Nếu ai đó hỏi bạn, bạn thấy Innova có đẹp không. Đa số câu trả lời là không, nhưng bạn rất cần nó, bởi vẻ đẹp của Innova toát ra ở bên trong đúng như dân gian có câu: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
>> Bạn có thể bình luận về bài viết này trên
http://www.facebook.com/Autodaily
>> Toyota Fortuner V 2WD 2012 – Từ núi, xuống phố
Kể từ thời điểm ra mắt vào tháng 1/2006 đến nay, doanh số tích luỹ của sản phẩm đã đạt khoảng 64.000 xe. Một con số đáng mơ ước và cũng là một kỷ lục khó xô đổ trong “làng ô tô Việt Nam”.
Đây cũng là một sản phẩm được giới kinh doanh dịch vụ vận chuyển, cho thuê xe tự lái, thuê xe văn phòng, xe gia đình… cực kỳ ưa chuộng bởi sự tiện dụng, bền bỉ rất kinh tế và có giá hợp lý. Người ta cũng truyền tai nhau rằng, Innova “lành như đất”, thậm chí đi vài năm rồi, bán vẫn được giá lắm. Vì lẽ đó khiến cái tên cũng như bóng dáng Innova ngập tràn trên đường phố và nó có độ phủ rộng đối với nhiều đối tượng khách hàng.
Sau hơn 5 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Innova không có nhiều cải tiến ngoại trừ lần cải tiết chút ít về ngoại thất vào năm 2008. Những thay đổi đó cũng không giúp Innova có một diện mạo hấp dẫn hơn nhưng nó vẫn được ưu chuộng bởi giá trị nó mang lại cho người sử dụng là rất tốt.
Người Nhật, đặc biệt là "ông lớn" Toyota luôn là người hiểu khách hàng nhất, họ biết cách tạo ra một sản phẩm mà người tiêu dùng cần nó hơn là thích. Lẽ đương nhiên, khi cần thì phải mua rồi. Trên thực tế, nhiều người được hỏi về kiểu dáng Innova, hầu hết đều cho rằng kiểu dáng nó không đẹp. Nhưng về vấn đề sử dụng thì Innova lại chiếm trọn ưu thế trong dòng MPV, một sản phẩm có kích thước gọn, không gian sử dụng thoải mái và rất kinh tế.
Trong lần giới thiệu phiên bản 2012, Innova có tới 4 phiên bản mới gồm Innova J, E, G và V. Tất cả các phiên bản Innova mới đều được trang bị động cơ xăng 2.0 lít, VVT-i. Giá bán của các phiên bản trên có thứ tự lần lượt là: 644, 686, 727, 794 triệu đồng. Chiếc xe sử dụng trong lần trải nghiệm này là phiên bản Toyota Innova G có giá bán 727 triệu đồng.
Ngoại thất
Điểm thay đổi lớn nhất trên phiên bản là phần đầu xe, nhưng dù quan sát ở góc độ nào đi nữa cũng dễ dàng nhận thấy thiết kế đầu xe phảng phát dáng của Camry thế hệ trước. Từ chiếc lưới tản nhiệt dạng chữ V mạ crôm sáng bóng cho đến cụm đèn pha, chức năng pha/cốt đều sử dụng duy nhất một choá đèn để tiết kiệm chi phí. So với thế hệ trước, phần cản dưới có thiết kế rộng hơn phiên bản cũ tạo chắc chắn và hiện đại hơn.
Phầu sườn xe và đuôi xe không có nhiều thay đổi lớn ngoại trừ cụm đèn hậu và cản dưới. Toyota Innova 2012 có chiều dài x rộng x cao tương ứng là 4.585 x 1.760 x 1.750 mm. Xét về mặt tổng thể thì xe vẫn có dáng vẫn gọn gàng đặc trưng của dòng Innova.
Nội thất, tiện nghi
Trong dòng sản phẩm Innova 2012, Toyota đưa ra bốn phiên bản V, G, E và phiên bản J dành cho dịch vụ taxi. Cả 3 phiên bản G, E, J chỉ được trang bị nội thất nỉ, chỉ có duy nhất phiên bản V được trang bị ghế da. Tuy nhiên, điểm cộng cho Innova 2012 là đều có 2 dàn lạnh cùng hệ thống 3 cửa gió cho hàng các hàng ghế.
Riêng đối với phiên bản V được trang bị hệ thống điều hoà tự động, điều khiển bằng hàng phím bấm điện tử, có màn hình hiển thị thông tin chi tiết về nhiệt độ, chế độ gió…
Chiếc xe mà chúng tôi thử nghiệm thuộc phiên bản G, trang bị ghế nỉ màu sáng hài hoà với tông màu chủ đạo của xe. Những chi tiết thay đổi lớn nhất so với phiên bản cũ là vô lăng, bảng đồng hồ táp lô, bảng điều khiển trung tâm.
