Thứ Bảy, 18/01/2025 | 19:54
17:53 |
Tranh cãi việc giảm phí trước bạ để 'cứu' thị trường ôtô
Dù Bộ Tài chính phản đối, Bộ Công Thương vẫn muốn giảm phí trước bạ trong khi "liều thuốc" này được giới chuyên gia đánh giá, không đủ kích cầu thị trường.
Vi phạm cam kết quốc tế hay không
Nêu ý kiến mới đây, Bộ Tài chính phản đối việc giảm 50% lệ phí trước bạ, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 như đề xuất ban đầu của Bộ Công Thương. Lý do là, nếu thông qua đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với nhập khẩu.
Tuy nhiên, phản hồi sau đó, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm muốn giảm, giãn các loại phí, thuế này. Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) giải thích thêm, đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thấy rằng, một số thành viên WTO, ASEAN cũng có các biện pháp trợ cấp tương tự và vẫn được duy trì mà không gặp nhiều phản ứng từ các quốc gia khác.
Chẳng hạn, Philippines hiện áp dụng hình thức trợ cấp dựa trên năng lực sản xuất để khuyến khích thúc đẩy sản xuất trong nước. Myanmar cũng có chính sách tương tự. Năm 2018, Chính phủ nước này cấm nhập khẩu xe đã qua sử dụng và thúc đẩy sản xuất ôtô trong nước nhằm thu hút các hãng nước ngoài. Ngoài ra, để khuyến khích xe lắp ráp, Chính phủ miễn thuế hàng hóa đặc biệt và lệ phí trước bạ, trong khi xe nhập vẫn bị áp những thuế, phí này.
Bên cạnh đó, thời gian áp dụng chính sách này cũng rất ngắn, chỉ hết năm 2020, và trong bối cảnh đặc biệt ảnh hưởng của dịch bệnh, nên khả năng bị các quốc gia vi phạm cam kết là hầu như không có.
Nội dung này hiện được Bộ Kế hoạch & Đầu tư - cơ quan được giao chủ trì xây dựng Nghị quyết tháo gỡ khó cho doanh nghiệp lấy ý kiến và chờ chỉ đạo của Chính phủ.
Xưởng sản xuất, lắp ráp thân vỏ của Nhà máy Ôtô Vinfast (Hải Phòng). Ảnh: Cao Tuấn
'Liều thuốc' giảm lệ phí trước bạ
Đề xuất giảm 50% phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước xuất phát từ nhu cầu sắm ôtô giảm liên tục từ đầu năm do Covid-19. 4 tháng qua lượng tiêu thụ xe đã giảm 40% và sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước giảm gần 24% so với cùng kỳ 2019. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) dự báo tăng trưởng cả năm 2020 của ngành ôtô trong nước có thể giảm hơn 15% so với tính toán ban đầu. Giảm phí trước bạ không giúp giảm giá xe, nhưng sẽ giảm chi phí để xe lăn bánh, yếu tố ảnh hưởng tới quyết định của người tiêu dùng.
Lệ phí trước bạ hiện dao động theo khung 10-15%, tùy địa phương. Chẳng hạn, tại Hà Nội, với mức lệ phí 12%, một chiếc xe con trị giá 1 tỷ đồng, người mua sẽ phải trả 120 triệu đồng cho khoản này, chưa gồm các loại phí khác như đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, phí ra biển số... Giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết năm 2020, tức người mua tiết kiệm được 60 triệu đồng khi mua xe 1 tỷ.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, để thị trường phục hồi như trước đại dịch sẽ mất rất nhiều thời gian nếu không có những chính sách kích cầu. Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết năm nay hay gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt trong 6 tháng sẽ giúp kích cầu.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước cho biết ủng hộ đề xuất giảm thuế, phí với ôtô. Theo ông, hiện hầu hết doanh nghiệp phải tự thân vận động. "Chính sách Nhà nước giống như bà đỡ và doanh nghiệp cũng rất cần. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lực kéo thị trường thì mới có thể cạnh tranh được", ông chia sẻ.
Tuy nhiên, đề xuất giảm 50% phí trước bạ ôtô, theo các chuyên gia, không dễ hiện thực hóa, cũng như kích thích thị trường ôtô sôi động trở lại.
Ông Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia cao cấp Học viện Tài chính nêu điểm đáng chú ý trong đề xuất của Bộ Công Thương, là chỉ giảm 50% phí trước bạn với xe lắp ráp, sản xuất trong nước, còn xe nhập khẩu thì vẫn giữ nguyên mức phí này. "Nếu đề xuất này được thông qua thì lập tức các doanh nghiệp nhập khẩu, các nước đối tác sẽ không ngồi yên, họ có thể đâm đơn kiện và như vậy không có lợi cho thị trường và các doanh nghiệp nói chung trong bối cảnh này", ông nêu.
Ông phân tích, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đều có nguyên tắc thỏa thuận là các nước thành viên không phân biệt đối xử giữa hàng trong nước và nhập khẩu. WTO có một số điều khoản ngoại lệ cho việc phân biệt đối xử như trợ cấp cho nhà sản xuất nội địa, bảo hộ bằng thuế mang tính phân biệt trong trường hợp một nước kém phát triển muốn khuyến khích một ngành công nghiệp non trẻ nào đó... Theo ông, không dễ dàng đề thực hiện trong trường hợp này.
Việc giảm phí này, theo ông Thịnh, cũng chưa chắc đã kích thích người tiêu dùng tăng mua xe nhiều hơn. "Kinh tế phục hồi, người dân có tiền, thu nhập trở lại thì họ mới nghĩ đến việc mua xe", ông nói.
Về việc chỉ đề xuất giảm 50% phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết 2020 mà không áp dụng với xe nhập khẩu, đại diện Cục Công nghiệp lý giải, giá xe nhập khẩu sẽ hạ xuống do phí này giảm, như vậy gây tác dụng ngược với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước khi muốn tạo khoảng cách nhất định về giá để kích thích người tiêu dùng mua xe.
Bộ Công Thương cũng đề nghị tiếp tục được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt 6 tháng với ôtô nội vì cho rằng việc này là thực hiện chính sách miễn giảm ở mức hợp lý, có thời hạn vì chiến lược phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, trong đó có ôtô. Ngoài ra, bộ này đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt với giá trị sản xuất nội địa áp dụng với ôtô sản xuất trong nước, nhập khẩu trong một thời hạn nhất định (khoảng 5 năm). Việc này sẽ giảm thiểu khả năng vi phạm các nguyên tắc của WTO. |
Theo Báo điện tử VnExpress.met
Ý kiến đánh giá