16:37  | 

Mercedes-Benz SL: Thành công trên trường quốc tế (P2)

Đỉnh cao về công nghệ, thiết kế và tính năng vận hành – những chiếc xe thể thao lịch lãm SL-Class đã giúp Mercedes-Benz trở thành thương hiệu luôn gây ấn tượng sâu sắc đối với giới mê xe trên toàn thế giới trong suốt 6 thập kỷ vừa qua.

>> Bạn có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/Autodaily

>> Mercedes-Benz SL-Class: Chặng đường phát triển (P1)

Chặng đường phát triển của dòng xe này bắt đầu từ thành công của chiếc xe đua 300 SL đầu tiên mang danh W 194 tham gia tranh tài tại giải đua uy tín thế giới năm 1952. Sau đó, chiếc xe đã trở thành cơ sở để phát triển các dòng xe 300 SL Gullwing (W 198, sản xuất năm 1954) và 190 SL (W 121, từ năm 1955). Cho đến nay, sau 6 thế hệ liên tiếp ra đời tạo nên một kỷ nguyên phát triển rực rỡ của cái tên SL-Class từ mẫu W 113 (hay có tên thân mật là “Pagoda”), R 107, R 129 và R 230

Tất cả các mẫu xe SL xuất xưởng đều bán rất chạy vào thời đó, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Cuối thập niên 1950, mẫu xe coupe 300 SL Gullwing và Roadster 190 SL đã lập kỷ lục mới về doanh số toàn cầu, dù các mẫu SL sau này vẫn nối tiếp thành công rực rỡ của thế hệ tiền nhiệm.

Những cải tiến về thiết kế và công nghệ trên mỗi chiếc SL đều tạo bước đột phá tiên phong vượt trước thời đại. Không những thế, khách hàng sở hữu một chiếc thể thao SL thời đó, đều được hưởng những lợi ích lâu dài! Tại sao vậy? Bởi vì tất cả các mẫu xe ra đời vào những năm 1950 và các thế hệ sau này giá trị của chúng không hề bị giảm đi mà ngày càng trở nên đắt giá hơn – với tư cách là xe cổ.

Mỗi chiếc Mercedes Benz Classic đến với tay khách hàng đều được chăm sóc và bảo dưỡng để nâng tầm giá trị theo thời gian. Ví dụ, khách hàng vẫn được cung cấp các phụ tùng chính hãng và bán những chiếc xe cổ qua các hệ thống kinh doanh Young Classics hoặc Mercedes-Benz Classic.

Thế hệ mới nhất của Mercedes-Benz SL là chiếc R 231 trình làng năm 2012 đánh dấu chặng đường thành công huy hoàng trong suốt 6 thập kỷ qua của những mẫu xe thể thao Mercerdes-Benz với cái tên Super-Leicht trong tiếng Đức có nghĩa là “Trọng lượng Siêu nhẹ” hay tên mã viết tắt là SL.

Những mẫu xe thể thao đặc biệt của thế giới

Đột phá về công nghệ và tỏa sáng trên đấu trường quốc tế - năm 1952, sự xuất hiện của Mercedes-Benz 300 SL (W 194) đã soán ngôi vị mà Mũi tên Bạc thời Tiền Thế Chiến còn bỏ ngõ. Và vào thời đó, thành công của 300 SL đã khiến cho danh tiếng của nhà máy sản xuất ô tô tại Stuttgart lan rộng và khơi dậy đam mê trong giới hâm mộ xe thể thao trên toàn cầu. Đặc biệt khi nước Đức đang trong thời kỳ khôi phục sau chiến tranh nên càng khẳng định được giá trị mang lại của hãng xe ô tô này.

Tuy nhiên, có một sự khác biệt khá lớn, giữa các chiến binh trên đường đua Grand-Prix và những chiếc Coupe “cánh chim” có hệ thống khung gầm ống rỗng. Trong khi những chiếc xe Mũi tên bạc không bao giờ thoát khỏi khuôn đúc của xe đua thì 300SL được tái sinh sau 2 năm tranh tài dưới dạng một phiên bản xe thể thao ngoạn mục.

