Thứ Sáu, 22/11/2024 | 23:15
11:40 |
Có một người trẻ đi khác, sống khác
“Mình thích cái “món” di chuyển. Nhưng đi không phải chỉ để đi. Đi để “sống”, để biết, để khám phá… và đi để hiểu hơn chính mình”.
>> Gặp ông Tây xuyên Việt bằng xe Win
>> “Phượt” xe máy ở thị trấn mù sương
>> Kinh nghiệm cho ‘phượt thủ’ du lịch mùa xuân
Đó là cách đi du lịch của Trần Minh Tú – một người trẻ bình thường như bao người Việt trẻ khác, nhưng lại có cách đi, cách cảm nhận cuộc sống không giống số đông.
“Nhiễm bệnh” dịch chuyển
Trần Minh Tú “vướng” phải cái “nghiệp” đi ngay từ khi mới ra trường. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Giao thông vận tải, anh chọn làm đúng nghề. Cái nghề với những chuyến khảo sát đường, những chuyến công tác liên miên và di chuyển liên tục.
Trần Minh Tú “vướng” phải cái “nghiệp” đi ngay từ khi mới ra trường
Những hành trình xa nhà cả tháng trời, đi từ Bắc vào Nam, dọc miền Trung, lên Tây Nguyên đã khiến Tú tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chuyện “đi”. Anh biết khi di chuyển tới bất cứ đâu, xa hay gần, mình cần chuẩn bị những gì, vạch lộ trình ra sao và tồn tại như thế nào.
Cuộc sống của 2 năm rong ruổi quen đến nỗi, khi Tú trở về làm việc tại Hà Nội, anh lại muốn đi. Cái bệnh muốn dịch chuyển “nhiễm” vào Tú như thế.
“Về Hà Nội nếu ngồi yên một chỗ thì không chịu được, nên mình tự liên hệ, tham gia vào các chuyến đi mà mọi người cứ hay gọi đó là “phượt”. Đầu năm 2010, mình leo Fansipan. Dân phượt xuất phát từ leo “Fan” rất đông. Fansipan là một cái gì đó có mục đích rõ ràng. Và sau này, tiêu chí đi du lịch của mình cũng là đi có mục đích với những cung đường quen thuộc của Tây Bắc, Đông Bắc” – Tú chia sẻ.
Cái "bệnh" quen đi khiến Tú không thể ngồi yên một chỗ (tại Mandalay Myanmar)
Theo Tú, các bạn trẻ Việt Nam hiện nay coi chuyện đi du lịch bụi như là một cái thú. Cái thú đó cũng chia làm nhiều loại. Có những nhóm đi hành xác tìm cảm giác, đi xe mười mấy tiếng một ngày. Tìm đường xấu để lao vào, đi vào ban đêm, đi trong tình trạng buồn ngủ, về nhà nghỉ ngủ mấy tiếng lại đi. Họ thích như thế, thích cảm giác phiêu trên đường.
Có những người thích đi theo kiểu lễ hội. Cứ nơi nào có lễ hội là đi, lê la, uống rượu bản, có khi ở đó tới mấy ngày. Không quan trọng di chuyển nhiều. Có những người lần mò, tìm vào những nơi ít ai đến, sống với người dân địa phương cả tuần trời. Có những người thích tôn giáo, đi dọc từ Bắc vào Nam gặp chùa nào cũng ghé thăm. Lại có những người thích chụp ảnh, đâu cảnh đẹp, đường đẹp là đi.
Du lịch mạo hiểm giờ đây không còn xa lạ đối với những người trẻ như Tú (chơi Zipline tại Lào)
Cách đi của Tú thì có đôi chút khác biệt. Anh đi theo kiểu khám phá. Chui vào những nơi chưa ai đi, hoặc đường đi khó. Kết hợp với các hoạt động out-door như leo núi, trekking xuyên rừng, lặn biển hay khám phá hang động.
Thú du lịch của kẻ ưa mạo hiểm
Sống đơn giản nhưng mạnh mẽ. Cái tính cách ấy khiến Tú thích chơi những trò mạo hiểm. Sở dĩ có đi nhiều nơi, đến nhiều nước là cũng để chơi những trò chẳng mấy ai chơi. Bạn bè Tú đã ngạc nhiên khi anh là những người đầu tiên tham gia nhóm cào cào bay tại Hà Nội, và càng ngạc nhiên hơn khi vào thời điểm hiện tại, Trần Minh Tú là thành viên tham gia thường xuyên nhất của nhóm Vietwings HaNoi – nhóm bạn trẻ chơi môn thể thao dù lượn hiếm hoi tại Việt Nam.
