Thứ Ba, 12/11/2024 | 10:19
10:23 |
Trung Quốc: Ô tô điện bùng nổ đẩy xăng dầu đến nguy cơ “tuyệt chủng”
Sự tiện lợi và tiết kiệm chi phí là những ưu điểm nổi bật của ô tô điện thu hút sự quan tâm lớn của người dùng tại Trung Quốc. Nhu cầu với xe điện ngày càng tăng đồng nghĩa với mức tiêu thụ nhiên liệu từ dầu mỏ sẽ ngày càng giảm.
Taishang, miền nam Trung Quốc, nằm cách thành phố gần nhất hơn một giờ đồng hồ lái xe. Tại đây, những người đàn ông lớn tuổi vẫn thường tập trung tại ngôi nhà cộng đồng vào mỗi buổi chiều. Đàn gà béo lang thang khắp đường làng.
Tuy nhiên, đỗ trước một ngôi nhà là chiếc Tesla Model Y màu đen. Sun Hesheng, một doanh nhân 56 tuổi chuyên xuất khẩu kẹp tóc bằng nhựa, gần đây đã mua nó cho con trai ông, Sun Yajun. Trong khi ông Sun Hesheng hài lòng với chiếc Tesla Model Y vì chi phí vận hành của ô tô điện thấp hơn so với các ô tô chạy xăng, thì anh Sun Yajun lại quan tâm hơn vào thiết kế thời trang và các tính năng công nghệ cao. “Tesla rất thời trang và tương lai,” chàng trai 20 tuổi nói.
Sun và chiếc xe Tesla của anh ấy là một phần của sự bùng nổ xe điện đặc biệt ở Trung Quốc. Theo dữ liệu từ BloombergNEF, kể từ đầu năm 2017, Trung Quốc đã đạt doanh số hơn 18 triệu xe điện, chiếm gần một nửa tổng doanh số của thế giới và gấp 4 lần so với Mỹ. Đến năm 2026, nhóm nghiên cứu dự đoán rằng hơn 50% tổng doanh số bán xe chở khách mới ở Trung Quốc sẽ là xe điện, so với hơn 1/4 ở Mỹ.
Lượng mua hàng nội địa tăng vọt này đã giúp các công ty Trung Quốc xây dựng vị thế thống trị trong chuỗi cung ứng xe điện trên thế giới. Nhưng việc chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang động cơ điện ở Trung có những hệ quả vượt xa khỏi phạm vi của ngành công nghiệp ô tô.
“Mỗi chiếc ô tô bạn bắt đầu lái chạy bằng điện, bạn sẽ không lái những chiếc xe chạy bằng dầu. Nếu tốc độ tăng trưởng xe điện của Trung Quốc duy trì trong thập kỷ tới, điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến mức tiêu thụ xăng dầu trên toàn thế giới”, Robert Brecha, giáo sư về tính bền vững tại Đại học Dayton ở Ohio cho biết.
Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Mức tăng trưởng tiêu thụ khổng lồ kéo dài hai thập kỷ của quốc gia này đã giúp đưa giá dầu lên mức 100 USD một thùng và tạo ra nhiều tỷ phú ở Texas và Trung Đông.
Lĩnh vực vận tải chiếm gần một nửa tổng lượng tiêu thụ dầu của Trung Quốc, do đó, với số lượng xe điện ngày càng tăng đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng nhiên liệu dự kiến sẽ giảm. Các nhà phân tích cũng như giám đốc điều hành ngành đang đưa ra dự đoán về thời điểm Trung Quốc sẽ đạt đỉnh tiêu thụ dầu mỏ và nhiều khả năng sẽ đạt được trong năm nay.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng những dự đoán về nhu cầu dầu đạt đỉnh ở Trung Quốc là quá sớm. Trước đó, vào năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã dự báo rằng mức tiêu thụ cuối cùng sẽ đạt mức 690 triệu tấn mỗi năm. Năm tiếp theo, công ty này tăng dự báo lên 700 triệu tấn, rồi lên 740 triệu trước khi đạt 780 triệu tấn - triển vọng dự báo được đưa ra ở thời điểm hiện tại.
