Thứ Bảy, 23/11/2024 | 03:11
21:24 |
Bruno Sacco - Nghệ nhân “điêu khắc” Mercedes-Benz SL
Bruno Sacco – một cái tên không nổi tiếng như những chiếc xe Mercedes-Benz SL – nhưng lại tạo nên một câu chuyện cực kỳ thành công của ngành công nghiệp ôtô trong những thập kỷ gần đây. Lịch sử huy hoàng của dòng xe SL, từ mẫu 300 SL (W 198 series, 1954 – 1957) cho đến mẫu R 129 SL series (1989 – 2001) luôn gắn liền với tên tuổi của ông.
>> Bạn có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/Autodaily
>> Mercedes-Benz SL-Class: Chặng đường phát triển (P1)
>> Mercedes-Benz SL: Thành công trên trường quốc tế (P2)
Bruno Sacco đã từng làm việc cho tập đoàn Daimler-Benz AG suốt 40 năm (1958 – 1999). Từ 1975 cho đến lúc nghỉ hưu, ông giữ cương vị là Giám đốc bộ phận thiết kế cho thương hiệu Mercedes-Benz. Trong thời gian cống hiến cho tập đoàn này, nguyên tắc của ông là “Tôi làm việc với tư cách là một nhà thiết kế cho Mercedes-Benz không phải vì tôi nghĩ là tôi đi theo phương châm “nghệ thuật vị nghệ thuật” mà bởi vì tôi muốn mỗi chiếc xe do tôi thiết kế và phát triển phải thành công và bán chạy trên thị trường”. Không giống một ai trước đó, Sacco luôn tâm huyết và trau chuốt diện mạo của Mercedes-Benz bằng những triết lý và phong cách thiết kế rất riêng trong gần 41 năm làm việc của mình.
Sacco gia nhập Mercedes-Benz qua lời giới thiệu của Karl Wilfert, ông từng gặp người này tại quê hương Turin. Sau đó, Wilfert, giám đốc phát triển thân vỏ (Body Development) và có trách nhiệm thiết kế phần thân, đã mời Sacco vào làm việc tại nhà máy Sindelfingen cuối năm 1957 – và rất nhanh sau đó nhân viên thiết kế trẻ tiềm năng này đã được giữ lại làm việc cho tập đoàn danh tiếng Mercedes-Benz. Ngày 13/2/1958 Sacco được đề bạt với tư cách là nhân viên thiết kế thứ hai cho Daimler-Benz tại Sindelfingen, sau nhân viên thiết kế đầu tiên, Paul Bracq từng làm năm 1957.
Bruno Sacco - nghệ nhân "điêu khắc" Mercedes-Benz SL
Chính những mẫu xe của một nhà thiết kế Pháp - Raymond Loewy, đã đánh thức đam mê của Sacco. Tháng 4/1951, Sacco đến thăm triển lãm ôtô tại Turin và một tác phẩm của Loewy – Studebaker Starlight – mẫu coupe có thiết kế 2 cửa rất ấn tượng được trưng bày tại đây đã truyền cảm hứng và mê hoặc Sacco.
Không lâu sau đó, ông lại tình cờ thấy chiếc Studebaker trên đường phố. Chiếc Studebaker do Loewy thiết kế được ví như một công trình điêu khắc tinh tế, phong cách của nó làm liên tưởng đến kết cấu của chiếc tàu bay với các chi tiết mang âm hưởng thuyết vị lai – một trường phái nghệ thuật phá bỏ mọi tiêu chuẩn truyền thống, hướng tới tinh hoa đương đại. Sacco rất hào hứng với thiết kế độc đáo như vậy và cơ duyên được chiêm ngưỡng chiếc Studebaker đã đặt dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của ông.
Những năm sống với gia đình tại quê hương Turin chính là khởi nguồn cho những ý tưởng thiết kế mang âm hưởng xuyên Đại Tây Dương từ Mỹ đến châu Âu, nơi hội tụ phong cách Ý tinh tế thanh lịch để tạo nên những sản phẩm sáng tạo mới. Pinin Farina, Nuccio Bertone, Gigi Michelotti và Carozzeria Ghia, cùng với các nhà sản xuất ôtô Fiat và Lanci, là những nhà tiên tri trong phát triển thiết kế xe hơi của những năm 1950.