Cảm giác bay lượn giữa bầu trời là cảm giác khó gặp
Chính sự ưa mạo hiểm quyết định đích đến cho những chuyến du lịch bụi của Tú. Mục đích đi là khám phá, là “thing to do”, nên trước khi đi, Tú thường tìm hiểu xem đến đó mình có thể khám phá những gì, có thể chơi được gì.
Khác với những chuyến đi chỉ để ngắm cảnh hay chỉ để khẳng định “Tôi đã ở đây” của nhiều người, với Tú, đi là phải chơi, phải hoạt động để thử những cảm giác mới lạ. Vì thế mà khi đi một mình ra nước ngoài, anh đã từng chơi Zipline (đu dây xuyên rừng), Rock Climbing (leo vách núi), Elephan Bathing (cưỡi voi vượt sông) hay Trekking (đi bộ, leo núi).
Rock Climbing trên đất Lào
Tú cho hay, đó là cách tận hưởng những cảm giác mới lạ, những cảm giác mà mình chẳng bao giờ có được trong cuộc sống hằng ngày. Những môn chơi đó cũng có thể định nghĩa là những môn chơi mạo hiểm, nhưng theo Tú, “mạo hiểm chứ không nguy hiểm”.
“Mọi người đôi khi cho mình là kẻ có chút điên rồ. Vì đi du lịch là nghỉ ngơi, ngắm cảnh, tại sao cứ phải “mua” nguy hiểm vào người. Nhưng thực tế, các trò chơi dù có mạo hiểm nhưng lại được tổ chức và có những quy định rất chặt chẽ và nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn. An toàn mà đem đến những cảm giác mới lạ thì cớ gì mà không tham gia chứ!?”.
Tú thích du lịch với những trò mạo hiểm
Cũng theo Trần Minh Tú, để tham gia các trò mạo hiểm thì cần phải tìm hiểu trước. Liên hệ với các đơn vị tổ chức tour để đăng kí tham gia. Thêm vào đó, du lịch kiểu này cũng không dành cho những người sức khỏe yếu và nó cũng có chi phí cao hơn so với kiểu du lịch ngắm cảnh thông thường.
Khoác ba lô đi ra thế giới
Chơi hết những trò thể thao mạo hiểm trong nước. Đã đến lúc Tú nghĩ mình cần khoác ba lô lên và đi ra nước ngoài để thỏa cái thú “trèo, leo, bay, nhảy”.
Trên đỉnh một ngọn núi tại Tứ Xuyên - Trung Quốc
“Nói là đi du lịch bụi ra nước ngoài chỉ để chơi những trò out-door thì cũng không đúng lắm. Đó chỉ là cái cớ. Với mình, bước ra thế giới là một sự mở mang, từ văn hóa, con người, lối sống, cách ứng xử… hay vô vàn những thứ bạn chưa biết. Bên cạnh đó, những chuyến đi đo sự tự tin hay bản lĩnh của một người trẻ như mình”.
Tú chia sẻ, các bạn trẻ Việt Nam giờ tự đi du lịch nước ngoài nhiều lắm. Không chỉ đi mấy nước châu Á, mấy nước trong khu vực mà họ còn đến châu Phi, châu Âu hay lang thang ở tận Tây Tạng, Nepal… Những người đi được như thế thực sự phải có kinh nghiệm, có kiến thức, tự tin trong giao tiếp và điều kiện tối thiểu là phải biết tiếng Anh.
Khoảnh khắc trên cầu Ubein - Myanmar
Tú không dám nhận mình là người đi nhiều, vì so với một số “cao thủ” chuyên “phượt” nước ngoài, thành tích đi gần chục nước châu Á của Tú chẳng thấm vào đâu. Điều khác lạ ở Tú đó là anh rất thích đi một mình kết hợp với sở thích chơi các trò thể thao mạo hiểm.
Theo kinh nghiệm của Tú, một người mới tự mình bước ra thế giới như anh thì cách tốt nhất là nên chọn những nước gần về địa lý và văn hóa, những nước mà mình nắm được nhiều thông tin hoặc được chia sẻ nhiều từ bạn bè hay những người đi trước.
Mỗi chuyến “xuất ngoại”, Tú thường phải lên kế hoạch rất chi tiết từ 3-4 tháng trước đó, sắp xếp để không bị ảnh hưởng nhiều đến công việc. Đầu tiên là tìm hiểu thông tin trên các trang mạng và diễn đàn về du lịch ở Việt Nam, thậm chí, để update những thông tin mới nhất từ các diễn đàn du lịch nước ngoài, sau đó tự mình liên hệ và tự đi.