Nếu như chiếc vô lăng có thiết kế giống hệt với chiếc Altis tích hợp chức năng điều khiển hệ thống Audio và phím Disp (theo dõi mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình, số quãng đường có thể di chuyển tương ứng với số lượng xăng còn lại trong bình..), bảng đồng hồ có màu xanh mát mắt thì bảng điều khiển trung tâm không có thiết kế đơn điệu chỉ bao gồm chiếc đầu đĩa và hàng núm điều khiển điều hoà. Riêng kiểu chế độ lấy gió trong/ngoài ở phiên bản G vẫn sử dụng kiểu cần gạt xuất hiện trên mẫu xe Cressida hay Corrola từ những năm 1989!.
Với Innova, tính thẩm mỹ và sự tinh tế là điều xa xỉ trong khoang xe. Ấy thế nhưng sự tiện dụng của việc tính toán, bố trí không gian xe lại rất hợp lý. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều không gian chứa đồ từ chỗ để chai nước tiện ích ở tất cả các hàng ghế hay có tới 2 chiếc cốp chứa đồ ở bên ghế phụ.
Khi cài đặt ghế lái ở vị trí thấp nhất thì nó có độ cao tính từ mặt nệm ghế so với mặt đất là 800 mm. Với con số đó thì người lái có một vùng quan sát tốt. Tuy nhiên, chức năng điều chỉnh độ cao của nệm ghế khá bất tiện vì Toyota vẫn dùng kiểu núm xoay thời “ơ kìa”.
Toyota Innova có ưu điểm mà khó có đối thủ cùng phân khúc nào địch lại bởi sự bố trí hợp lý legroom (khoảng duỗi chân), headroom (khoảng trống trên đầu được đo từ mặt ghế tới trần xe) ở tất cả các hàng ghế.
Khi điều chỉnh hàng ghế thứ nhất có kneeroom = 1m (phù hợp với phom người có chiều cao 1,75 m) thì kneeroom của hàng ghế thứ 2 là 780 mm (max, min của kneeroom tương ứng là 720 mm, 790 mm). Chỉ số đó chứng tỏ người ngồi ở hàng ghế thứ 2 luôn có được một khoảng duỗi chân thoải mái.
Điểm hay ở hàng ghế thứ 2 của Innova là sự điều chỉnh tiến lùi độc lập của 2 ghế (tỉ lệ 40:60). Vì đặc tính đó nên nó tạo ra một không gian để chân khá tốt ở hàng ghế thứ 3. Độ cao của hàng ghế cũng được thiết kế hợp lý khiến chân bạn đỡ bị mỏi trong những hành trình dài. Có thể nói, sự hợp lý trong việc bố trí tư thế ngồi ở hàng ghế thứ 3 là lợi thế lớn của Innova.
Nhìn chung, không gian sử dụng hiệu quả là ưu điểm nổi bật của Innova.
Động cơ
Mặc dù sản phẩm Innova 2012 có nhiều thay đổi về ngoại hình, nội thất nhưng động cơ, hệ thống truyền lực… thì vẫn giữ nguyên. Người viết bài đã có dịp trao đổi với ông Osamu Tomioka - Giám đốc dự án IMV của Toyota Nhật Bản về vấn đề trên và ông cho biết, khách hàng không phàn nàn về cấu trúc cũng như tính năng của Innova nên hãng này quyết định giữ nguyên các đặc tính đó.
Chính vì vậy mà Innova vẫn giữ nguyên cấu hình động cơ của thế hệ cũ có các thông số chi tiết như dung tích 2.0 lít, 4 xilanh thẳng hàng, 16 van, DOHC. Công suất cực đại 101 kW (136 mã lực) tại 5.600 vòng/phút và mô men xoắn cực đại đạt 182 Nm tại 4.000 vòng/phút. Đối với phiên bản V, G được lắp đặt hộp số tự động 4 cấp còn phiên bản E, J sẽ vẫn sử dụng hộp số tay 5 cấp.
Vận hành
Tính năng vận hành chưa bao giờ được đánh giá cao ở sản phẩm Innova, nói đúng hơn là sự nghèo nàn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nó thích nghi tốt với điều kiện đường sá ở Việt Nam khi mà hiếm có đoạn đường nào đủ chất lượng để xe liên tục vận hành hành trên 100 km/h trong quãng thời gian dài.
Khi tăng tốc đều từ 0-100 km/h, xe mất nhiều thời gian mới đạt được vận tốc 100 km/h. Tuy nhiên, khi tăng tốc đều, việc tăng giảm của các cấp số trong hộp số tự động của Innova diễn chỉ diễn ra ở vòng tua thấp, dưới 2.500 vòng/phút. Nhờ có đặc tính này giúp Innova có khả năng tiết kiệm nhiên liệu, và bảo đảm an toàn cho động cơ hơn.
