Thứ Bảy, 23/11/2024 | 03:27
11:45 |
Thị trường ôtô châu Âu - Bức tranh ảm đạm
Việc các hãng ôtô danh tiếng trên thế giới đang náo nức cho trưng bày những mẫu ôtô mới nhất tại triển lãm Geneva liệu có làm cho bức tranh thị trường ôtô châu Âu thêm khởi sắc?
Mọi chuyện đang trở nên tồi tệ hơn và cái bóng đen từ nền kinh tế dường như mới chỉ bắt đầu bao phủ. Các công ty như Opel, chi nhánh của General Motors ở châu Âu hay PSA Peugeot Citroen của Pháp đều phải chịu tổn thất do không dự đoán được mức tiêu dùng khi sản xuất thừa trong thời điểm mà thị trường xe hơi châu Âu đang thu hẹp lại và nền kinh tế căng thẳng do khủng hoảng nợ. Đồng thời, những nhà sản xuất này cũng phải chịu sức ép từ các nhà sản xuất xe giá rẻ đến từ Hàn Quốc như Huyndai và phân nhánh Kia của họ.
Hiện nay, BMW và Daimler’s Mercedes-Benz đang đẩy mạnh hơn nữa vào phân khúc xe thể thao tiết kiệm nhiên liệu đi kèm với các tính năng cao cấp- sân chơi mà trước đó chỉ thuộc về các ông lớn ở châu Âu như Fiat hay Ford.
“Họ đang bị siết chặt”, Tim Urquhart, một nhà phân tích cấp cao của HIS Automotive đưa ra quan điểm của mình về các hãng ôtô hạng trung. “Thật đáng tiếc nếu bạn là một trong số những nhà sản xuất xe đó”.
Trong triển lãm Geneva năm 2012 đang diễn ra, Mercedes sẽ giới thiệu dòng xe thế hệ mới A-Class được sản xuất tại Hungary. Trong khi đó BMW mang tới Geneva hai phiên bản BMW 6-Series Gran Coupe và BMW M6, cùng bản concept BMW M135i. Mẫu concept từng được BMW úp mở khá nhiều lần có kích cỡ ngang bằng với chiếc VW Golf, sử dụng động cơ 3.0L 6 xi lanh trang bị công nghệ Twin Power.
Một hãng xe hơi khác của Đức là Audi cũng di chuyển vào phân khúc xe cỡ nhỏ với dòng xe A1 và hứa hẹn sẽ có một bước hạ cánh an toàn ra khỏi mẫu thiết kế A3 từng tồn tại trong gần một thập kỷ. Chiếc xe thể thao loại nhỏ này đã gây được một hiệu ứng tốt ở châu Âu, mặc dù không tạo được nhiều ấn tượng trên đất Mỹ.
Bất chấp những khó khăn về kinh tế, liên minh Fiat - Chrysler đem tới Geneva hai mẫu xe thuộc dòng 500 đình đám là Fiat 500 Abarth 695 Tributo Maserati và Fiat 500L.
Theo những thông tin mới được liên minh này công bố, Fiat 500L có 5 chỗ ngồi dài hơn, trần cao hơn Fiat 500 thông thường. Vì thế, chữ L trong cái tên này được hiểu là “Large”- rộng rãi. Fiat 500L được trang bị cả động cơ xăng và diesel, động cơ xăng 0,9 lít TwinAir 2 xy-lanh công suất 84 mã lực cho phiên bản tiêu chuẩn và động cơ 1,4 lít 4 xy-lanh công suất 100 mã lực cho phiên bản cao cấp hơn. Ngoài hai động cơ xăng trên thì 500L còn lắp động cơ diesel của Fiat dung tích 1,3 lít 4 xy-lanh công suất 94 mã lực và mô-men xoắn 203 Nm.
Các nhà sản xuất dòng xe cao cấp cũng đã thành công trong việc phát triển uy tín thương hiệu của họ khi khiến người mua phải trả thêm vài nghìn EUR cho những chiếc xe hơi, mà nếu xét về lý thì không tốt hơn những chiếc xe Ford, Opel hay Fiat là mấy.
Hãy làm một vài so sánh nhỏ giữ hai dòng xe Mini và Ford Fiesta. “Cả hai đều là những chiếc xe tuyệt vời”, ông Urquhart nói. “Thậm chí Fiesta có thể còn tốt hơn”. Thế nhưng một chiếc Mini có giá rẻ nhất khoảng 15.550 EUR hoặc 20.500 EUR ở Đức trong khi phiên bản Titanium đời mới nhất của Fiesta có giá thấp hơn 700 EUR. Vì vậy, mặc dù Fiesta là mẫu xe bán chạy nhất của Ford tại châu Âu và nó cũng giúp công ty tăng thị phần ở thị trường này nhưng tỷ suất lợi nhuận mà nó mang lại là không tương tự như dòng xe Mini của BMW.
Hai ông lớn của Mỹ và Pháp vừa bắt tay kí kết với nhau - GM và Peugeot Citroën là những công ty phải chịu những tổn thất nặng nề. Công ty con của GM ở châu Âu là Opel phải chịu trách nhiệm cho khoản lỗ 747 triệu USD trong bản báo cáo của GM về hoạt động của hãng ở châu Âu. Trong khi đó hãng xe hơi Peugeot Citroën cũng mất 439 triệu EUR trong năm vừa qua. Cả hai công ty đều cố gắng đi đến một cái kết tốt đẹp vào cuối năm nhưng họ đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn khi phải cạnh tranh với Mercedes, BMW và Audi.
GM cho biết vào cuối tuần trước rằng hãng sẽ mua 7% cổ phần của Peugeot Citroën và có chiến lược hợp tác thiết kế. Tuy nhiên các nhà phân tích nói rằng các bước đi triệt để hơn là rất cần thiết để khôi phục lợi nhuận, bao gồm cả việc đóng cửa một số nhà máy.
Hãng Fiat của Ý và Renault của Pháp cũng đang đánh mất thị phần trên toàn bộ châu Âu trong khi thị phần của BMW và Daimler tăng lên.
Hầu hết các hãng xe hơi lớn đều có năng lực sản xuất lớn hơn mức mà họ cần. Tuy nhiên, việc phải đóng cửa các nhà máy ở châu Âu để cắt giảm chi phí là một sự lựa chọn đau đớn. Việc đóng cửa còn phải được tính toán trên các yếu tố chính trị khi mà nó có ảnh hưởng sâu rộng đến những người dân sống xung quanh.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu, thị trường Tây Âu dường như chỉ nhận được những thông tin tồi tệ, giảm 7,9% trong tháng 1 so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên thật khó để có thể yêu cầu chính phủ các nước châu Âu đưa ra các gói trợ cấp như cách mà họ đã làm trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009. Trong thời gian tới, các công ty sản xuất ôtô sẽ phải tự mình bươn chải.
Trong thực tế, vấn đề của các nhà sản xuất xe trên thị trường đặt ra một câu hỏi rằng, việc bán xe và giá cả những chiếc xe của họ phụ thuộc vào chất lượng, kiểu dáng, độ độc đáo hay đơn giản chỉ là uy tín?
Ngọc Điệp (theo PL&XH)
>> Xem chi tiết giá xe ô tô trên Autodaily
Ý kiến đánh giá