07:26  | 

Giúp đèn xe hơi sáng hơn nhờ tua-vít và khăn lau

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cùng các bạn nhìn lại các biện pháp làm tăng độ sáng của đèn pha xe ôtô, từ những việc đơn giản và không tốn kém cho đến những sản phẩm cao cấp giúp tăng độ sáng đến hàng chục lần so với đèn pha theo xe. Chi phí, thời gian thực hiện và hiệu quả của từng biện pháp sẽ được phân tích, nhằm giúp bạn có thể lựa chọn biện pháp tối ưu cho sự an toàn của chính mình và người khác khi lái xe vào buổi tối.

>> Lịch sử đèn pha ô tô (P1): Những dấu mốc lịch sử

>> Hệ thống chiếu sáng và sự an toàn của người lái xe (P2)

>> Bóng đèn hiệu năng cao (P3)

>> Bộ chuyển đổi đèn xenon: Thời trang và những mặt trái (P4)

Khăn lau giúp đèn sáng hơn

Trong những chặng đường dài, kính lái của xe bạn sẽ bị bụi đất, nước mưa và côn trùng làm mờ và bẩn, thậm chí là rất bẩn. Bạn không thể nhìn thấy đèn pha của xe mình khi đang lái xe, nhưng có một thực tế là đèn pha của xe bạn còn bị mờ và bẩn hơn so với kính lái.

Mặt kính của đèn pha bị bẩn sẽ làm giảm độ sáng của đèn

Mặt đèn pha bị bẩn sẽ làm cho ánh sáng bị hấp thụ và tán xạ ra các hướng khác nhau, làm cho luồng sáng của đèn pha ngắn hơn và xòe rộng hơn so với luồng sáng của đèn pha sạch. Vì thế, khả năng quan sát của bạn sẽ giảm đi trong khi người đi ngược chiều sẽ bị chói mắt nhiều hơn.

Đèn pha bị bẩn làm chói mắt người đi ngược chiều

Xe nào cũng có cần gạt mưa và vòi phun nước rửa kính lái, nhưng chỉ có một số ít xe ôtô ở Việt Nam có cần gạt đèn pha hoặc vòi phun nước rửa đèn pha. Nếu xe của bạn nằm trong số này thì bạn nên bật hệ thống rửa đèn mỗi khi thấy kính lái cần được làm sạch. Còn nếu không thì bạn nên thường xuyên lau sạch mặt trước của đèn pha bằng khăn ẩm để tránh làm xước mặt đèn, nhất là mặt đèn bằng nhựa.

Vòi phun nước rửa đèn pha đang hoạt động

Chi phí: 0 đồng

Thời gian: 1 phút

Hiệu quả: Đem lại độ sáng gốc của đèn pha, không làm chói mắt người đi ngược chiều

Tua vít cũng giúp đèn sáng hơn

Ngay cả khi đèn pha của xe bạn đã sạch bóng, luồng sáng của đèn pha vẫn có thể chiếu lệch hướng, nếu chóa đèn pha không được chỉnh đúng cách. Luồng sáng của đèn pha chịu ảnh hưởng của tải trọng trên xe: chở nặng sẽ làm xệ đuôi khiến đèn pha chiếu lên cao hơn và gây chói mắt người đi ngược chiều trong khi không chiếu sáng rõ mặt đường.

 

Một số xe đời mới có hệ thống đèn Xenon tự điều chỉnh vị trí luồng sáng theo tải trọng và gia tốc. Hầu hết xe châu Âu đều có nút xoay để chỉnh vị trí đèn theo tải trọng. Bạn có thể chọn vị trí 0-1-2-3-4 theo số hành khách và hành lý trên xe.

 

Nút xoay để chỉnh vị trí đèn theo tải trọng

Các loại xe còn lại đều có từ một đến hai con ốc để điều chỉnh vị trí luồng sáng lên-xuống (ký hiệu U-D) hoặc trái-phải (ký hiệu L-R). Bạn có thể dùng tua vít 4 cạnh để xoay và điều chỉnh vị trí luồng sáng theo hướng cần thiết. Bạn nên đỗ xe vuông góc cách một bức tường khoảng 3-5m khi điều chỉnh để dễ xác định vị trí luồng sáng.

  

Đèn chỉnh sai (bên cao bên thấp)                                 Đèn chỉnh đúng (hai bên bằng nhau)

Chi phí: 0 đồng

Thời gian: 1-5 phút

Hiệu quả: Đem lại độ sáng gốc và vị trí chính xác của đèn pha, không làm chói mắt người đi ngược chiều

Nhìn đẹp hơn và rõ hơn

Sau vài năm sử dụng, chóa đèn pha của xe bạn có thể bị mờ và ố vàng do bụi bẩn và hơi nước chui vào bên trong. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều xe ôtô đời mới có chóa đèn phản xạ đa diện với mặt nhựa trong suốt. Các mặt nhựa này bị lão hóa nhanh hơn nhiều so với mặt kính của các xe đời cũ. Bạn nên đến một gara hoặc cửa hàng phụ kiện ôtô để xúc rửa lại chóa đèn và đánh bóng lại mặt kính/nhựa, làm tăng độ phản xạ của chóa đèn và độ trong suốt của mặt kính/nhựa. Ngoài việc tăng độ sáng vào ban đêm, cặp chóa đèn trong veo sẽ còn làm cho xe của bạn đẹp hơn vào ban ngày nữa.