Vì không thể cưỡng nổi sức hấp dẫn tuyệt vời từ những tác phẩm mang tính sáng tạo trong thế giới thiết kế ôtô, Sacco đã nhanh chóng tìm đến những phòng trưng bày, phát triển xe hơi và trở thành khách hàng thường xuyên tại đó. Bắt đầu từ cuối năm 1955, ông học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm phát triển mô hình xe hơi tại Ghia. Vào thời điểm đó, công ty này cho ra đời những mẫu xe mơ ước – Gilda. Chúng được phát triển trên cơ sở hệ thống gầm xe Chryslter và chiếc Karmann-Ghia trên cơ sở khung gầm của Volkswagen. Sacco đã làm việc cùng với các tác giả như Govanni Savonuzzi và Sergio Sartorelli và được thừa hưởng những kinh nghiệm quý báu từ họ. Sau đó, nhờ vốn tiếng Đức của mình, Sacco thường xuyên liên lạc với Karmann và đã có buổi gặp gỡ “định mệnh” với Karl Wilgert của tập đoàn Daimler-Benz.
Trong thời gian làm việc tại Daimler-Benz, Bruno Sacco đã gắn bó với những mẫu xe SL từ những ngày đầu được phát triển. Chiếc Mercedes-Benz 300 SL thời đó thực sự khiến ông mê mẩn. Vào giữa những năm 1960, một cơ hội tuyệt vời đến với ông khi ông sở hữu một chiếc 300 SL (W 198) có số khung 0001, ra mắt tại New York vào tháng 2/1954. Đến năm 1975, ông được đề xuất làm vị trí Giám đốc phòng thiết kế - tiếp nhận vị trí của F.Geiger. Sau đó, ông còn làm trưởng dự án Sindelfingen – phát triển 2 mẫu C 111 và dự án Thử nghiệm Xe an toàn (ESF). Từ đó, ông nhận ra vai trò to lớn của mình khi đảm nhận cương vị trưởng dự án phát triển các ý tưởng thành các phiên bản sản xuất mà không phải là một kỹ sư thiết kế đơn thuần.
Các mẫu SL W 198 series và R 129 series đã có ảnh hưởng đặc biệt đối với ông. Có lần, ông đã nêu ra sự khác biệt và tính cải tiến của hai mẫu xe này: “Mặc dù khoảng cách xuất hiện 2 mẫu xe là 35 năm nhưng không có cặp đôi nào có thể hoàn hảo hơn trong lịch sử phát triển ngành xe hơi. Khi tôi nghĩ đến sức mạnh cơ bắp để cầm lái một chiếc Gullwing, hay khi tôi nghĩ đến sức mạnh thần kỳ để kiểm soát một con mãnh thú ương bướng – Có gì tuyệt vời hơn khi được trải nghiệm những cảm giác mạnh như vậy khi cầm lái một chiếc xe mới! Chắc chắn, tôi là một “fan cuồng” của các mẫu xe SL. Tôi để ý thấy rằng, không phải là vô tình, những chiếc xe mui trần cũng cực kỳ an toàn. Và tôi đánh giá cao sự tài tình khi các kỹ sư cho tôi cơ hội được cảm nhận tiếng “gầm rú” của động cơ khi không có gì che chắn trên đầu”.
Với tài năng thiết kế khác người, Sacco đã làm việc với sự tận tâm và đam mê tuyệt đối trên thiết kế của chiếc SL R 129 series, lần đầu được ra mắt năm 1989. Đây là một trong những sản phẩm có thiết kế thuyết phục nhất của ông, một kiệt tác hoàn hảo với phong cách chưa từng thấy trước đó trong ngành xe hơi. Phong thái tự tin, tinh tế và chuẩn mực của Bruno Sacco đều trở thành “linh hồn” trong tác phẩm này của ông. R 129 series là một ví dụ điển hình và hiếm có cho thành công về mặt thẩm mỹ của Mercedes-Benz.
Thư Lê (theo PLXH)
Ý kiến đánh giá