Mercedes-Benz 300 SL (W 198 I)

Chiếc Mercedes-Benz 300 SL có tên mã W 198 I xuất hiện trên đấu trường quốc tế vào tháng 2/1954 tại Triển lãm Siêu xe thể thao Quốc tế New York. Mẫu Coupe hạng sang này được phát triển trên nền tảng của chiếc SL thể thao thành công trên toàn thế giới trước đó, với sự hợp tác với một nhà nhập khẩu ô tô chính thức tại Mỹ. Maximilian E. Hoffman là người đã thuyết phục ban giám đốc tại nhà máy Stuttgart cho xuất xưởng các mẫu xe thể thao thương mại trên cơ sở chiếc xe đua W 194. Và sau đó, phát triển một mẫu xe khác W 198 I được chính thức ra mắt báo giới và các chuyên gia ô tô đến từ các nước trên thế giới tại thành phố New York và phiên bản sản xuất W190 SL (W 121) ra đời.

Maximilian Edwin Hoffmann sinh năm 1904 tại thủ đô Vienna của Áo, ông là một người đam mê ô tô, từng làm việc cho một doanh nghiệp nhập khẩu tại quê hương từ những năm 1902 – 1930. Trong đó, Volvo là một trong những thương hiệu xe mà công ty của ông kinh doanh. Sau đó ông định cư tại Mỹ từ năm 1947 và gây dựng lại cơ nghiệp của mình – nhà nhập khẩu ô tô sau Chiến tranh Thế giới II. Năm 1947, ông mở showroom ô tô đầu tiên tại Park Avenue – Paris.

Maximilian Edwin Hoffmann

Kể từ năm 1951, Hoffman bắt đầu bán cả xe Mercedes-Benz. Những chiếc xe có thiết kế độc đáo của thương hiệu ô tô đến từ Đức này không chỉ là sản phẩm kinh doanh yêu thích mà thỏa mãn sở thích cá nhân của ông. Trang thời báo New York Times đã dành riêng một bài ca ngợi nhà phân phối xe hơi này như sau “Hoffman được ví von là nhà kinh doanh nghệ thuật huyền thoại của những năm đầu thế kỷ 20 vì khả năng đặc biệt có thể làm say đắm khách hàng nhờ nghệ thuật kinh doanh, khiếu thẩm mỹ xuất sắc với một cá tính cực kỳ mạnh mẽ”.

Trên hết, đó là sự nhanh nhạy của Hoffman trong việc nắm bắt xu thế thị hiếu của khách hàng. Chính vì vậy, tháng 9/1952 khi ông phục hồi hợp đồng đặt hàng để trở thành nhà nhập khẩu chính thức các mẫu xe khách Mercedes-Benz cho thị trường Đông Mỹ - sau này còn mở rộng sang toàn bộ miền Tây. Điều quan trọng đó là Hoffman không chỉ bán các mẫu xe Mercedes-Benz tại Mỹ mà còn đặt hàng các mẫu xe thể thao và có thiết kế bắt mắt.

Tháng 9/1953, tại một buổi họp với ban giám đốc của tập đoàn Daimler-Benz AG, ông đã gợi ý ra mắt những chiếc xe thể thao mới. Hoffman đã nhấn mạnh thị trường tiềm năng cho những mẫu xe thể thao độc đáo như Mercedes-Benz 300 SL, vào năm 1954, ông vẫn ưu tiên bán các phiên bản Roadster mui trần, phải đến năm 1957, những chiếc Roadster 300 SL (W 198) mới có mặt trên thị trường.

Mercedes-Benz 300 SL (W 198 I) tại Hollywood

Những mẫu xe thể thao mới ra mắt đã gặt hái được thành công nhanh chóng trên thị trường Mỹ. Chỉ trong vòng 17 tháng, những chiếc xe cánh chim 996 đã được bán sạch, trong đó 850 chiếc được tiêu thụ tại Mỹ, chiếm đến 85% tổng số xe được xuất xưởng từ năm 1954-1955, những năm tiếp theo, tỉ lệ xuất khẩu sang Mỹ có giảm nhưng vẫn giữ doanh số ấn tượng.

