06:48  | 

Daytime running light - đèn chiếu sáng ban ngày

"Tự nhiên nó xuất hiện trước mũi xe tôi" là lời giải thích của một nửa số lái xe gặp tai nạn vào ban ngày. Đây là kết quả của một cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu an toàn giao thông Hà Lan tiến hành vào năm 1997.

>> Lịch sử đèn pha ô tô (P1): Những dấu mốc lịch sử

>> Hệ thống chiếu sáng và sự an toàn của người lái xe (P2)

>> Bóng đèn hiệu năng cao (P3)

>> Bộ chuyển đổi đèn xenon: Thời trang và những mặt trái (P4)

>> Giúp đèn xe hơi sáng hơn nhờ tua-vít và khăn lau (P5)

>> Từ Bi-Xenon đến đèn pha “5 trong 1″

Vậy điều gì đã khiến cho những người lái xe nói trên không thể nhận ra chiếc xe đi ngược chiều (hoặc nhận ra quá muộn) ngay vào ban ngày, dẫn đến va chạm đáng tiếc xảy ra? Trong bài báo này, chúng ta sẽ cùng phân tích một số yếu tố làm ảnh hưởng đến khả năng quan sát của người lái xe vào ban ngày và các biện pháp khắc phục.

Sáng, tối và mối nguy hiểm

Không thể phủ nhận, ánh sáng ban ngày có thể được coi là nguồn sáng lý tưởng nhất cho việc lái xe. Cường độ sáng cao, phân bố đồng đều và ổn định trong phạm vi nhiều cây số giúp người lái xe có thể quan sát tốt mặt đường ngay phía đầu xe cũng như cách xa một vài trăm mét hoặc xa hơn nữa. Các vật thể bên lề đường cũng được chiếu sáng với cùng một cường độ, đem lại khả năng xác định và xử lý tình huống hoàn hảo.

Tuy nhiên, cường độ sáng càng cao thì mức độ tương phản giữa nơi được chiếu sáng và bóng râm do cây cối, nhà cửa tạo ra càng lớn. Sự tương phản này khiến cho mắt người lái xe không kịp điều chỉnh độ nhạy sáng, cũng như khi đang đi ngoài trời nắng mà bước vào căn phòng tối vậy. Cũng chính lý do này mà khi đi ngoài trời nắng, những vật thể trong bóng râm đôi khi trở nên rất khó nhận ra. Bạn phải mất ít nhất là vài giây đồng hồ để mắt có thể điều chỉnh và thích nghi với bóng tối trong phòng.

Nhưng khi lái xe trên đường thì mỗi giây qua đi là bạn đã chạy thêm được vài chục mét, vì thế trong hầu hết trường hợp khi gặp bóng râm thì mắt bạn sẽ không có đủ thời gian điều chỉnh để quan sát kịp thời. Sự chậm trễ này là một trong những nguyên nhân khiến bạn có thể đâm trực diện với xe hoặc người đi ngược chiều, hoặc đâm ngang sườn vào một xe khác tại các ngã tư không có đèn tín hiệu giao thông.

Sự ra đời của đèn chiếu sáng ban ngày

Tăng tốc độ thích nghi của mắt với cường độ sáng/tối là việc không đơn giản, trừ khi bạn có một đôi mắt của loài mèo. Có một cách đơn giản hơn giúp xe ngược chiều có thể nhận ra xe bạn sớm hơn, đấy chính là đèn chiếu sáng ban ngày (Daytime Running Light -DRL).

Hệ thống đèn pha trên xe từ cuối thế kỷ 19 đã được dùng chủ yếu là để tăng khả năng quan sát chủ động của người lái xe, nghĩa là rọi luồng sáng vào vật thể khác để người lái xe có thể quan sát được và xử lý. Ngược lại, đèn chiếu sáng ban ngày có mục đích để tăng khả năng quan sát thụ động của xe, giúp những người lái xe khác có thể quan sát được chiếc xe của bạn và xử lý sớm hơn.

 Đèn pha/cốt tăng khả năng quan sát chủ động, còn đèn DRL tăng khả năng quan sát thụ động

Với cường độ sáng vừa đủ để gây sự chú ý, đèn chiếu sáng ban ngày đang được áp dụng và tiến đến bắt buộc ở nhiều nước tiên tiến như Bắc Âu, Mỹ, Canada, Anh và Úc từ đầu những năm 1980. Những chiếc xe được trang bị DRL không có công tắc tắt đèn. Khi bật chìa khóa xe, đèn DRL sẽ tự động sáng.

Vào buổi tối khi người lái xe bật đèn vị trí (position light) hoặc đèn pha/cốt thì đèn DRL sẽ được tắt. Việc bố trí đèn DRL tùy thuộc vào luật pháp của từng quốc gia và nhà sản xuất. Một số xe dùng chính đèn cốt làm đèn chiếu sáng ban ngày. Đèn pha (hoạt động với điện thế thấp hơn bình thường) đóng vai trò DRL trên nhiều dòng xe sản xuất tại Mỹ. Đèn xinhan cũng có thể được bật cố định (không nhấp nháy) để tăng sự chú ý nhờ ánh sáng màu vàng. Ngoài ra một số xe đời mới còn được lắp sẵn chóa đèn DRL thiết kế riêng.