Mỗi chuyến đi khám phá cần sự chuẩn bị rất chu đáo (trekking tại Lào)
Với một viên chức bình thường như Tú, một điểm quan trọng khác trước chuyến đi là săn được vé máy bay giá rẻ và tìm được nhà nghỉ hay khách sạn ở mỗi nơi mình đến. “Mình nhớ lần đi Myanmar, chỉ vì chủ quan không hỏi khách sạn trước mà phải đi bộ tới vài cây số để tìm chỗ ở. Tìm mãi chẳng thấy, cuối cùng phải ra một ngôi chùa xin ngủ qua đêm. Đó vừa là kỷ niệm những cũng là kinh nghiệm cho những chuyến đi sau”.
“Du lịch nước ngoài cũng rất cần phải có sức khỏe, không chỉ những người thích chơi như mình, những người đi để ngắm cảnh, tìm hiểu văn hóa thôi cũng phải có sức khỏe tốt. Vì sang nước khác là thời tiết khác, nước nôi khác, thổ nhưỡng khác. Thêm vào đó, hãy chỉ mang những thứ thực sự cần thiết, tinh giảm hết cỡ để quá trình di chuyển liên tục không gây tốn sức” – Tú nói.
Kẻ độc hành
Không giống như nhiều bạn trẻ, “phượt” nước ngoài theo hội, nhóm, Tú lại thích lên đường một mình. Anh quan niệm, đó không phải là “tự kỷ”, đơn giản, đi một mình anh cảm nhận được cuộc sống lắng đọng hơn, quan sát, cảm nhận những thứ bên ngoài mình được nhiều hơn. Thêm vào đó, việc đi du lịch với mục đích hoạt động như Tú thì không phải ai cũng có điều kiện sức khỏe và đam mê để đồng hành.
Trên đỉnh núi tuyết (Trung Quốc)
Dù nói là đi một mình nhưng theo Tú, anh luôn có những người bạn nước ngoài cùng đồng hành. Họ đến từ châu Âu, từ Mỹ hay Úc và cũng đi kiểu một mình như Tú. Điều đó khiến cho những người bạn xa lạ trở nên dễ quen nhau hơn. Tú học được ở họ nhiều thứ, từ kinh nghiệm trên đường đến cách ứng xử, văn hóa và lối sống phóng khoáng. Anh cũng thấy vui khi qua mình mà bạn bè biết thêm một chút về Việt Nam, về dải đất hình chữ S quê hương mình.
“Đi một mình có cái thú riêng, song, người đi sẽ phải hoàn toàn chủ động, biết xử lý tình huống, có kế hoạch và phải đặc biệt tự tin. Nếu bạn đi một mình, sẽ có rất nhiều rủi ro chờ đón bạn. Ốm đau, nguy hiểm trên đường, mất đồ đạc… bạn sẽ phải tự mình giải quyết”.
Bên cạnh Tú luôn có những người bạn đồng hành quốc tế (tại Myanmar)
Bản thân Tú khi sang Indonesia cũng đã bị kẻ gian móc tiền, máy ảnh, ống kính khi đang di chuyển trên một chiếc xe khách địa phương. Rất may là tên trộm ví còn “thương” nên đã để lại giấy tờ. Hơn nữa, Tú dùng ví hộ thân, nghĩa là dùng ví nhỏ chia năm sẻ bảy ra để khắp trong người nên không bị mất trắng. Sau khi bị mất đồ, Tú tìm cách “tóm” được số điện thoại của lái xe, của lực lượng bảo vệ bến xe nhưng cuối cùng tên trộm không chịu nhận, đơn giản vì người dân địa phương bao che cho nhau.
Lại có lần ở Yangon, Myanmar, anh bị bọn đổi tiền làm “ảo thuật” lừa hết số tiền đô mang theo người. Tú đã tự thuê taxi, truy tìm bằng được bọn lừa đảo. Vì ở Myanmar, người dân rất sợ cảnh sát cũng như quân đội, nên khi tìm ra thủ phạm, dọa báo cảnh sát, anh đã được trả lại tiền gần như nguyên vẹn.
Có lẽ ngày mai, người trẻ này lại lên đường (Ảnh chụp tại Mandalay - Myanmar)
Tú cho hay, đó mới chỉ là mất tiền và đồ. Sang một số nước như Ấn Độ, Israel thì tốt nhất bạn không nên đi một mình vì còn có nguy cơ mất mạng. Anh quan niệm, đi du lịch là để tận hưởng cuộc sống, khám phá cảm giác, đôi chút mạo hiểm thì được chứ đừng đưa mình vào vòng nguy hiểm.
Máu đi đến thế nhưng cũng thận trọng và rắn rỏi như thế. Nên chẳng có gì ngạc nhiên, khi ngày mai, Tú lại tự tin khoác ba lô lên vai… và một mình lên đường.
Thế Đạt (TTTĐ)Ảnh: Trần Minh Tú
Ý kiến đánh giá (4)