Cho đến năm 1963, Mercedes-Benz tiêu thụ phân nửa số xe 300 SL W 198 tại thị trường này, chính xác là 51% (1400 chiếc Coupe) trong tổng 1858 chiếc được sản xuất, như vậy, chiếm đến 86% thị phần toàn cầu.

Thậm chí trước khi chính thức ra mắt tại New York, những chiếc Mercedes-Benz thể thao đã có tiềm năng rất lớn để trở thành biểu tượng phong cách. Tháng 2/1954, Feidrich Nallinger và Rudolf Uhlenhaut đại diện cho tập đoàn Daimler-Benz AG đăng ký bằng sáng chế thiết kế cửa cánh chim độc đáo và sau đó Văn phòng Cấp bằng Sáng chế Hoa Kỳ đã phê duyệt thiết kế này và công bố các tài liệu liên quan (mã thiết kế 175 278) vào tháng 12/1955 như “bản khai sinh” cho các mẫu xe thể thao Mercedes-Benz SL.

Ra mắt concept năm 1954 sau đó, phiên bản sản xuất có mặt trên thị trường từ năm 1955, mẫu xe 190 SL trở thành một biểu tượng xe thể thao xuất sắc thuộc dòng Mercedes-Benz 300 SL coupe. Từ sau năm 1955, 80% trong tổng số 25,881 chiếc được sản xuất được tiêu thụ trên thị trường quốc tế, trong đó gần 40% chiếc 190 SL được bán tại thị trường Mỹ. 1956 được xem là năm có mốc son đặc biệt khi 3109 xe chở khách Mercedes-Benz tiêu thụ tại Mỹ chỉ trong vỏn vẹn 9 tháng (1-9/1956) và không dưới 1849 chiếc là xe thể thao SL 190, chiếm gần 60% tổng số xe xuất khẩu cho thị trường Mỹ vào năm đó.

Những con số thống kê ấn tượng trên đây đã khẳng định một điều rằng mẫu SL trở thành mẫu xe được các “xế” ưa phong cách thể thao săn lùng trên thị trường xuất khẩu – và doanh số chính là một trong những yếu tố tạo thành công cho thương hiệu Mercedes-Benz trên toàn cầu. Ngoài ra, những chiếc xe thể thao SL đã mang đến hình ảnh của một thương hiệu xe hiện đại hội tụ những nét thiết kế tinh tế và công nghệ đỉnh cao.

Thành công này tiếp tục được khẳng định qua thời gian khi lượng xe bán ra thị trường nước ngoài của các thế hệ SL sau này luôn chiếm tỉ lệ 4/5 và thị trường tiêu thụ lớn nhất vẫn là Mỹ.

Tương tự, với mẫu W 113, ra mắt và mùa xuân 1963 là phiên bản thay thế cho mẫu 300 SL Roadster và 190 SL. Các nhà thiết kế và kỹ sư của Mercedes-Benz đã gây ấn tượng với một thiết kế hoàn toàn mới – thế hệ mang danh “Pagoda” (đặc trưng cho thiết kế cong cong kiểu mái chùa) – một sự kết hợp hoàn hảo giữa mẫu xe thể thao có tính năng vận hành cao 300 SL Roaster và “người anh em” 190 SL – sản phẩm cuối cùng đó là một mẫu xe sang trọng lịch lãm với những đường cong mềm mại nhưng không kém phần mạnh mẽ khi sở hữu nền tảng của một chiếc xe đua với tính năng vận hành cao và độ an toàn tuyệt đối. Gần 70% chiếc Pagoda xuất xưởng được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Một lần nữa, mẫu xe này lập cú đúp thành công về doanh số tại Mỹ (chiếm 40%).

Mercedes-Benz SL W 113 tại Paris

Đối với mẫu xe W 113, Mercedes-Benz thực hiện một số điều chỉnh nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu đặc biệt của thị trường xuất khẩu như hộp số tự động, hệ thống điều hòa theo thị hiếu khách hàng tại Mỹ. Ngoài ra, còn có phiên bản đặc biệt của chiếc Mercedes-Benz Roadster mang danh “California Coupe” có thiết kế mui cứng thay vì mui bạt mềm.