Các loại đèn chiếu sáng ban ngày

Bức ảnh sau sẽ cho thấy sự khác biệt đáng kể khi xe đi trong bóng râm không có đèn và khi bật đèn cốt.

Xe không có đèn (trái) rất khó nhận ra so với xe bật đèn cốt (giữa) và đèn DRL (phải)

Mặc dù vậy, đèn cốt được thiết kế chủ yếu là để chiếu sáng mặt đường và không gây chói mắt cho người lái xe ngược chiều vào ban đêm. Vì thế độ sáng của đèn cốt và mức độ chú ý của người lái xe ngược chiều vào ban ngày cũng rất khiêm tốn.

Đèn cốt (low beam) không hiệu quả bằng đèn DRL

Luồng sáng của đèn pha được thiết kế để chiếu sáng song song với mặt đường và do đó khá phù hợp để dùng làm đèn chiếu sáng ban ngày. Tuy nhiên độ sáng rất cao của đèn pha có thể khiến cho người lái xe ngược chiều bị chói mắt. Vì thế một số loại xe có bộ phận giảm điện thế hoạt động của đèn pha thấp hơn bình thường để giảm cường độ sáng cũng như để tiết kiệm điện và kéo dài tuổi thọ của bóng đèn pha. Các loại xe này cũng sử dụng bóng đèn có tuổi thọ cao (Long Life) để giảm số lần phải thay bóng đèn.

Đèn pha với điện thế thấp dùng làm DRL trên xe Lexus RX330

Việc sử dụng đèn pha hoặc cốt làm đèn chiếu sáng ban ngày chưa phải là giải pháp tối ưu, vì đèn pha/cốt tiêu hao khá nhiều năng lượng (khoảng 110W). Dùng đèn xinhan bật liên tục để làm đèn chiếu sáng ban ngày sẽ giảm công suất tiêu hao (khoảng 42W) nhưng không đem lại hiệu quả như ý. Mặc dù ánh sáng vàng của đèn xinhan có thể tăng sự chú ý song cường độ sáng thấp và mức độ tán xạ lớn của đèn xinhan khiến cho khả năng thu hút sự chú ý bị giới hạn ở khoảng cách gần mà thôi.

Xe Audi A4 với đèn DRL chuyên dụng

Giải pháp tốt hơn cả là sử dụng các loại đèn chuyên dụng để chiếu sáng ban ngày. Các loại đèn này có công suất thấp (5-16W) nhưng sử dụng bóng đèn hiệu suất cao và chóa đèn được thiết kế để tập trung luồng sáng hướng về phía người lái xe ngược chiều. Đặc biệt, nếu dùng bóng đèn LED để làm đèn chiếu sáng ban ngày thì vừa tăng tuổi thọ của bóng đèn lên đến trên 10.000 giờ (dài hơn thời gian sử dụng của một đời xe) vừa giảm tiêu thụ điện xuống chỉ còn vài W.

Một số loại đèn DRL chuyên dụng của Hella

Hiệu quả của đèn chiếu sáng ban ngày

Hầu hết các cuộc nghiên cứu đều cho thấy đèn chiếu sáng ban ngày làm giảm số vụ tai nạn từ 2 xe trở lên vào ban ngày. Tại Na Uy, việc bắt buộc sử dụng DRL làm giảm 10% số vụ tai nạn đâm xe vào ban ngày. Một nghiên cứu của Đan Mạch cho thấy DRL làm giảm đến 37% số vụ tai nạn khi rẽ trái. Các con số thống kê của Đức cũng cho thấy, sau khi tất cả các xe ôtô đều trang bị đèn chiếu sáng ban ngày thì số tai nạn nghiêm trọng giảm đi đến 25%, đồng thời số người chết giảm 15% và số người bị thương nặng giảm 10%.

Đèn DRL tăng khả năng nhận biết cho những chiếc xe màu sẫm

Trong điều kiện giao thông của Việt Nam, việc sử dụng đèn chiếu sáng ban ngày tuy chưa có tính bắt buộc song ngày càng có nhiều lái xe đã bật đèn cốt khi trời bắt đầu mưa. Động tác này giúp những người cùng đi trên đường dễ nhận ra chiếc xe đã bật đèn, tăng khả năng xác định vị trí và xử lý tình huống. Khi bắt đầu đi vào đường hầm, bạn cũng nên bật đèn để cảnh báo sự có mặt cho xe từ trong hầm ra cũng như cho xe đi phía trước.

Một vài thông tin thú vị

- Dùng đèn chiếu sáng ban ngày không chỉ giúp xe ngược chiều dễ nhận ra bạn mà còn giúp xe cùng chiều đi phía trước nhận ra bạn trong gương chiếu hậu tốt hơn.

- Chi phí nhiên liệu và bóng đèn tăng thêm với đèn DRL chỉ từ 3 đến 40 đô la Mỹ cho 1 xe mỗi năm tùy theo mức độ hoạt động.

Nam Vũ (theo TTTĐ)

Ý kiến đánh giá


Có thể bạn quan tâm