Chi phí: Khoảng 200 nghìn đồng

Thời gian:  2-3 giờ

Hiệu quả: Đem lại độ sáng gốc của đèn pha và vẻ đẹp cho xe.

Sáng và đúng chỗ

Chiếc xe ôtô nào cũng có hai chế độ đèn là cốt và pha. Đèn cốt cho luồng sáng chiếu thấp và gần, có đường ngăn cách sáng tối rất rõ nét để tránh gây chói mắt xe ngược chiều và cả xe đi phía trước, dùng khi lái xe tốc độ thấp trong các đô thị, khu vực đông dân cư. Đèn pha cho luồng sáng chiếu xa, dùng khi lái xe tốc độ cao trên đường quốc lộ.

Bật đèn pha khi gặp xe ngược chiều sẽ làm chói mắt người lái xe ngược chiều, khiến họ cũng sẽ bật đèn pha để “đáp lại”. Kết quả là cả hai người lái xe đều chẳng nhìn thấy gì cả, rất dễ gây tai nạn nghiêm trọng. Ngoài ra, bạn còn có thể bị phạt vì vi phạm luật giao thông nữa. Vì sự an toàn của chính bạn và người khác, chúng tôi mong bạn luôn chuyển về đèn cốt khi gặp xe ngược chiều, khi chạy ngay sau một xe khác và trong các khu vực đông dân cư.

Chi phí: 0 đồng

Thời gian:  2 giây

Hiệu quả: Đem lại độ sáng gốc và vị trí chính xác của đèn pha, không làm chói mắt người đi ngược chiều

Nguồn sáng tốt với công suất không đổi

Trong hệ thống chiếu sáng của xe ôtô, mọi thiết bị và phụ kiện đều ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả cuối cùng là độ sáng của đèn pha. Để cho đèn thật sáng, bạn cần quan tâm đến từng chi tiết như máy phát điện, hệ thống dây dẫn, rơ le, công tắc và đầu nối.

- Máy phát điện cần có điện thế phát ra khoảng 14V để có thể nạp đầy acquy và cung cấp đủ điện cho các phụ kiện trong đó có bóng đèn pha.

- Dây dẫn phải không có các điểm nối phát sinh, lớp cách điện không bị nứt hoặc rách.

- Rơ le, công tắc hoạt động tốt, không gây sốc điện khi đóng/ngắt mạch.

- Dùng đầu nối loại kẹp khi nối dây, không nối dây bằng cách xoắn.

- Tuyệt đối không dùng loại bóng đèn công suất lớn 90/100/130W cho pha đèn theo xe. Loại bóng đèn này tỏa nhiệt gấp đôi so với bóng tiêu chuẩn, gây quá tải cho toàn bộ hệ thống điện, làm chảy dây và giắc cắm, làm rộp chóa đèn và ố vàng mặt nhựa của đèn pha. Thay vào đó, bạn nên dùng loại bóng đèn hiệu năng cao của NARVA, Osram hay Phillips với công suất tiêu chuẩn nhưng sáng hơn đến 50%.

Bóng đèn hiệu năng cao

Chi phí: Dưới một triệu đồng

Thời gian: Tùy hiện trạng (thay bóng đèn mất 5 phút)

Hiệu quả: Sáng hơn đến 50% độ sáng của đèn pha gốc và không gây hại cho đèn, không làm chói mắt người đi ngược chiều

Thời trang và những mặt trái

Lắp đèn xenon vào chóa đèn pha halogen đang được xem là mốt thời thượng với độ sáng cao, ánh sáng có màu sắc bắt mắt và khác lạ. Tuy nhiên, các bộ đèn “xenon Tàu” (do xuất xứ hầu hết là từ Trung Quốc) cũng dần bộc lộ một số nhược điểm như:

- Sự lệch tâm của đèn xenon trong chóa đèn halogen khiến cho ánh sáng bị tóe ra gây chói mắt với mức độ cao hơn hàng trăm lần so với thiết kế, rất nguy hiểm và khó chịu cho người đi ngược chiều.

- Sản xuất bằng vật liệu rẻ tiền nên rất hay bị trục trặc như bật đèn không lên ngay, đèn bị nhấp nháy hoặc tịt một bên.

Chi phí: Từ một đến vài triệu đồng

Thời gian: Khoảng 1 giờ

Hiệu quả: Quầng sáng mạnh gây chói mắt người đi ngược chiều, không bền.

Lời kết

Cũng như bơm lốp xe đúng áp suất có thể tiết kiệm đến 10-15% lượng xăng tiêu thụ, việc tăng độ sáng cho đèn pha thực ra rất đơn giản và không quá tốn kém. Hy vọng, thông tin trên sẽ giúp bạn có thể lựa chọn biện pháp tăng sáng phù hợp nhất cho sự an toàn của chính mình và người khác khi lái xe vào buổi tối.

Nam Vũ (theo PLXH)

Ý kiến đánh giá (1)


Có thể bạn quan tâm