Đặc biệt vào giai đoạn 1971 – 1989, Roadster 107 series là mẫu xe cán mốc tiêu thụ kỷ lục tại Mỹ trong số các mẫu SL đã từng có mặt trên thị trường (62%). Ngoài ra, Mercedes-Benz còn phát triển một phiên bản đặc biệt 350 SL chỉ dành riêng cho thị trường Bắc Mỹ trang bị động cơ V8, 4,5L cho công suất 195 mã lực nhằm đáp ứng tiêu chuẩn khí thải tại Mỹ. Tháng 4/1973 cả hai mẫu Coupe và Roadster 107 series đều được trang bị động cơ mạnh mẽ hơn (225 mã lực) đều được tung ra các thị trường khác.

Năm 1985, thêm một phiên bản đặc biệt dành riêng cho khách hàng tại Bắc Mỹ, Nhật và Úc mang tên 560 SL sở hữu động cơ V8, 5,6L (nâng cấp động cơ từ chiếc 500 SL) cho công suất 230 mã lực. Để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe tại thị trường Bắc Mỹ, các mẫu xe sẽ có những thay đổi cần thiết như cụm đèn pha, cản trước đồ sộ hơn, dày khoảng 20cm để chống va đập được trang bị cho chiếc SL R 107, chính vì vậy mà những mẫu xe xuất khẩu sang Mỹ thường có diện mạo đặc trưng dễ phân biệt hơn so với các thị trường khác.

Mercedes-Benz 450 SL R 107

Tuy nhiên, mẫu xe làm thay đổi ý nghĩa của khái niệm “phiên bản đặc biệt” phải kể đến chiếc R 129 SL Roadster, vì nó không chỉ đáp ứng các quy định pháp lý mà còn cả tiêu chuẩn thẩm mỹ của những nhóm khách hàng riêng biệt. Tất nhiên là bao gồm cả SL 320 và SL 500 - hai “Phiên bản Roadster Đặc biệt Kỷ niệm 40 năm” cho dòng 300 SL Roadster (W 198 I) ra đời 1957 và tổng cộng 750 chiếc xuất xưởng vào năm 1997 tại thị trường Mỹ. Sau đó, “Phiên bản Mũi tên Bạc tại Mỹ” – SL 500 và SL 600 cũng được ra mắt năm 2001 với tổng cộng 1515 chiếc.

Ngoài ra, các thị trường tiềm năng khác như Anh Quốc và Nhật Bản cũng được Mercedes-Benz chăm sóc đặc biệt bằng những bộ sưu tập thiết kế độc đáo mang đặc trưng riêng cho từng quốc gia và thị hiếu khách hàng như “Designo MB UK” (150 chiếc), “”designo MB Japan” (67 chiếc), “designo-Vintage Edition UK”, “designo-Heritage Edition”, “Silver Arrow Edition UK”…

Đối với R 230 series, phiên bản đầu tiên của SL Roadster có thiết kế mui xếp cứng vario-roof xuất hiện vào mùa hè 2001 và đến tháng 10 cùng năm, có tổng 170 000 chiếc đã được bán (xuất khẩu 78%, riêng tại Mỹ chiếm 45%). Đây là thế hệ bán chạy nhất trên toàn cầu trong lịch sử của SL. Cả hai phiên bản R 230 và R 129 đều có những thay đổi về động cơ đối với từng mẫu đặc biệt.

Mercedes-Benz 380 SL R 107

Mặc dù được phát triển cho thị trường Châu Âu, nhưng các mẫu xe này đều đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải khắt khe của thị trường Bắt Mỹ và các thị trường khác. Mặc dù vậy, vẫn có sự khác biệt giữa những mẫu dành riêng cho Mỹ và tại Châu Âu. SL 500 dành cho Châu Âu không được đổi tên dù là bản cải tiến năm 2006 (nâng cấp động cơ V8, 5L lên 5,5L cho M 113), còn tại Bắc Mỹ, các mẫu xe thể thao được nâng cấp công suất từ 306 lên 388 mã lực đều được đổi tên để thể hiện sức mạnh mới - SL 550.