Dự đoán mức đỉnh tiêu thụ của Trung Quốc dựa trên giả định rằng tỷ lệ áp dụng xe điện sẽ tiếp tục tăng. Đó không phải là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, để xe điện thực sự trở nên phổ biến, chúng không thể chỉ là ô tô chạy trong thành phố mà cần có khả năng hoạt động ở các khu vực rộng lớn hơn của quốc gia này. Bên cạnh đó, xe điện không thể chỉ phục vụ tầng lớp khách hàng là những người có điều kiện kinh tế mà còn cần trở thành lựa chọn của mọi tầng lớp xã hội.
Xe điện ở Trung Quốc khá đa dạng, từ chiếc SUV Yangwang sang trọng, có thể đi được 1.000 km cho một lần sạc đầy, đến chiếc Wuling Hongguang Mini giá rẻ, có thể đi được khoảng 120 km một lần sạc. Phóng viên của Bloomberg chọn BYD Qin, mẫu sedan điện hạng A để chạy thử.
Trạm xăng đầu tiên nơi phong viên Bloomberg lựa chọn để sạc xe ở Thượng Hải là dấu hiệu ban đầu cho thấy ngay cả các công ty xăng dầu truyền thống cũng đang đặt cược vào việc chuyển đổi sang ô tô điện sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong tương lai gần. Được điều hành bởi Sinopec, nhà máy lọc dầu lớn nhất Trung Quốc, ở đây không chỉ có máy bơm xăng và dầu diesel mà còn có khoảng 20 trạm sạc cho xe điện.
Một nhân viên trạm sạc mang tên Zhang cho biết trong vài năm kể từ khi trạm sạc mở cửa, việc tính phí xe điện sạc pin đã tăng mạnh. Ô tô sạc 24 giờ một ngày và vào giờ ăn trưa, có rất nhiều tài xế hút thuốc trong khi chờ sạc pin đến mức Sinopec phải lắp một bức tường bê tông giữa hai khu vực sạc điện và trụ bơm xăng dầu để đảm bảo an toàn.
“Sẽ không còn ai lái xe xăng trong tương lai. Đó sẽ là một thế giới dành cho xe ô tô điện”, Zhang nói.
Sau khi đi một vòng ở Trung Quốc, phóng viên của Bloomberg nhận ra rằng các trạm xăng dầu có lắp trụ sạc xe điện như ở trạm Sinopec không còn là ngoại lệ nữa. Trung Quốc hiện đã có khoảng 2,5 triệu trạm sạc công cộng, nhiều nhất trên thế giới.
Li Yong, hiện đang lái chiếc MPV điện Changan Auto để vận chuyển thịt từ trang trại ngỗng của anh ở tỉnh An Huy cho khách hàng cách đó vài trăm km, cho biết việc chuyển đổi từ dùng xe xăng sang xe điện đang giúp anh tiết kiệm khoảng 80% chi phí nhiên liệu.
“Tôi sẽ không bao giờ quay lại dùng xe xăng. Ô tô điện rất tiện lợi và tiết kiệm chi phí”, anh Li nói tại một trạm sạc ở Hợp Phì.
Trở lại vùng Taishang, có thể sẽ sớm có thêm nhiều người chuyển sang sử dụng xe điện. Một nhóm học sinh tiểu học tụ tập quanh chiếc Tesla đang đỗ. Một cậu bé hét lên đầy ngạc nhiên khi ấn vào tay nắm cửa ẩn, khiến nó bật ra. Sun Hesheng chất một túi vải lớn đựng đầy những chiếc kẹp tóc nhỏ xíu vào phía sau chiếc xe tải nhỏ của mình. Ông lái chiếc xe tải này đi khoảng 10.000 km mỗi năm để vận chuyển những chiếc kẹp, tiêu tốn khoảng 8.000 nhân dân tệ mỗi năm. Con trai ông nói với ông rằng chi phí có thể chỉ khoảng 1.000 nhân dân tệ cho một chiếc xe điện.
Ông Sun nói: “Nếu trải nghiệm xe điện thực sự tuyệt vời đối với con trai tôi, tôi sẽ cân nhắc đổi chiếc xe tải của mình lấy một chiếc xe điện nữa.”
Trang Nguyễn (Forum.autodaily.vn)
Theo Bloomberg
Ý kiến đánh giá