Khi xe vận hành ở tốc độ 40 km/h hoặc 60 km/h, dù đạp mạnh ga hoặc tăng ga đều thì xe vẫn "không vội vàng" trong việc tăng tốc. Như vậy, khả năng vượt xe của Innova là rất hạn chế. Chỉ số gia tốc tốt khi tăng từ 80 km/h đến 120 km/h, đây là tốc độ thường ít dùng khi lưu hành ở Việt Nam. Ở vận tốc 100 km/h, tốc độ vòng tua máy của Innova là 3.000 vòng/phút cao hơn tới 400 vòng/phút so với Nissan Grand Livina (2.600 vòng/phút ở tốc độ 100 km/h). Cái hay ở Innova là Toyota hiểu được rằng hiếm khi điều khiển Innova ở tốc độ 100 km/h trong quãng thời gian dài.
Khi chúng tôi thử slalom với 7 cọc, tạo 6 cổng, khoảng cách giữa là 15 m thì Innova chỉ có khả năng kiểm soát tốt ở tốc độ 48 km/h, vượt qua tốc độ đó, sẽ xảy ra hiện tượng understeer (bánh trước mất độ bám, xe bị văng khỏi quỹ đạo chuyển động).
Hiện nay, để tránh xảy ra hiện tượng understeer và oversteer thì các dòng xe hiện đại thường trang bị hệ thống cân bằng điện tử (ESP) để khống chế. Hệ thống ESP sẽ hạn chế khả năng bị mất lái khi bám cua ở tốc độ cao hoặc tránh chướng ngại vật khẩn cấp... Đối với sản phẩm có luôn sử dụng vào mục đích chuyên chở nhiều hành khách như Innova thì hệ thống cân bằng điện tử là một tính năng an toàn nên có.
Đối với tình huống bám cua với bán kính cong r = 20m thì Innova chỉ tạo cảm giác yên tâm ở dưới tốc độ 75km/h. Mặc dù, ở tốc độ này lực quán tính ly tâm tác động vào người lái khá nhiều. Chúng tôi cũng đã thử nghiệm ở tốc độ 80 km/h nhưng việc kiểm soát xe khó hơn nhiều.
Nguyên nhân cũng dễ hiểu bởi Innova sử dụng cấu trúc thân xe rời, hệ thống treo sau lại là hệ thống treo phụ thuộc nên khả năng chịu xoắn của của thân xe bị hạn chế và xe không linh hoạt mỗi khi bám cua hay trả lái. Mặt khác, do sử dụng lốp có kích cỡ loại nhỏ 205/65R15 nên độ bám đường cũng bị hạn chế ở các tốc độ trên.
Khi tận tay nắm vô lăng Innova và điều khiển ở các điều kiện đường phẳng hay đường hơi ghồ ghề, bạn sẽ khó có được cảm nhận mặt đường tốt bởi hệ thống lái trên Innova cung cấp một cảm giác lái nghèo nàn.
Một trong những ưu điểm của Innova không nằm ở tính năng lái hay động cơ mà là hệ thống điều hoà. Hệ thống điều hoà của Innova có khả năng làm mát nhanh, mát sâu và tiếng quạt gió cũng nghe êm tai.
Về tính năng an toàn, xe được trang bị 2 túi khí cho hành khách ngồi trước và chống bó cứng phanh ABS trên phiên bản G, V.
Đánh giá
Không chút cảm hứng sau vô lăng, không phấn khích với chân ga và một “nội lực” đủ dùng nhưng Innova đang thể hiện rất tốt nhiệm vụ của nó là sản phẩm chuyên chở 7 người rất kinh tế. Toyota đã tạo ra được một sản phẩm khiến khách hàng cần nó hơn là thích.
Thông số kỹ thuật Toyota Innova G
- Kích thước:
4.585 x 1.760 x 1.750 mm
- Chiều dài cơ sở:
2.750 mm
- Chiều rộng cơ sở Trước x Sau:
1.540 x 1.540 mm
- Bán kính quay vòng tối thiểu:
5,4 m
- Khoảng sáng gầm xe:
176 mm
- Trọng lượng không tải:
1.530 – 1.605 kg
- Trọng lượng toàn tải:
2.170 kg
- Động cơ:
xăng I-4 2.0 L VVT-i
- Công suất:
100/5.600 (kW/rpm)
- Mô-men xoắn:
182/4.000 (Nm/rpm)
- Hộp số:
tự động, 4 cấp
- Dẫn động:
FWD
- Dung tích bình nhiên liệu:
55 lít
- Tiêu chuẩn khí xả:
Euro 2
- Giá bán (đã bao gồm VAT):
727,000,000 VNĐ
>> Xem thêm ảnh chi tiết Toyota Innova 2012
Lê Hùng (theo PLXH)
Ý kiến đánh giá (9)