Đầu năm 2012, thế hệ mới nhất của SL – R 231 có mặt trên thị trường – đánh dấu chặng đường 60 năm huyền thoại của chiếc xe đua 300 SL.

Xe Mercedes-Benz SL – Một sự đầu tư có lãi

Giá trị của SL Class mang lại không chỉ từ các thế hệ xe thể thao Mercedes-Benz hiện nay mà còn cả thế hệ tiền nhiệm. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi ra mắt, biểu tượng 300 SL trở thành chiếc xe mơ ước của nhiều người và năm 1999 được các chuyên gia bình chọn là mẫu xe thể thao của thế kỷ.

Tuy nhiên, các mẫu 190 SL, W 133 Pagoda, R 107 và R 129 SL Roadster có giá trị như những chiếc xe cổ. Sự hấp dẫn vượt thời gian của các mẫu xe thể thao đặc biệt này không những phản ánh niềm đam mê của người sở hữu mà còn khẳng định giá trị nhân lên theo thời gian của mỗi chiếc xe. Tháng 12/2011, tạp chí Motor Klassik đã đánh giá một số xe cổ có “giá trị hơn cổ phiếu”, trong số này phải kể đến Mercedes-Benz 300 SL Gullwing, nếu chiếc nào còn nguyên vẹn thì giá trị của nó phải tăng lên 171% kể từ năm 2001.

Đây không phải thành công vụt sáng cho nháy mắt, mà giá trị của mỗi chiếc xe sẽ ngày một nhân lên theo thời gian, như đánh giá của các chuyên gia Mercedes-Benz. Đầu năm 2012, tạp chí Ô tô Motor Klassik tiếp tục đưa ra lời cố vấn cho những những khách hàng tiềm năng của SL 300, W 198I “Đối với hầu hết fan hâm mộ xe hơi cổ thì việc sở hữu một chiếc Coupe Gullwing vẫn luôn là một ước mơ vì những chiếc xe này luôn có giá trên 1 triệu Euro tại các phiên đấu giá”.

Tạp chí xe cổ uy tín này có đánh giá rất kỹ các mẫu SL khác, ví như chiếc R 107 được đánh giá là “một sản phẩm thỏa mãn mọi ước mơ” vì nó có rất nhiều phiên bản được sản xuất theo yêu cầu đặc biệt của khách hàng và mẫu R 129 được nhận định là “xe cổ của tương lai”.

Ở khía cạnh này, Mercedes-Benz Classic thực sự đã thành công mỹ mãn khi mang lại cho người sở hữu chiếc xe SL thể thao hoài cổ mà hiện đại. Đặc biệt, hãng luôn cung cấp đầy đủ phụ kiện và phụ tùng cần thiết cho chủ xe để đảm bảo cho mỗi chiếc xe giống như bảo tàng di động. Ngoài ra, Mercedes-Benz Classic còn mang lại những lời khuyên và tư vấn hữu ích cho người sở hữu tác phẩm của hãng với chất lượng trên cả dịch vụ chăm sóc khách hàng đơn thuần.

Kể từ khi 300 SL Gullwing và 190 SL ra mắt, dòng xe SL đã liên tục đặt ra những tiêu chuẩn mới về kỹ thuật công nghệ và thẩm mỹ. Những cải tiến kỹ thuật đáng chú ý bao gồm: phun nhiên liệu trực tiếp trên xe W 198, thiết kế thân xe an toàn cho Pagoda và mui xếp trên chiếc R 129. Là biểu tượng phong cách trong ngành công nghiệp ô tô, những chiếc xe thể thao của Mercedes-Benz ngày nay vẫn thường xuyên xuất hiện cho giới hâm mộ chiêm ngưỡng trên từng thước phim, tại các phòng triển lãm hoặc trong các bộ sưu tập xe cổ giá trị trên toàn thế giới.

Thư Lê (theo PLXH)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm