thể còn kéo dài sang các năm tiếp theo, doanh số giảm.
Theo số liệu của VAMA, doanh số bán hàng toàn thị trường 4 tháng đầu năm 2020, đạt 60.825 xe các loại, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Khả năng nhu cầu tăng mạnh dẫn đến thiếu xe là khó xảy ra. Vì vậy, giá xe khó tăng và người tiêu dùng vẫn có thể được hưởng lợi kép.
Theo Trần Thủy (Báo điện tử VietnamNet)
Ý kiến đánh giá